Hà Nội thúc đẩy công nghiệp văn hoá

Nguyễn Minh 12/11/2022 12:28

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng, làng nghề... có thiết kế sáng tạo được giới thiệu tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước tham quan, mua sắm…

ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Lễ hội

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Lễ hội

Thực hiện Kế hoạch số 229/KH-UBND ngày 25/8/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc Tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022, từ ngày 11/11/2022 - 18/11/2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội; UBND quận Hoàn Kiếm; Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) tổ chức thực hiện 3 hoạt động, sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội.

>>>Yên Bái: Nhiều hoạt động đón nhận Bằng của UNESCO

Xây dựng hệ sinh thái thiết kế bền vững

Đầu tiên là Triển lãm Trưng bày giới thiệu sản phẩm thiết kế sáng tạo diễn ra từ ngày 11-13/11/2022 (từ thời điểm Lễ khai mạc) tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ sẽ giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng, sản phẩm làng nghề truyền thống... có thiết kế mới, sáng tạo và đang được gìn giữ phát huy giá trị.

Triển lãm sắp đặt các gian hàng, không gian trưng bày sản phẩm thiết kế, sáng tạo; tạo những không gian văn hóa giới thiệu các sản phẩm và ứng dụng của nghề truyền thống đáp ứng nhu cầu phát triển đời sống đương đại.

Các không gian trưng bày tại triển lãm: Không gian thiết kế và cuộc sống – Nghệ nhân Việt Nam; không gian thiết kế mây tre lá tự nhiên; không gian thiết kế lụa thêu và thời trang; không gian thiết kế sản phẩm gốm, gỗ và sơn mài; không gian thiết kế bảo tồn sản phẩm thủ công Không gian thiết kế sản phẩm mới có tiềm năng xuất khẩu; không gian thiết kế quà tặng OCOP; không gian các gian hàng giới thiệu thiết kế của các doanh nghiệp (40 gian, lấy ý tưởng sóng nước Sông Hồng).

Tiếp theo là Triển lãm “Không gian thiết kế bền vững” tổ chức từ ngày 11 - 13/11/2022 (từ thời điểm Lễ khai mạc) tại Trung tâm thông tin triển lãm Hà Nội, 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Với quy mô 300 - 350m2, Triển lãm sẽ tổ chức trưng bày và giới thiệu các ý tưởng thiết kế sáng tạo với chủ đề “Thiết kế bền vững”, hướng tới phát triển các sản phẩm từ nguyên liệu tự nhiên, tái chế; các sản phẩm thời trang kế thừa tính truyền thống văn hóa nhưng lại được sử dụng dưới góc nhìn hiện đại và đi theo xu hướng thời trang hiện hành.

Đặc biệt, để truyền lửa cho các làng nghề phát huy thế mạnh, tọa đàm “Kinh nghiệm thiết kế phát triển sản phẩm làng nghề Hà Nội” được tổ chức ngày 15/11/2022 tại Trung tâm tinh hoa Làng Việt, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Các chuyên gia sẽ thảo luận, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề phát triển, đưa yếu tố thiết kế vào sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới xây dựng hệ sinh thái thiết kế để phát triển bền vững làng nghề Hà Nội.

Tại lễ hội, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam thu hút đông đảo khách hàng nước ngoài, đặc biệt du khách Nhật Bản tới tham quan, mua sắm. Chị Akiko Kawaguchi đã sang Việt Nam công tác kết hợp du lịch rất nhiều lần, lần nào chị cũng tìm đến các địa điểm bày bán sản phẩm thủ công làng nghề.

Chị cho rằng, rất nhiều sản phẩm đã để lại ấn tượng tốt thông qua mẫu mã ngày một phong phú, kiểu dáng liên tục thay đổi, màu mắc tự nhiên bắt mắt, đặc biệt nhiều sản phẩm được thiết kế độc đáo, hàm lượng chất xám cao trong từng sản phẩm. “Tôi tin, thị trường Nhật Bản luôn mở rộng cửa để đón hàng thủ công Việt Nam", chị Akiko Kawaguchi khẳng định.

>>>Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất

Thúc đẩy văn hoá sáng tạo Thủ đô

“Thông qua Lễ hội, chính quyền thành phố Hà Nội mong muốn phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo; nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về ngành thiết kế và công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời kết nối, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước, quốc tế trong lĩnh vực thiết kế và công nghiệp sáng tạo”, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội khẳng định.

Phát biểu tại lễ hội, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho rằng, trên thế giới hiếm có Thủ đô của nước nào có được sự kết hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa như Hà Nội, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống.

Các sản phẩm làng nghề có tiềm năng rất lớn để phát triển về thiết kế, sáng tạo, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm, thể hiện nét đẹp của các làng nghề, văn hoá truyền thống Việt Nam, tôn vinh bàn tay khéo léo của các nghệ nhân - tinh hoa của các làng nghề;...

Chính vì vậy, Hà Nội đã và đang có đầy đủ tiềm năng, lợi thế, trở thành vườn ươm, nơi hội tụ, thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa chất lượng có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế.

Năm 1999, Hà Nội được UNESCO công nhận danh hiệu Thành phố vì Hòa bình. Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế, góp phần định vị thương hiệu cho Hà Nội phát triển.

Thành phố cũng đang tích cực, kiên trì, sáng tạo, với quyết tâm cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nhằm thực hiện đúng lộ trình cam kết quốc tế khi Hà Nội - trở thành “Thành phố sáng tạo” của UNESCO gắn với đẩy mạnh phát huy truyền thống sáng tạo của người Thăng Long - Hà Nội được đúc kết từ hơn nghìn năm lịch sử, đồng thời thúc đẩy phát triển giá trị văn hóa mới.

Ông Christan Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh, Festival Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022 là một cơ hội để chúng ta tôn vinh và phát huy các nguồn lực sáng tạo và văn hóa của Thủ đô.

Hà Nội, với những di sản văn hóa nổi bật và số lượng lớn những người sáng tạo hiện nay, sở hữu những tiềm năng to lớn để sử dụng sức sáng tạo làm chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Kể từ khi trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, Thành phố đã không ngừng mở rộng tầm nhìn để trở thành Thủ đô sáng tạo và hỗ trợ một ngành công nghiệp văn hóa năng động thông qua các hoạt động hòa nhập và quan hệ đối tác công - tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư chung cư Hà Nội đã muộn, thị trường nào là "miền đất hứa"?

    08:00, 12/11/2022

  • Bất cập quản lý quy hoạch kiến trúc khu vực nông thôn Hà Nội

    00:10, 11/11/2022

  • Hà Nội tạm ngưng quyết định điều chỉnh tên người sử dụng đất tại Khu đô thị Thanh Hà

    10:00, 10/11/2022

  • Hà Nội: Nguồn cung căn hộ tiếp tục giảm

    01:00, 06/11/2022

  • Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2022 chính thức khai mạc

    09:13, 05/11/2022

Nguyễn Minh