Xây dựng “căn cứ địa”
Khởi đầu là một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản, v.v..
>>Hòa Phát bán hơn một triệu quả trứng mỗi ngày
Với công suất 8 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, Hòa Phát còn là một “người khổng lồ” trong một số thị trường có vẻ ít liên quan đến thép: chăn nuôi.
Khởi đầu là một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản, v.v.. Hiện nay, sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi, chiếm phần lớn doanh thu và lợi nhuận tập đoàn.
Hòa Phát và ngành nông nghiệp
Năm 2016, Hoà Phát đã chính thức tuyên bố gia nhập lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc thành lập Công ty Cổ phần Phát Triển Nông Nghiệp Hòa Phát có vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng. Họ bắt đầu nhập con giống về, phát triển chuồng trại, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp lớn trong mảng nông nghiệp, bắt đầu từ sản phẩm thịt bò Úc và trứng gà.
Nhưng tại sao Hòa Phát, trong khi vẫn đang phát triển mạnh với mảng thép, lại nhảy sang một ngành có vẻ không liên quan gì như nông nghiệp? Để hiểu rõ hơn ý đồ của Hòa Phát, chúng ta sẽ tìm hiểu về một doanh nghiệp khác đã từng sử dụng chiến lược tương tự vô cùng nhuần nhuyễn: Microsoft với sản phẩm Windows nổi tiếng.
Microsoft và Windows
Vào thời điểm năm 1998, hệ điều hành Windows của Microsoft được sử dụng trên khoảng 95% số máy tính cá nhân trên toàn thế giới, với lượng bán ra hàng năm lên tới 100 triệu bản cài đặt trong một thị trường có tốc độ tăng trưởng 15 đến 20% mỗi năm. Điều này đã tạo nền tảng vững chắc để Microsoft thực hiện chiến lược của mình.
Microsoft đã tận dụng Windows để kiểm soát các thị trường khác Một trong những đối thủ nổi tiếng nhất bị Microsoft bức tử có lẽ phải kể đến trình duyệt Netcape. Lợi dụng quyền ưu tiên và vị thế có được từ Windows, Microsoft làm khó dễ không cho Netscape chạy trên hệ điều hành Windows. Đồng thời, họ đặt Internet Explorer làm trình duyệt mặc định. Đến năm 2001, Internet Explorer, với sự hỗ trợ của thị phần rộng lớn từ Windows, đã chiếm đến 96% thị phần trình duyệt toàn thế giới.
Microsoft cũng đã dùng Windows làm bàn đạp cho nhiều sản phẩm khác. Apple từng nhận được một đề nghị từ Microsoft: Dừng phát triển hệ thống phần mềm nghe nhạc trên hệ điều hành Windows. Đổi lại, Microsoft sẽ ngừng gây khó dễ với việc phát triển phần mềm QuickTime của Apple. Hành động này là nhằm tạo điều kiện cho phần mềm nghe nhạc Windows Media Player—được phát hành gắn liền với các phiên bản Windows. Đến năm 2006, Windows Media Player đã chiếm 50% thị phần phần mềm nghe nhạc toàn thế giới.
Nước đi tận dụng thế mạnh từ một sản phẩm đã có thị phần vững chắc để làm bàn đạp tấn công các thị trường khác về địa lí hoặc về sản phẩm chính, đó là Chiến lược căn cứ địa. Đây là một chiến lược có nguồn gốc từ chiến tranh.
Trong chiến tranh, các bên tham chiến thường cố chiếm một thành trì để làm chỗ trụ. Đây sẽ là căn cứ địa của họ. Căn cứ địa có vai trò là nơi đóng quân, cung cấp các nguồn lực (khí giới, lương thực, binh lính, v.v.) cũng như bảo vệ đội quân khỏi những đòn tấn công của kẻ thù.
Khi căn cứ địa đã vững chắc khó bị tấn công, nguồn lực được tích luỹ dồi dào, họ có thể bắt đầu tấn công những vùng đất, thành trì khác, mở rộng phạm vi ảnh hưởng, đồng thời tiêu diệt đối thủ. Căn cứ địa càng có ảnh hưởng lớn, việc tấn công những vùng khác càng dễ dàng.
Trong trường hợp Microsoft, thị phần của Windows đã giúp họ có một cơ sở vững chắc để tấn công vào các ứng dụng như trình duyệt và phần mềm nghe nhạc. Trong trường hợp Hòa Phát, thị phần lớn trong mảng thép tạo nên nguồn lực tài chính dồi dào, hệ thống quản trị xuất sắc, cùng nguồn cầu lớn sẵn có từ các nhà máy và khu công nghiệp. Đó là một căn cứ địa tiềm năng để họ tấn công mảng nông nghiệp. Đây quả là nền tảng đáng gờm mà các đối thủ của họ trong mảng nông nghiệp phải dè chừng.
Hiệu quả
Sau 5 năm bước chân vào mảng kinh doanh mới, tính đến hết năm 2020 Hoà Phát đã chiếm 50% thị phần thịt bò Úc, đứng đầu thị trường Việt Nam. Ngoài ra, trứng gà Hòa Phát cũng nhanh chóng phủ sóng rộng khắp, đặc biệt là vào các khu công nghiệp phía Bắc, trở thành ông lớn trong lĩnh vực này. Gần đây, với điểm tựa là nguồn cầu từ các khu công nghiệp, Hòa Phát đã mở rộng kênh phân phối và đi vào các chuỗi siêu thị lớn toàn miền Bắc.
Trong khi đó, mảng kinh doanh chính là sản xuất thép vẫn vững vàng. Năm 2021, thép Hoà Phát nằm trong top 15 doanh nghiệp có mức vốn hoá cao nhất của ngành thép thế giới. Có thể thấy, Hòa Phát tấn công mảng thịt bò Úc hay trứng gà là khả thi, nhưng để các đối thủ trong mảng thịt bò Úc hay trứng gà tấn công ngược lại vào mảng thép thì quả là không tưởng.
Giống như con sâu sinh trưởng trong cái kén, căn cứ địa cung cấp môi trường an toàn để doanh nghiệp phát triển. Có thể phá kén để hoá bướm hay không phụ thuộc vào khả năng cũng như tầm nhìn của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, một khi đã thành công xâm nhập ngành mới, thì căn cứ địa sẽ cung cấp một nền tảng vô cùng bền vững cho doanh nghiệp, biến họ trở thành “người khổng lồ bất tử” trong ngành mới.
Hiện nay, các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng đã có những nước đi tận dụng căn cứ địa. MISA, với hệ thống phần mềm kế toán chiếm thị phần lớn, đã dần lấn sân sang các hệ thống quản lí thông tin khách hàng. Momo, sau khi chiếm lĩnh thị trường ứng dụng thanh toán, đã bắt đầu mua lại hệ thống bán hàng Nhanh.vn và CTCP Chứng khoán CV. Với tầm nhìn xa và một căn cứ địa vững vàng, họ được kì vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của nhiều ngành mới mà họ tấn công.
Có thể bạn quan tâm