KINH TẾ 2023: Hướng tới mục tiêu phát triển xanh
Ông Nguyễn Quang Huân khuyến nghị, doanh nghiệp phải có tinh thần chủ động, cùng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng ta sẽ đạt được sự nghiệp thay đổi công nghệ và phát triển xanh.
>>KINH TẾ 2023: Doanh nghiệp và Nhà nước chung tay "vượt sóng gió"
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế 2023: Cùng doanh nghiệp "vượt sóng" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 17/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quang Huân, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội cho biết, gần đây, thuật ngữ về biến đổi khí hậu, Net Zero được nhắc đến rất nhiều, tại nhiều diễn đàn, vậy bản chất của nó là gì?
Theo ông Huân, biến đổi khí hậu được tiếp cận theo hai phía là khách quan và chủ quan, trong đó khách quan là yếu tố tự nhiên, con người không thể chạm đến, còn chủ quan là con người có thể gây ra như xả thải, tăng khí nhà kính...
Với hai vấn đề trên, chúng ta sẽ tiếp cận theo cách là phải thích ứng, vì dù biến đổi khí hậu do yếu tố khách quan hay chủ quan thì hiểm họa vẫn có thể xảy ra, do đó, con người cần có kế hoạch thích ứng với các biến đổi. Đặc biệt, chúng ta cần phát triển xanh, tiết kiệm năng lượng và và giảm nhẹ phát thải.
Trong hội nghị COP26, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, không chỉ riêng Việt Nam, mà có tới 40 quốc gia khác cũng cam kết về việc này. Đây là mục đích để trái đất không bị nóng lên quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, không dẫn đến hiện tượng băng tan, nước biển dâng.
“Để thích ứng, chúng ta sẽ phải giảm tiêu hao năng lượng và tiến tới phát thải carbon thấp. Qua số liệu từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới phát hành tháng 7/2022, Hoa Kỳ đang xả thải khoảng gần 5,8 tỷ tấn CO2 chiếm 12% toàn cầu. Trong khi Đức chiếm 1,6% còn Trung Quốc cao nhất chiếm gần 24%, riêng Việt Nam chỉ chiếm 0,8%.
Vấn đề đặt ra là, tại sao chúng ta xả thải thấp nhưng vẫn phải tham gia vào công cuộc này, bởi vì nếu tính trên 1 đô la GDP thì hiện nay Mỹ chỉ xả thải khoảng 0,28kg trên 1 đô la GDP, còn Việt Nam con số này là gần 1,4 - 1,5kg CO2 trên 1 đô la GDP, chỉ đứng sau Indonesia nhưng còn lớn hơn cả Trung Quốc.
Nếu chúng ta không phát triển xanh, thì xả thải càng ảnh hưởng đến tỷ trọng nền kinh tế, đến một lúc nào đó, thị trường tín chỉ carbon theo Luật bảo vệ tài nguyên môi trường, thì sản phẩm sản xuất ra sẽ không được ưa chuộng trên thế giới. Đây là áp lực rất cụ thể, không chỉ quyết tâm của các nhà chính trị, các nhà môi trường để giảm thải, mà còn đánh vào yêu cầu của doanh nghiệp. Khi đó, Việt Nam cũng khó có thể kêu gọi thế giới giúp chúng ta trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, trong khi đây mới là vấn đề phải tiêu tốn nhiều chi phí”, Ông Huân phân tích.
>>KINH TẾ 2023: Giải đúng bài toán về chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Cũng theo vị Uỷ viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Quốc hội dẫn chứng, Ngân hàng Thế giới ước tính, đến năm 2040, chúng ta sẽ chi khoảng 268 tỷ đô la cho chống biến đổi khí hậu, chủ yếu là để thích ứng, còn lại là giảm nhẹ phát thải.
Vì vậy, để kêu gọi nguồn lực nước ngoài không chỉ về đồng vốn mà còn về công nghệ, quản lý, thì chúng ta không thể đứng ngoài cuộc, đồng thời không thể phát thải ròng như hiện nay. Đồng thời nhiều ngành nghề lĩnh vực cần phải tham gia vào như ngành năng lượng, bao gồm xi măng (đốt than ở các lò xi măng), hay giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp và xả thải trong quá trình sản xuất công nghiệp. Hầu như tất cả mọi lĩnh vực trong ngành kinh tế đều có thể tham gia vào quá trình phát triển xanh.
Riêng ngành nông nghiệp của chúng ta cũng xả thải khí Metan gần như đứng đầu thế giới. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang rất quyết tâm để nông nghiệp xanh hơn, vì lượng phân bón, thuốc trừ sâu và cách tưới tiêu đang không hiệu quả gây ra nhiều hậu quả cho môi trường.
Nhiều chuyên gia cũng đề cập đến việc nếu trong ngành công nghiệp chúng ta dùng kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh thì chất thải của một ngành nào đó, lại là đầu vào sản xuất của một dây chuyền sau, khi đó chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
“Tôi muốn đưa ra một ví dụ đó là, trong quá trình xây dựng chiến lược chống biến đổi khí hậu, với kịch bản chúng ta phát triển thông thường không cam kết với thế giới, không có nỗ lực gì cả, thì tới năm 2050, chúng ta sẽ phát thải khoảng hơn 1,5 tỷ tấn CO2. Như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ gặp vấn đề về kêu gọi vốn đầu tư và không đi theo phong trào thế giới.
Nếu đi theo lộ trình Net Zero, thì đến 2050, Việt Nam sẽ phát thải khoảng hơn 100 triệu tấn. Mục tiêu này có vẻ tham vọng, nhưng khi đó chúng ta sẽ có nền kinh tế xanh. Để làm được việc này, cần có sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh đó là sự hỗ trợ của quốc tế không chỉ về đồng vốn, mà cả về công nghệ. Nhưng căn bản nhất là doanh nghiệp phải có tinh thần tự cứu mình, chủ động, cùng với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chúng ta sẽ đạt được sự nghiệp thay đổi công nghệ và phát triển xanh”, ông Huân kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm
KINH TẾ 2023: Doanh nghiệp nông nghiệp thích ứng
17:11, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: 6 giải pháp "chắp cánh" cho du lịch phát triển
16:35, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Chính sách tiền tệ phù hợp cho doanh nghiệp phục hồi
16:25, 17/11/2022
KINH TẾ 2023: Doanh nghiệp và Nhà nước chung tay "vượt sóng gió"
16:19, 17/11/2022