Thực hành ESG: Tương lai của các doanh nghiệp Việt Nam
Đó là nhận định của các chuyên gia và doanh nghiệp tại buổi ra mắt Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 mới đây.
>>>ESG thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững
Ông PNguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo ESG, Dịch vụ Kiểm toán và Đảm bảo PwC Việt Nam cho biết, về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) tại Việt Nam năm 2022 của PwC cho thấy, có đến 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành ESG trong 2-4 năm tới.
Ông đánh giá, đây là một tỷ số rất cao. Tuy nhiên, cũng có đến 44% cho rằng đã lên kế hoạch và đưa ra cam kết ESG; 36% doanh nghiệp đang trong giai đoạn lập kế hoạch thực hiện trong vòng 2-4 năm tới và 20% không đặt ra cam kết ESG hoặc chưa xác định kế hoạch cụ thể trong vòng 2-4 năm tới.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 82% người tham gia khảo sát từ các ngành khác nhau chọn hình ảnh thương hiệu và danh tiếng là lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG; 68% duy trì tính cạnh tranh của thương hiệu; 44% thu hút nhân tài; 40% là áp lực từ nhà đầu tư và cổ đông và 37% áp lực từ Chính phủ.
Về đối tượng tham gia khảo sát, ông Nam cho biết, đối tượng tham gia khảo sát được dàn trải ở nhiều cấp độ, từ HĐQT đến Ban điều hành, cấp quản lý và dưới cấp quản lý. Ông Nam cho rằng, hành trình để thực hành ESG là một quá trình đi từ thượng tầng cho đến cấp quản lý và đến cấp thực thi.
“Do đó, việc tham gia của nhiều đối tượng sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn, thực tiễn hơn và chính xác hơn về cách mà các doanh nghiệp Việt Nam xử lý các vấn đề cũng như đưa ra các kế hoạch thực hành ESG”, ông Nam đánh giá.
Ông Nam cũng đánh giá, mức độ cam kết thực hành ESG của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khá cao, với 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng họ đã có kế hoạch thực hiện ESG hoặc đang có kế hoạch thực hiện trong vòng từ 2-4 năm tới.
Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, từ cam kết đến việc thực hành, hiện thực hóa cam kết vẫn còn một số khó khăn, thách thức: Thứ nhất, có đến 60% các doanh nghiệp cho rằng, họ đang thiếu chuyên môn vì có nhiều hướng dẫn cũng như các khung về chuẩn mực chưa được áp dụng. Thứ hai, là khả năng về tài chính. Thứ ba, 46% các doanh nghiệp cho rằng, quy mô của công ty cũng là một trở ngại trong việc thực hành ESG; Cuối cùng, 28% doanh nghiệp cho rằng họ thiếu thông tin có tính chất minh bạch để thực hành ESG.
“Tương tự như các công cuộc chuyển đổi khác, những bước đầu tiên trên hành trình ESG sẽ khó khăn, nhưng chắc chắn đó sẽ là một quyết định xứng đáng. Thành công không chỉ ở riêng mỗi khía cạnh tài chính, công bố thông tin, biến đổi khí hậu hay đa dạng hóa nguồn lực. Thành công trong ESG đến từ việc tích hợp tất cả các nguyên tắc này và các sáng kiến khác vào chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp bao gồm khía cạnh quản lý rủi ro”, ông Nam chia sẻ.
>>>Chiến lược ESG để thu hút vốn cho doanh nghiệp tư nhân
Ở góc nhìn của một nhà đầu tư, bà Nguyễn Hoài Thu – Thành viên HĐQT, Giám đốc điều hành khối đầu tư VinaCapital cho rằng, đối với các công ty chủ động áp dụng những chuẩn mực ESG cao thì họ chứng tỏ được tầm nhìn dài hạn của chủ doanh nghiệp, đồng thời chứng tỏ được việc tập trung nhiều vào phát triển bền vững.
Theo bà Thu, trong quá trình thực hành ESG, các doanh nghiệp này cũng sẽ tối ưu hóa chi phí sản xuất thông qua việc cắt giảm chi phí về nguyên liệu, hay sử dụng các nguồn nguyên liệu sạch.
“Nhờ việc áp dụng chuẩn mực tốt nhất về mặt môi trường và xã hội sẽ cho thấy đây là những doanh nghiệp có giá trị nội tại, cũng như giá trị nền tảng tốt để nhà đầu tư tập trung vào. Do đó, ở góc độ đi tìm cơ hội đầu tư, chúng tôi đánh giá rất cao những doanh nghiệp có chuẩn mực ESG cao. Còn đối với các doanh nghiệp đang muốn tiếp cận vốn thông quan việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu ra quốc tế để kêu gọi nhà đầu tư, nếu áp dụng ESG cao sẽ có lợi thế sẽ tiếp cận được nhanh hơn, và tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn”, bà Thu đánh giá.
Bà Thu cho biết, VinaCapital cũng đã xây dựng được một chiến lược về ESG để áp dụng cho quy trình đầu tư. Trong đó, bao gồm việc đánh giá ESG cho tất cả các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, VinaCapital cũng đang trong lộ trình đánh giá ESG cho các doanh nghiệp mà Vinacapital sẽ đầu tư vào.
“Việc đánh giá ESG theo từng khía cạnh môi trường, xã hội, quản trị của doanh nghiệp cũng góp phần giúp cho nhà đầu tư hiểu rõ những rủi ro cũng như là cơ hội của những doanh nghiệp này trong tương lai, đồng thời sẽ giúp cho nhà đầu tư có được quyết định đầu tư tốt hơn”, bà Thu chia sẻ.
Nói về thể chế và chính sách đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vào ESG, bà Nguyễn Thiên Hương, Lãnh đạo cương trình ESG, Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, sau cam kết mạnh mẽ Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26 liên quan đến khí hậu, thời gian tới chắc chắn sẽ có những thay đổi liên quan đến chiến lược đầu tư ở các lĩnh vực. Theo đó, Chính phủ sẽ khuyến khích đầu tư vào các ngành xanh, các ngành có đóng góp hỗ trợ về giảm thiểu biến đổi khí hậu. Nhưng đồng thời, Chính phủ cũng sẽ có những thay đổi về mặt chính sách đối với việc đầu tư vào các ngành có nguy cơ ô nhiễm và gây phát thải nhà kính cao.
Bà Hương cho rằng, sự chuyển dịch về cơ chế chính sách liên quan đến việc định hướng đầu tư vào các ngành theo cam kết của Chính phủ là tất yếu. Việc của các doanh nghiệp là phải chuẩn bị như thế nào để đón đầu cũng như đáp ứng những chuyển dịch đó. Dó cũng là yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến cách mà các doanh nghiệp áp dụng thông lệ về ESG.
“Có thể thời gian đầu, doanh nghiệp thực hành ESG là nhằm tuân thủ các quy định của pháp luật, tuân thủ một số các quy định của nhà đầu tư. Nhưng nếu các doanh nghiệp có một tầm nhìn nhất định thì sẽ nhìn thấy đây là một cơ hội tốt để đầu tư cũng như xây dựng lại quy trình về quản trị và đầu tư thêm về nguồn lực để từ đó có thể đón đầu được một số chuyển dịch về mặt chính sách”, bà Hương nhấn mạnh.
Về các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hành ESG, bà Hương cho biết, hiện nay, Chính phủ cũng đang nghiên cứu các chính sách ưu đãi như chính sách liên quan đến tín dụng xanh, trái phiếu xanh và đã có một số chính sách liên quan đến phí. Đồng thời, đang trong quá trình nghiên cứu việc có nên có những chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp này hay không. Tuy nhiên, bà Hương cho rằng, chính sách ưu đãi tất nhiên sẽ là yếu tố mà các doanh nghiệp muốn đón nhận. Nhưng cũng chỉ là cái đà để giúp doanh nghiệp nhìn lại và làm gì để bước những bước đi tiếp theo. Bởi theo bà, ưu đãi cũng chỉ trong một thời gian ngắn.
Có thể bạn quan tâm
ESG thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững
00:40, 23/10/2022
Chiến lược ESG để thu hút vốn cho doanh nghiệp tư nhân
11:01, 22/10/2022
Đầu tư ESG và nguy cơ từ hành vi “tẩy xanh”
05:00, 07/10/2022
Giám đốc điều hành Tài chính Vinamilk: ESG không còn là lựa chọn mà là cơ hội
00:00, 29/09/2022
Thúc đẩy quản trị ESG từ 3 tác nhân
04:43, 24/09/2022