LEGO hiện thực "nhà máy không khói" đầu tiên tại Việt Nam

THY HẰNG 03/11/2022 11:30

Dự án nhà máy trung hòa carbon đầu tiên này sẽ giúp củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của LEGO trong khu vực và thế giới.

>>>Vì sao Lego mua công ty công nghệ giáo dục?

Tập đoàn sản xuất đồ chơi Lego khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam – Singapore III (VSIP III) tại TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO

Nhà máy sản xuất đầu tiên tại Việt Nam này là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO.

Với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, đây là dự án số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam, dự kiến sẽ tạo ra 4.000 việc làm trong vòng 15 năm tới khi đi vào hoạt động năm 2024.

Ông Niels B. Christiansen, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO cho biết, sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng đối với tập đoàn bởi đây là nhà máy thứ 6 trên toàn cầu và là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO. Nhà máy trung hòa carbon là nhà máy tuân thủ cam kết loại bỏ lượng khí thải trong khí quyển tương đương lượng khí thải mà nhà máy phát ra.

“Chúng tôi vô cùng biết ơn tất cả sự hỗ trợ mà LEGO đã và đang nhận được để hiện thực hóa các kế hoạch sản xuất của Tập đoàn; đồng thời chúng tôi rất hy vọng được hợp tác với các cấp chính quyền và các đối tác trong việc xây dựng nhà máy này, tạo ra các tác động tích cực đến nền kinh tế và cộng đồng địa phương”, Tổng giám đốc LEGO nhấn mạnh.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, qua quá trình triển khai dự án, hôm nay Tập đoàn LEGO chính thức xây dựng nhà máy tại Khu Công nghiệp VSIP III của tỉnh Bình Dương trên diện tích 44 hecta, với tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ. Dự án này sẽ giúp củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Tập đoàn trong khu vực và thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: "Với bề dày kinh nghiệm hàng chục năm trong thu hút đầu tư cùng chiến lược phát triển thông minh, bền vững trong tương lai, Bình Dương hoàn toàn tin tưởng rằng đây sẽ là địa điểm phù hợp để Tập đoàn LEGO phát triển lâu dài và sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Chính quyền tỉnh Bình Dương cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Tập đoàn trong suốt quá trình phát triển, xây dựng và hoạt động tại tỉnh, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, cả nước nói chung".

Được biết, Nhà máy sẽ được trang bị các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và một trang trại điện mặt trời sẽ được xây dựng trên khu đất lân cận. Sự kết hợp này sẽ đáp ứng được tổng nhu cầu sử dụng năng lượng hàng năm của nhà máy và đáp ứng cam kết trung hòa carbon.

Nhà máy cũng sẽ sử dụng các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và sẽ được xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold - chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu. Những nỗ lực này sẽ góp phần vào mục tiêu giảm 37% lượng khí thải carbon tuyệt đối của tập đoàn vào năm 2032 so với năm 2019.

>>>Sau Việt Nam, Lego tiếp tục chi 1 tỷ đô xây nhà máy ở Mỹ

>>>LEGO tiến công mạnh vào kĩ thuật số

Ngoài ra, trong một nỗ lực vì cộng đồng, LEGO cam kết đóng góp 150.000 USD trước thời điểm cuối năm 2022 nhằm mang đến nhiều cơ hội học tập thông qua vui chơi hơn cho trẻ em địa phương, xây dựng các mối quan hệ đối tác với Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (Save the Children Vietnam) và Tổ chức trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children's Foundation).

Với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, đây là dự án số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam

Với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, đây là dự án số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam.

Tập đoàn LEGO được thành lập tại Billund, Đan Mạch vào năm 1932 bởi Ole Kirk Kristiansen. Sản phẩm của LEGO hiện được bán tại hơn 130 quốc gia. Hệ thống trò chơi của LEGO, với nền tảng là những viên gạch LEGO, cho phép trẻ em và người hâm mộ thiết kế và xây dựng bất kỳ những gì mà họ có thể tưởng tượng.

Sự kiện khởi công nhà máy của Tập đoàn LEGO nằm trong chương trình nghị sự chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thái tử kế vị Đan Mạch Frederik và Công nương phu nhân Mary Elizabeth từ ngày 31/10-3/11.

Trước đó, để thúc đẩy dự án với mong muốn sớm được chứng kiến các sản phẩm của LEGO được ra đời tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp trực tiếp Giám đốc điều hành Lego vào ngày 1/11/2021 đúng dịp Hội nghị COP26 tại Anh.

Ngày 8/12/2021, Tập đoàn LEGO đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP).

Dự kiến nhà máy ở Việt Nam chủ yếu sản xuất đồ chơi cho thị trường Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Trong khi đó, nhà máy tại Trung Quốc tập trung cho thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Với dự án này của LEGO một lần nữa tái khẳng định Việt Nam đang trở nên ngày càng hấp dẫn về khía cạnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tổ chức quốc tế ở Việt Nam có chung nhận định rằng Việt Nam đã trở thành một địa điểm hấp dẫn cho các đối tác quốc tế, nhờ vào cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm làm giảm khí thải carbon và sự tích cực đối phó với biến đổi khí hậu.

Có thể bạn quan tâm

  • Vì sao Lego mua công ty công nghệ giáo dục?

    04:40, 15/10/2022

  • Tập đoàn LEGO trồng 50.000 cây xanh, bước đầu trong chuỗi các dự án phát triển bền vững tại Việt Nam

    16:25, 07/09/2022

  • Sau Việt Nam, Lego tiếp tục chi 1 tỷ đô xây nhà máy ở Mỹ

    03:45, 18/06/2022

THY HẰNG