Doanh nghiệp ngành sắn nguy cơ “thụt lùi” vì chậm hoàn thuế VAT
Doanh nghiệp nhấn mạnh, việc hoàn thuế VAT nếu không được tháo gỡ khiến ngành sắn nguy cơ thụt lùi, thị phần sẽ thuộc về đối thủ cạnh tranh.
>>>Thủ tục hoàn thuế VAT “lòng vòng”, doanh nghiệp “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”
Theo ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết, thời gian qua, Tổng cục Thuế có công văn gửi cục thuế địa phương rà soát khách hàng Trung Quốc đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT của doanh nghiệp.
Các cục thuế địa phương căn cứ vào chỉ đạo này để xác minh khách hàng, người mua hàng từ Trung Quốc, dẫn đến dừng hoàn tiền thuế VAT của doanh nghiệp xuất khẩu sắn. Tính đến thời điểm này, số thuế VAT của ngành sắn chưa được hoàn khoảng 1.000 tỷ đồng và có thể là cao hơn nữa trong thời gian tới nếu không được tháo gỡ chính sách liên quan đến hoàn thuế.
Ông Hà nhấn mạnh câu chuyện này đã kéo dài hơn 2 năm. Hiệp hội Sắn và doanh nghiệp đã gửi kiến nghị lên Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã có 3 văn bản chỉ đạo. Nhưng đến nay, Bộ Tài chính chưa có văn bản trả lời cụ thể khiến doanh nghiệp vừa làm vừa lo, cơ quan thuế địa phương lúng túng.
“Việc hoàn thuế VAT nếu không được tháo gỡ khiến ngành sắn nguy cơ thụt lùi, thị phần sẽ thuộc về đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi mong muốn cơ quan liên quan có thông tư hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho ngành”, ông Hà kiến nghị.
Theo Hiệp hội Sắn, Tổng cục Thuế đề nghị Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu xác minh tài liệu hoàn thuế của một công ty thuộc hiệp hội. Cơ quan cảnh sát điều tra sau đó đã có văn bản trả lời “không có dấu hiệu tội phạm”. Thế nhưng đến thời điểm này cơ quan thuế vẫn chưa có văn bản cụ thể để trả lời cho các doanh nghiệp Việt Nam về hướng giải quyết chuyện này.
Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị, đối với các công ty đã có kết quả trả lời của cơ quan công an thì ngay lập tức cho hoàn thuế VAT. Đối với các công ty khác, chỉ căn cứ vào các điều kiện hoàn thuế VAT để hoàn thuế. Không thể bắt các công ty Việt Nam phải chịu trách nhiệm với cái sai (nếu có) của doanh nghiệp nước ngoài, vì lý do thì đã rõ và vì pháp luật không có quy định.
“Ngành thuế có thể nghi ngờ doanh nghiệp nhưng không thể không tin vào số liệu của ngành hải quan; có thể thực hiện mọi biện pháp để chống thất thu thuế nhưng phải dựa trên cơ sở quy định cụ thể của pháp luật. Còn sau này, phát hiện ra doanh nghiệp nào sai phạm, chiếm đoạt tiền thuế thì đề nghị xử lý thật nghiêm”, ông Đức nêu ý kiến.
>>>Doanh nghiệp “khốn đốn” hoàn thuế VAT: “Cơn sóng” lan sang ngành cao su
Trước đó, văn bản kêu cứu khẩn cấp tới Thủ tướng Chính phủ của Hiệp hội Sắn Việt Nam vào tháng 3/2022 có kèm chữ ký của 42 doanh nghiệp sắn, cùng đề nghị dừng thực hiện Công văn số 632/TCT-TTKT ngày 7/3/2022 của Tổng cục Thuế, chỉ đạo các cục thuế địa phương xác minh khách hàng nước ngoài, dẫn tới việc dừng và truy thu tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) của doanh nghiệp sắn.
Việc 42 doanh nghiệp phải kêu cứu khẩn cấp chỉ là “giọt nước tràn ly”, bởi ngay sau khi Tổng cục Thuế có Văn bản 2495/TCT-TTKT, từ tháng 8/2021 tới nay, Hiệp hội Sắn Việt Nam và các doanh nghiệp đã kêu tới nhiều bộ, ngành chức năng với cùng một nội dung: Có nhiều doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp tinh bột sắn không được hoàn thuế với số tiền rất lớn, điển hình là Công ty cổ phần Fococev Việt Nam (TP.HCM) đang tồn đọng trên 384 tỷ đồng tiền thuế GTGT chưa được hoàn.
Tuy nhiên 2 năm qua vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Việc không hoàn thuế, mà lại còn truy thu thuế GTGT sẽ khiến các doanh nghiệp sắn có nguy cơ phá sản, bởi chính sách của Nhà nước đối với mặt hàng này là miễn thuế và được hoàn thuế GTGT, nên nhiều doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng để thu mua sắn cho nông dân và mong chờ vào khoản hoàn thuế (vào vụ thu hoạch, mỗi doanh nghiệp trung bình phải bỏ ra gần 2 tỷ đồng/ngày để thu mua 500-1.000 tấn củ sắn cho bà con).
Nay không được hoàn thuế sẽ khiến doanh nghiệp không dám xuất khẩu, nhà máy không hoạt động, cùng với các chi phí, tiền vay ngân hàng không thể trả nổi sẽ khiến hàng trăm doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất sẽ phải dừng thu mua cho bà con trồng sắn. Điều này còn khiến nhiều hộ nông dân trồng sắn rơi vào tình trạng nợ nần khi sắn trồng ra không ai mua.
Trong khi đó, sắn và sản phẩm từ sắn là một trong 3 loại cây trồng xuất khẩu chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam và được đưa vào danh sách cây chủ lực quốc gia, xuất khẩu trên 1 tỷ USD kim ngạch, với hàng trăm doanh nghiệp, tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động, được xem là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng sâu, vùng xa.
Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu sắn lớn của Việt Nam, chiếm tới 93%. Không những khó khăn từ hoàn thuế, ngành sắn hiện phải cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan, Indonesia… Trong khi Thái Lan, Indonesia có lợi thế về quy mô lớn, hệ thống logistics tốt, còn sắn Việt Nam chỉ có lợi thế xuất khẩu đường biên giới với Trung Quốc (chiếm 60%).
Có thể bạn quan tâm
Thủ tục hoàn thuế VAT “lòng vòng”, doanh nghiệp “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”
04:00, 02/12/2022
Doanh nghiệp “khốn đốn” hoàn thuế VAT: “Cơn sóng” lan sang ngành cao su
04:25, 22/11/2022
Chậm hoàn thuế VAT, doanh nghiệp gỗ khó trăm bề
05:00, 09/11/2022