Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Theo đó, các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu thức ăn bổ sung sẽ được hỗ trợ 50%, tối đa không quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án.
>>>Thuỷ sản xin hỗ trợ giảm giá thức ăn chăn nuôi
Bộ NN&PTNT đang chuẩn bị trình Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ, phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước. Đáng lưu ý, dự thảo Nghị định đề cập một số điểm rất quan trọng về mặt hỗ trợ, phát triển nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước.
Điển hình như, đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã khi tham gia sản xuất các vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi được hỗ trợ tối đa 50% về tổng chi phí cho cơ sở hạ tầng của vùng nguyên liệu đó, không vượt quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu gồm: Xây dựng đường giao thông nội vùng, vận chuyển nguyên liệu đầu vào cũng như là sản phẩm, hệ thống thủy lợi, điện, có khu vực tập kết nguyên liệu.
Đặc biệt, nếu các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia vào vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ được hỗ trợ mua các loại giống mới, đặc biệt giống có năng suất, chất lượng cao sẽ được hỗ trợ khoảng 50%, đối đa 100 triệu đồng. Khi đầu tư vào vùng nguyên liệu, điều khó khăn nhất là làm sao có diện tích lớn để cơ giới hóa đồng bộ. Chính sách sẽ hỗ trợ 50% chi phí để thu gom đất nông nghiệp. Quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng nguyên liệu thực ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho mỗi dự án không quá 1 tỷ đồng.
"Một chính sách nữa rất quan trọng phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp là hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu thức ăn bổ sung sẽ được hỗ trợ 50%, tối đa không quá 2 tỷ đồng cho 1 dự án", ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết.
Trên thực tế, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi về Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 đạt gần 4,07 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, năm 2021, Việt Nam cũng đã chi tới gần 5 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi.
Đáng chú ý, giá nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao cộng với khâu vận chuyển bị đứt gãy do dịch COVID -19 và xung đột Nga – Ukraine đã khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi liên tục tăng mạnh thời gian dài.
Cục Chăn nuôi cho biết, tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Trong hệ thống chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, chiếm tới 65 – 70% chi phí sản xuất. Mọi chi phí sản xuất tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, thậm chí có thời điểm giảm dưới giá thành sản xuất. Hậu quả là không ít hộ chăn nuôi bị thua lỗ, thậm chí phải "treo" chuồng.
>>>Tối ưu hoá kinh doanh, “chặn đà” tăng giá thức ăn chăn nuôi
>>>Thị trường thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp ngoại chiếm trọn top đầu
Theo thống kê sơ bộ, hiện cả nước có 269 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp, có công nghệ sản xuất hiện đại. Tuy nhiên, nguyên liệu đầu vào cho hệ thống sản xuất mới là quan trọng. Năm 2021, sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cần sử dụng lên đến 33 triệu tấn, trong đó 65% phụ thuộc nhập khẩu. Trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, việc phát triển các vùng nguyên liệu ngô, đậu tương là rất cần thiết để chủ động ít nhất 50% nguồn nguyên liệu trong nước, giảm dần phụ thuộc vào nhập khẩu.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, cần chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi trong đó có ngô (ngô hạt và ngô sinh khối). Tuy nhiên, để làm được điều này phải có chính sách thu gom, tích tụ ruộng đất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuê đất, liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu của ngành chăn nuôi.
Tăng cường mối liên kết giữa cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi với cơ sở xay xát, kinh doanh thóc gạo để thu mua tấm, cám gạo làm thức ăn chăn nuôi.
Theo các chuyên gia, cần quy hoạch và khuyến khích xây dựng cơ sở chế biến thủy sản, giết mổ gia súc, gia cầm… để tạo điều kiện cho việc thu gom và chế biến các nguồn phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, nghiên cứu sản xuất giống lúa năng suất cao, giá thành hạ làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích áp dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào thu gom, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, có chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất các nguyên liệu trong nước như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng,… Đặc biệt là chính sách khuyến khích xây dựng vùng trồng cây thức ăn chăn nuôi (ngô lấy hạt, ngô sinh khối, trồng cỏ….) như: hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua hạt giống; có chính sách nguồn vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua, dự trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khi nguồn cung thế giới biến động,
Với các cơ quan quản lý, tiến hành cải cách hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong hoạt động kiểm dịch, kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Đồng thời, thông tin, dự báo kịp thời về giá và thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước và thế giới. Tăng cường kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi khi giá nguyên liệu tăng để kịp thời ngăn chặn thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Thuỷ sản xin hỗ trợ giảm giá thức ăn chăn nuôi
03:30, 26/08/2022
Tối ưu hoá kinh doanh, “chặn đà” tăng giá thức ăn chăn nuôi
01:00, 06/07/2022
Thị trường thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp ngoại chiếm trọn top đầu
11:21, 28/12/2021
Nhiều “ông lớn” đổ bộ vào chăn nuôi lợn
04:45, 20/09/2022
Thúc đẩy giao thương cho các doanh nghiệp chăn nuôi, thuỷ sản
09:49, 15/09/2022
Hợp tác, đầu tư cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thủy sản
04:00, 15/09/2022