Gia tăng giá trị xuất khẩu nhờ… chỉ dẫn địa lý

HẠNH LÊ 07/09/2022 11:00

Gắn nhãn địa lý được xem như “giấy thông hành” để nông sản đặc sản vùng miền của Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu bền vững.

>>>Hàng loạt nông sản xuất khẩu cán mốc 2 tỷ USD

Lợi thế xuất khẩu

Vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) là một trong những điển hình thành công của việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu. Vụ thu hoạch năm nay, trên 160.000 tấn vải thiều đã được xuất bán sang các nước phát triển. Thị trường xuất khẩu vải thiều không ngừng được mở rộng, từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan...

Cùng với vải thiều Bắc Giang, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Mê Thuột, nhãn lồng Hưng Yên, xoài cát Hoà Lộc… - những nông sản đặc sản của Việt Nam gắn liền với địa danh thể hiện nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng đã và đang mở rộng thị phần xuất khẩu sang các thị trường lớn nhờ việc sớm đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý.

Những nông sản được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý có nhiều lợi thế trong tiêu thụ

Những nông sản được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý có nhiều lợi thế trong tiêu thụ

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -  châu Âu (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra cơ hội rất lớn để xuất khẩu hàng hoá Việt Nam, nhất là các loại nông sản chủ lực vào thị trường lớn trên thế giới. Trong đó, các sản phẩm đã đăng ký chỉ dẫn địa lý có nhiều lợi thế hơn do Việt Nam được phía châu Âu bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý và con số này sẽ có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo số liệu của Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế thuộc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ), đến tháng 8 năm 2022, cả nước đã có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó, có 116 sản phẩm đã cấp chứng nhận. Ngoài ra, có 1.682 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Các sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế đang được xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới là nước mắm Phú Quốc, chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, chè Thái Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột, vải thiều Lục Ngạn...

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc sản phẩm nông sản chủ lực của vùng miền đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm, nâng cao uy tín và sự an tâm với người tiêu dùng, góp phần hạn chế tình trạng làm giả, làm nhái, hàng kém chất lượng.

Xây dựng chuỗi giá trị cho thương hiệu tập thể

Các nông sản đặc sản vùng miền của Việt Nam rất phong phú, đa dạng và được bảo tồn, phát triển qua thời gian rất dài. Vì vậy, số lượng sản phẩm đăng ký và được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước và quốc tế còn khá khiêm tốn.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những hạn chế là một số địa phương chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng. Một số doanh nghiệp còn có tâm lý e ngại, chưa quan tâm đến việc cần thiết phải đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm do thủ tục rườm rà, chồng chéo khiến cho nguy cơ sản phẩm bị đánh cắp mẫu mã làm hàng giả, hàng nhái... 

Ngược lại, cũng có những sản phẩm đặc sản được đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể nhưng chưa phát huy hiệu quả trong việc gia tăng thị phần xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước do còn thiếu nguồn lực thực hiện việc quản lý và thiếu kỹ năng về xúc tiến thương mại.

Gia tăng hiệu quả của chỉ dẫn địa lý bằng việc xây dựng chuỗi liên kết, đa dạng sản phẩm nông sản

Gia tăng hiệu quả của chỉ dẫn địa lý bằng việc xây dựng chuỗi liên kết, đa dạng sản phẩm nông sản

Để khắc phục tình trạng này, bà Lê Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế đề xuất các cơ quan chức năng cần quan tâm, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Các địa phương, doanh nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, nắm bắt tâm lý khách hàng, xu hướng tiêu dùng để thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý phù hợp với thị hiếu của khách hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hoá.

Hướng tới mục tiêu trên, quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập các vùng sản xuất chuyên canh, đầu tư trang thiết bị hiện đại kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sâu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh và tăng cường xúc tiến thương mại là việc cần làm với các địa phương và doanh nghiệp. 

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho cam sành

    Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho cam sành

    22:10, 02/12/2019

  • Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Kỳ Sơn” cho sản phẩm gừng

    Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Kỳ Sơn” cho sản phẩm gừng

    14:53, 18/11/2019

  • Công bố chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng

    Công bố chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng

    16:18, 10/11/2019

  • Khai thác hiệu quả “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận” cho sản phẩm nho

    Khai thác hiệu quả “Chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận” cho sản phẩm nho

    13:28, 17/10/2019

  • 3 bộ phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý

    3 bộ phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý

    15:01, 08/08/2018

  • Chỉ dẫn địa lý - “tấm bùa” bị lãng phí

    Chỉ dẫn địa lý - “tấm bùa” bị lãng phí

    12:00, 21/04/2018

HẠNH LÊ