Cơ hội cho nông sản Việt "cất cánh"
Các doanh nghiệp, HTX tham gia thường niên Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam đều ghi nhận đánh giá cao tính hiệu quả trong việc kết nối mở rộng thị trường phân phối sản phẩm, nâng cao thương hiệu…
Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2022 có quy mô 4.000 – 4.500 m2, gồm 260 gian hàng của hơn 350 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia, hội tụ đủ sản phẩm, đặc sản của 63 vùng, miền đến từ 54 tỉnh, thành phố trong cả nước.
>>>Vì sao Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam được tổ chức thường niên?
Cơ hội quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng
Tại Lễ khai mạc Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2022 tối 23/11 diễn ra mới đây tại quảng trường Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall - Khu Đô thị Vinhomes Royal City (72A Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), với vai trò là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức từ ngày 23/11 - 27/11, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) cho biết: Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam là sự kiện thường niên, nhằm giúp các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước, tham gia chuỗi cung ứng -tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.
Đây cũng là nơi để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa, là sự kiện được người tiêu dùng Thủ đô, doanh nghiêp, khách du lịch trong ngoài nước hưởng ứng, chờ đợi vào dịp cuối năm để đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa vùng miền Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quốc Tới phụ trách phân phối Công ty TNHH Tài Thịnh Phát cho hay: Công ty đã tham gia nhiều kỳ Hội chợ với các sản phẩm thuỷ sản thiên nhiên vùng rừng ngập mặn Năm Căn – Cà Mau như: Tôm đất, tôm bạc, cua thiên nhiên, cá…
“Qua mỗi lần tham gia Hội chợ sản phẩm của Công ty được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Nhờ đó mà công ty mở rộng được thị trường phân phối thông qua việc ký kết hợp tác với các đối tác, bạn hàng được biết đến qua Hội chợ” ông Tới nói.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Trương Thị Hồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Yến Sào Kom Tum chia sẻ: Nhờ việc tham gia Hội chợ, công ty có thêm nhiều đối tác, khách hàng. Đến nay sản phẩm công ty đã hiện diện ở các tỉnh, thành phía Bắc thông qua nhà phân phối, các đại lý, văn phòng đại diện… Nhờ đó thương hiệu công ty ngày càng được khẳng định với đối tác cũng như người tiêu dùng cả nước.
“Tôi rất vui vì sản phẩm công ty cung ứng ra thị trường ngày một nhiều, doanh thu ngày một tăng” bà Hồng hồ hởi nói.
Còn với Công ty CP Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Vỏ Cây Vàng, bà Nguyễn Thuỳ Anh, Founder MẦM Distillery bộc bạch: Công ty mang đến Hội chợ là những sản phẩm rượu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu của nhiều tỉnh thành trên cả nước.
“Thông qua Hội chợ công ty muốn kết nối với các tỉnh, thành để giới thiệu những sản phẩm rượu được làm từ những chất liệu quê hương họ. Bên cạnh đó, công ty cũng muốn quảng bá tới người tiêu dùng trong và ngoài nước về Việt Nam qua hương vị rượu được làm từ quả mơ, chanh leo, dâu tằm hoa nhài…”.
>>>Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam 2019 “hút” người tiêu dùng
“Sân chơi” của doanh nghiệp
Thực tế, qua các kỳ tổ chức, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng lên về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại, du lịch có uy tín cao, có tính lan tỏa, được Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố đánh giá cao.
Ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội khẳng định: Trong bối cảnh tình hình dịch Covid - 19 đã được kiểm soát tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, năm 2022 Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam được tổ chức với quy mô lớn hơn so với các năm trước, nhiều tiểu cảnh đặc trưng các vùng miền trên cả nước được dàn dựng, trang trí đặc biệt, các gian hàng được thiết kế theo module đặc biệt, vừa hiện đại vừa truyền thống theo không gian mở ngoài trời, là điểm khác biệt so với mọi năm. Không gian hội chợ sẽ được phân bổ thành các không gian như: Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên Hải miền Trung...Nhiều Khu không gian của các tỉnh, thành phố trên cả nước có thiết kế đặc biệt, tiêu biểu, đặc trưng của các vùng miền như: An Giang, Bình Định, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nam, Hà Giang ...tạo thành những ngày hội đặc sản, du lịch, văn hóa của các vùng miền trong cả nước…
Sản phẩm trưng bày tại hội chợ được Ban Tổ chức lựa chọn các sản phẩm đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… khuyến khích doanh nghiệp phát triển, giới thiệu những sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp (quy tụ được các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm đặc sản địa phương; các sản phẩm nông sản, thực phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…).
“Năm nay, có khoảng 50% số lượng sản phẩm các tỉnh đăng ký trực tiếp là sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Năm 2023, Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam phấn đấu 100% sản phẩm bày bán đều đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Đồng thời, Ban tổ chức sẽ mời một số nhà nhập khẩu nước ngoài tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… tham gia hội chợ” ông Quang nhận định.
Đánh giá việc thành phố Hà Nội giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước thời gian qua, đặc biệt là Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam được tổ chức vào tháng 11 hàng năm tại thành phố Hà Nội. Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng: Qua các kỳ tổ chức, Hội chợ không ngừng đổi mới, nâng cao về chất lượng, trở thành sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín thu hút sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tỉnh, thành phố trong cả nước và được người tiêu dùng tích cực đón nhận.
Hội chợ còn là cầu nối giao thương cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chế biến trong nước với các nhà nhập khẩu, phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị và người tiêu dùng…
“Với sự nỗ lực của thành phố Hà Nội, sự phối hợp của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành trong cả nước và sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, Hiệp hội, tôi tin tưởng rằng, Hội chợ Đặc sản Vùng miền Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam và là dịp để giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, du lịch đặc trưng của mỗi vùng đất tới du khách trong nước và quốc tế” ông Quyền khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Hà Nội: HPA cần đổi mới hoạt động cả về nội dung và phương thức thực hiện
16:06, 08/02/2022
HPA giúp doanh nghiệp tránh rủi ro trong lĩnh vực thuế
11:33, 04/11/2020
HPA tổ chức OCOP 2020 tại 2 địa điểm AEON
13:35, 19/10/2020
HPA kết nối tiêu thụ sản phẩm giống chủ lực của Hà Nội
12:31, 04/12/2019