Hạ tầng logistics "chạy đua" cùng thương mại điện tử
Để đáp ứng xu hướng phải triển của thương mại điện tử, chuyên gia dự báo, Việt Nam cần hơn 2 triệu m2 nhà kho hiện đại vào năm 2025.
>>>LOGISTICS 4.0: Cơ hội bứt phá cho giai đoạn mới
Logistics chính là "xương sống" trong chuỗi cung ứng của thương mại điện tử giúp ngành phát triển mạnh mẽ và vững chắc, trong khi thương mại điện tử giữ vai trò tăng cường sức bật cho logistics.
Theo nghiên cứu của CBRE vừa được công bố tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam – Chuyển mình phát triển”, cứ 1 tỷ USD doanh thu thương mại điện tử sẽ cần 93.000 m2 kho bãi. Như vậy, ứớc tính đến năm 2025 nhu cầu về kho bãi ở Việt Nam sẽ cần hơn 2 triệu m2 khi mà thương mại điện tử đạt 39 tỷ USD.
Trong khi đó, thực tế từ doanh nghiệp bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc thương mại, Công ty SLP Việt Nam thẳng thắn nhận định, hiện nay cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn còn chưa hoàn thiện và đồng bộ, đặc biệt hệ thống kho bãi còn phân tán, thiếu tính kết nối. Nền tảng hệ thống kho bãi đang có quy chuẩn chưa cao, được thiết kế và quy hoạch không đồng đều.
“Có thể thấy hệ thống kho bãi được quy hoạch chủ yếu ở miền Nam, chỉ có 30% được quy hoạch ở miền Bắc”, bà Diệp nói, và cho rằng: “Đây chính là những vướng mắc hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước và ảnh hưởng đến toàn bộ việc quản trị chuỗi cung ứng”.
Trong khi đó, nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao.
Cụ thể, theo ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, muốn đón “sóng” logistics cần lưu ý đến phát triển sử dụng kho bãi hiệu quả, tăng tốc độ xử lý đơn hàng, giảm chi phí. Bởi bên bán lẻ và thương mại điện tử đều muốn kho hàng của mình gần hơn với khách hàng, vì ngay khi khách hàng bấm mua hàng trên ứng dụng, trong khoảng thời gian rất ngắn phải xử lý đơn hàng với tốc độ nhanh nhất có thể.
“Việc xâm nhập của thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn khá thấp, nhưng đến năm 2024-2025 thì con số này sẽ tăng lên từ 15-20%, thậm chí là 50%”, ông Hiếu dự báo.
>>>LOGISTICS 4.0: Tự động hoá - đòn bẩy nâng cao hiệu quả logistics
>>>LOGISTICS 4.0: Chuyển đổi để phát triển ngành logistics Việt Nam
Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, thị trường logistics dành cho thương mại điện tử Việt Nam có quy mô lên đến 560 triệu USD. Sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã đặt ra nhu cầu cao đối với ngành logistics và dự kiến ngành tăng trưởng trung bình 42% đến năm 2022.
Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thói quen chi tiêu và mua sắm của người tiêu dùng có sự thay đổi mạnh mẽ chưa từng có khi nhanh chóng chuyển từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến. Các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Lazada, Shopee… đang hoạt động nhộn nhịp và sôi nổi hơn bao giờ hết.
Sự tăng trưởng cao của ngành thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội hơn cho các công ty logistics để khai thác tiềm năng của thị trường. Các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam cũng đứng trước yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ, độ kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng trong dịch vụ vận tải và logistics; phải thay đổi để thích nghi và phát triển hoặc chấp nhận bị cạnh tranh và thôn tính.
Từ thực tế này, ông Lê Trọng Hiếu đưa ra 2 xu hướng doanh nghiệp cần nắm bắt để đón “làn sóng” này, thứ nhất, là tự động hóa và công nghệ với những nhà kho thông minh như một “bản giao hưởng” của con người và máy móc làm việc cùng nhau. Thứ hai, là xu hướng kho trữ lạnh bởi đây là xu hướng gia tăng nhu cầu mua sắm online về rau củ quả, nhu yếu phẩm, thuốc men, dược phẩm của người tiêu dùng không chỉ Việt nam mà nhiều quốc gia trên thế giới sau Covid-19.
Trong khi đó, bà Lê Thị Ngọc Diệp cho rằng cần hiện đại hóa trong hệ thống vận hành quản lý kho vận để tạo nên một hệ thống quản lý chuyên nghiệp. Đây là sự kết hợp không chỉ ở cơ sở hạ tầng hiện đại kết hợp ứng dụng công nghệ mà là sự kết hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ kho vận hiện đại, chuyên nghiệp để tạo nên những giá trị cho ngành logistics phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, các địa phương, các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau, tạo sự kết nối, đem đến sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động cũng như hạ tầng.
Có thể bạn quan tâm
Logistics Việt Nam “đón sóng”
02:00, 22/10/2022
Định hướng giải pháp chuyển đổi số ngành logistics
14:00, 19/10/2022
LOGISTICS 4.0: Cơ hội bứt phá cho giai đoạn mới
14:56, 19/10/2022
LOGISTICS 4.0: Tự động hoá - đòn bẩy nâng cao hiệu quả logistics
14:00, 19/10/2022
Cần sự kết nối đồng bộ của các doanh nghiệp logistics Việt Nam
13:56, 19/10/2022
Cần xem xét xây dựng một liên minh công nghệ ngành logistics
13:50, 19/10/2022