Đề xuất mô hình điểm logistics cộng đồng gắn với vùng nguyên liệu
Chuyên gia đề xuất mô hình điểm logistics cộng đồng tại nông thôn đặt tại các địa phương gắn với vùng nguyên liệu.
>>>Trung tâm nông sản ĐBSCL: Mô hình nào phù hợp?
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, chuỗi cung ứng dịch vụ logistics cho nông sản hầu hết do các doanh nghiệp nhỏ thực hiện đơn lẻ từng khâu nên năng lực lưu thông và cung ứng lạnh hạn chế.
Dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp thì dịch vụ này lại nhỏ lẻ. Trong khi đó, kênh phân phối nông sản qua hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng.
Từ đó, ông Toản đề xuất mô hình điểm logistics cộng đồng tại nông thôn đặt tại các địa phương gắn với vùng nguyên liệu. Cụ thể, cơ chế đầu tư sẽ có sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp và hợp tác xã. Dịch vụ cung ứng của mô hình này sẽ được triển khai đầy đủ các chức năng, gồm: Hỗ trợ thông tin giữa nhu cầu và ứng dụng; dịch vụ marketing và thương mại thông qua sàn thương mại điện tử; dịch vụ sơ chế, đóng gói, bảo quản, lưu kho; dịch vụ vận chuyển bốc dỡ hàng hóa; dịch vụ tham quan vùng nguyên liệu; dịch vụ môi giới, tư vấn pháp lý.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, logistics gồm phần cứng và hạ tầng, sẽ mất nhiều thời gian để tích hợp trong quy hoạch thương mại và giao thông vận tải. Do vậy, cần xác định việc gì trong khả năng của ngành nông nghiệp thì nhanh chóng thực hiện trước. Doanh nghiệp đã bước đầu làm nhưng còn nhỏ lẻ, cần có chiến lược, cơ chế thông thoáng để tập hợp sức mạnh.
Bộ trưởng đánh giá, đề xuất xây dựng trung tâm logistics nông nghiệp cộng đồng từ cấp độ vùng nguyên liệu là thích hợp trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý, nếu đầu tư xây dựng logistics mà không hướng dẫn nông dân cách quản trị thị trường sẽ không đủ điều kiện để phát triển tồn tại bền vững. “Trung tâm logistics vùng nguyên liệu không chỉ đơn giản để bảo quản nông sản lâu hơn mà sẽ hình thành tinh thần liên kết hợp tác sản xuất giữa các bà con và tạo ra không gian chia sẻ, chuyển đổi tri thức cho nông dân”, ông Lê Minh Hoan nói.
Trên thực tế, đề án xây dựng những trung tâm logistics gắn với vùng không còn mới, nhưng mới tập trung vào khu vực xuất khẩu thay vì gắn với vùng nguyên liệu bởi yêu cầu phải tổ chức lại lại từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics.
>>>Trung tâm nông sản ĐBSCL: Băn khoăn nguồn nguyên liệu
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng đồng ý cho tỉnh Quảng Ninh làm trung tâm kết nối nông sản ngay cửa khẩu do tỉnh quản lý và doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Sau Quảng Ninh sẽ làm ở Lạng Sơn. Hàng hóa trước khi xuất khẩu sẽ được kiểm dịch, sau đó xe hàng có thể đi thẳng qua nước bạn. Nếu có trường hợp ùn ứ thì đó cũng là nơi chế biến, đóng gói tạm trữ một thời gian... Khi xảy ra dịch bệnh thì khu vực này là một "vùng xanh", nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn.
Hay vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Cần Thơ, trong đó có xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương hình thành Trung tâm này ở Cần Thơ. TP Cần Thơ cũng đang khẩn trương hoàn thiện Đề án trong đó giai đoạn 1 khoảng 450 ha tập trung các hoạt động liên kết, sản xuất, chế biến tinh, hệ thống logistics kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, khu vực cung ứng dịch vụ logistics, xuất khẩu 100ha. Khu phi thuế quan diện tích 100ha.
Bộ NN&PTNT cũng định hướng xin chủ trương của Chính phủ để xây dựng một trung tâm như vậy ở khu vực Tây Nguyên.
Lo lắng việc các dự án logistics đã có nhưng dừng thí điểm dự án thì đâu lại vào đó, người dân không thể chủ động thực hiện, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch lưu ý, khi trình xây dựng chương trình logistics cấp độ vùng nguyên liệu cần đi kèm với kiến nghị chính sách để đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững.
Theo đó, chính sách cần tập trung vào 2 nội dung cốt lõi là đất đai và tín dụng. “Quan điểm là sẽ lựa chọn một số hợp tác xã có vùng nguyên liệu tốt để xây dựng thí điểm sau đó nhân rộng. Chính sách Nhà nước hỗ trợ đất đai, tín dụng và thị trường còn doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ đầu tư nguồn lực”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đề xuất.
Có thể bạn quan tâm
Hải quan tạo thuận lợi cho thương mại và logistics phát triển
14:28, 08/09/2022
Xuất khẩu thuỷ sản tận dụng lợi thế logistics vào thị trường Trung Quốc
12:00, 04/09/2022
Logistics và "thế kẹt" hạ tầng
04:00, 30/08/2022
Quảng Nam tiếp tục thu hút đầu tư lĩnh vực logistics
03:00, 01/09/2022