Đầu tư cảng hàng không: Doanh nghiệp cần lộ trình huy động nguồn lực
Theo ông Vũ Phạm Nguyên Tùng, Giám đốc Dự án và Phát triển kinh doanh Vietjet Air, hiện vấn đề làm rõ lộ trình để huy động nguồn lực đầu tư hàng không làm quá chậm, các vấn đề đang rất mù mờ.
>>>Hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cảng hàng không
“Như Cảng hàng không Vân Đồn, nếu không có sự quyết liệt của Thủ tướng - lúc đó đang làm Bí thư tỉnh Quảng Ninh sẽ không thể sớm có Cảng hàng không Vân Đồn. Tương tự, với Cảng hàng không Sa Pa của Lào Cai, chúng tôi chọn vị trí từ 30 năm trước nhưng không có lộ trình để thực hiện”, ông Tùng chia sẻ.
Hay theo Giám đốc Dự án và Phát triển kinh doanh Vietjet Air, doanh nghiệp chỉ xin đầu tư những hạng mục thiết yếu, chỉ cần 1 hangar để sửa chữa tàu bay tại Cảng hàng không Cam Ranh nhưng gần 10 năm nay không làm được vì địa phương không có thẩm quyền.
Do đó, việc giao cho các địa phương là cơ quan có thẩm quyền để thực hiện là một nét mới và rất tốt vì địa phương là nơi hơn ai hết thấu hiểu sự cần thiết hay không của việc đầu tư cảng hàng không, dù đầu tư mới hay nâng cấp hạ tầng.
“Chúng tôi rất cần lộ trình, còn việc tính toán của các nhà đầu tư cũng phải rất kỹ lưỡng. Với một nhà đầu tư như của sân bay Vân Đồn, chỉ tỉnh 46 năm thu hồi vốn là không làm được, nhưng Cảng hàng không mang lại rất nhiều bài toán phát triển kinh tế cho địa phương, chứ không chỉ nhìn một bài toán kinh tế của riêng cảng hàng không. Nhà đầu tư mong muốn những tiến trình sẽ triển khai cụ thể hóa thật nhanh, gấp rút để chúng ta cùng có cơ hội đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng từ góc độ “người trong cuộc”, ông Phạm Ngọc Sáu, Giám đốc Cảng hàng không Vân Đồn kiến nghị, để thu hút các nhà đầu tư vào mảng cảng hàng không sân bay, thứ nhất, đó là làm thế nào tạo được hành lang pháp lý, chính sách rõ ràng để các nhà đầu tư yên tâm. Có một số quy định dù nhỏ thôi nhưng cũng có thể tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư.
>>>Nhà đầu tư ngày càng quan tâm tới hạ tầng cảng hàng không
>>>Hàng không và du lịch "rã đông", Vietravel đã thoát lỗ?
“Tất cả đều nên đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật như trong luật, thông tư, nghị định để khi triển khai tất cả đã có sẵn, chúng ta cứ thế là làm. Hiện tại, các văn bản quy phạm pháp luật chưa có gì liên quan đến mảng đầu tư tư nhân trong hoạt động hàng không”, ông Phạm Ngọc Sáu nhấn mạnh.
Thứ hai, với các địa phương có nhu cầu đầu tư, đặc biệt những nơi đã có các nhà đầu tư mong muốn tham gia thì không có lý do gì để không đưa vào hệ thống đầu tư. Việc đầu tư cảng hàng không sẽ đem lại lợi ích kinh tế - xã hội cho địa phương rất nhiều. Khi có nhà đầu tư là quá tốt.
Thứ ba, khi triển khai cảng hàng không mới, có rất nhiều vướng mắc. Để tháo gỡ cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương.
"Ví dụ như với Cảng hàng không Vân Đồn, việc bàn giao tháp không lưu năm xưa, đã mất đến hơn 3 năm chưa đến điểm chốt được", Giám đốc Cảng hàng không Vân Đồn chia sẻ.
Thứ tư, cần có những chính sách khuyến khích để các nhà đầu tư có những hợp đồng trọn gói, tạo sự đồng bộ, dễ đầu tư hơn, tránh việc xé lẻ.
Thứ năm, Giám đốc Cảng hàng không Vân Đồn đề nghị những thông tin về dự án đầu tư cần được cung cấp rộng rãi tới nhà đầu tư để họ dễ nghiên cứu.
Có thể bạn quan tâm
Hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cảng hàng không
13:15, 05/11/2022
Nhà đầu tư ngày càng quan tâm tới hạ tầng cảng hàng không
11:00, 05/11/2022
Hàng không và du lịch "rã đông", Vietravel đã thoát lỗ?
03:00, 01/11/2022
Quảng Nam: Xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai
01:09, 01/11/2022
Cơ hội phục hồi của cổ phiếu hàng không
05:20, 26/10/2022