“Xanh hóa" ngành sản xuất bao bì
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% bao bì thân thiện với môi trường. Việc này sẽ rất khả quan khi có sự chung tay của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
>>Người tiêu dùng Việt nghĩ gì về bao bì thân thiện môi trường?
Xu hướng mới trong sử dụng bao bì
Đứng trước vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa tăng cao, hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bao bì thân thiện môi trường – bao bì “xanh” thay thế, hướng đến việc đảm bảo sức khỏe và cải thiện chất lượng môi trường sống.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Bùi Quang Sỹ, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Thuận Đức (tỉnh Hưng Yên) cho rằng, bao bì thân thiện môi trường là xu hướng đang được nhiều doanh nghiệp Việt quan tâm. Việc sử dụng các loại bao bì này không chỉ góp phần vào việc giảm thiểu tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu bền vững,…
Theo ông Sỹ, với xu hướng này, các công ty sản xuất bao bì sẽ sử dụng 100% vật liệu an toàn, có thể tái chế, dễ tiêu hủy trong thời gian ngắn, không gây hại đến sức khỏe con người và không gây ảnh hưởng với môi trường sống. Các loại nhựa thông thường sẽ sớm được thay thế bằng các vật liệu tự nhiên. Bên cạnh đó, một bao bì thân thiện với môi trường được thể hiện qua những hình ảnh thuộc về tự nhiên, hình ảnh vẽ bằng tay hoặc in biểu tượng lên bao bì,…
Một số loại bao bì “xanh” có thể kể đến là: túi vải PP, túi vải PP không dệt, túi giấy, hộp giấy, túi cói,… Ngày nay, những sản phẩm này đều đã trở nên khá phổ biến, đã trở thành xu hướng toàn cầu, giúp bảo vệ môi trường sống an toàn, thể hiện trách nhiệm với toàn xã hội.
Thay đổi tư duy và hành động
Đối mặt với tình trạng ô nhiễm trầm trọng từ nguồn nước, nguồn đất đến không khí, các chuyên gia nhận định, nếu chúng ta không có sự thay đổi về nhận thức, tư duy, vẫn tiếp tục với thói quen cũ, sử dụng bao bì nilon và chai nhựa thì tình trạng môi trường sẽ trở nên nguy cấp, ảnh hưởng trầm trọng đến an sinh và cuộc sống xã hội.
Doanh nghiệp, cộng đồng phải xác định, phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường. Hiện nay, xu thế thế giới đã chuyển sang tiếp cận giải pháp mô hình kinh tế tuần hoàn thay thế cho mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống; hướng tới phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững, tái tạo tài nguyên theo chu trình khép kín, nhằm giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường, mang lại giá trị kinh tế - xã hội.
Nhận thức rõ vấn đề này, doanh nghiệp được xác định là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm phát triển bền vững.
>>Lần đầu tiên tổ chức “Ngày không túi nilon” tại Hà Nội
>>Ý tưởng tạo ra bao bì xanh từ phở ăn liền
>>Ngành bao bì được “hưởng lợi” từ thương mại điện tử
Thực tế thấy rằng, nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp về sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, hướng tới tiêu dùng “xanh” đã có sự thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây. Đối với người tiêu dùng, việc phân loại rác thải cũng đã được thực hiện tốt hơn, tạo thành những thói quen tốt, mang lại tương lai “xanh” cho Việt Nam.
Theo khảo sát, thị trường bao bì “xanh” đã và đang có tốc độ tăng trưởng ổn định trên toàn cầu. Giá trị bao bì đã tiến sát đến con số 500 tỉ USD/năm, tăng trưởng bình quân 12%/năm. Ở Việt Nam, con số tăng trưởng là 13,4%/năm. Hiện nay, chúng ta có khoảng trên 4.500 doanh nghiệp sản xuất bao bì, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm như Đông Nam bộ 2627 doanh nghiệp, Đồng bằng sông Hồng có 1311 doanh nghiệp, Tây Nguyên 23 doanh nghiệp, Tây Bắc 5 doanh nghiệp.
Ông Bùi Quang Sỹ cho rằng, việc sử dụng bao bì thân thiện với môi trường đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho ngành sản xuất bao bì hơn đối thủ khác trên thị trường. Bởi, nhu cầu của người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có bao bì “xanh” đang gia tăng nhanh chóng thời gian gần đây.
Tuy nhiên, các công ty sản xuất bao bì cũng phải đối mặt với những khó khăn như: tỉ suất lợi nhuận bị giảm do phải tăng chi phí sản xuất, các trở ngại về chuyển đổi công nghệ, số lượng người tiêu dùng nhận thức được việc cần phải sử dụng bao bì “xanh” vẫn chưa chiếm đa số,…
Đã có những tín hiệu tích cực từ nhận thức đến hành động của cộng đồng nhằm thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam”. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đây là mục tiêu không dễ dàng khi “vấn nạn” sử dụng túi nilon truyền thống vẫn còn rất phổ biến.
Để hạn chế được tình trạng này, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng, nhằm hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
ProPak Vietnam 2022: Công nghệ chế biến, đóng gói bao bì phục vụ ngành công nghiệp tại Việt Nam
08:00, 31/10/2022
ProPak Việt Nam 2022 - Nền tảng giao thương B2B dành riêng cho doanh nghiệp trong ngành công nghệ chế biến và bao bì
09:00, 20/10/2022
In hộp giấy theo yêu cầu giá tốt Tại TPHCM - In Bao Bì Đức Tuấn
16:30, 10/08/2022
Hội nghị thành viên thường niên 2022 Liên minh tái chế bao bì Việt Nam
18:07, 25/03/2022