Dệt may sẽ tiếp tục tăng trưởng
Bất chấp khó khăn của các thị trường xuất khẩu trọng điểm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đưa ra con số mục tiêu xuất khẩu năm 2023 của ngành từ 45 - 47 tỷ USD.
>>>Phát triển dệt may xuất khẩu bền vững
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, dự kiến năm 2022, xuất khẩu dệt may sẽ về đích khoảng 43 tỷ USD. Tình trạng sụt giảm đơn hàng có khả năng còn kéo dài trong quý 1/2023 và khởi sắc trở lại cuối năm 2023.
- Thưa ông, tình trạng đơn hàng sụt giảm ngày càng trở nên nghiêm trọng những tháng cuối năm đặt ra thách thức với doanh nghiệp toàn ngành, liệu ngành dệt may sẽ “về đích” hay không?
Đơn hàng của các doanh nghiệp chúng tôi với lượng trong quý IV nhìn chung toàn ngành giảm 20%/quý IV. Sang năm tới Quý I/2023 vẫn tiếp tục duy trì mức sụt giảm này. Bởi vì nói chung trong giai đoạn hiện nay sức mua của các thị trường đều giảm, đặc biệt thị trường châu Âu, Hoa Kỳ. Hay ngay như với thị trường Nhật Bản, đồng Yên tụt giá quá mức khiến người mua hàng tính toán cắt giảm chi tiêu.
Với ngành dệt may, đơn hàng giảm còn do nguyên nhân khác là các thị trường thế giới giảm chung không nhiều, nhưng lại được phân ra ở một số nước ưu đãi về thuế như một số nước châu Phi, một số nước vùng Tây Á, Nam Á… được hưởng thuế suất thấp hơn Việt Nam.
Bên cạnh đó, là vấn đề tỷ giá, đồng tiền của họ hạ giá 15-20%, trong khi đó Việt Nam mở room hết cỡ chỉ 5%, điều này khiến hàng hoá sản phẩm của chúng ta đắt hơn họ. Đương nhiên khách hàng sẽ lựa chọn nhà sản xuất có giá cạnh tranh. Hiện nay các khách hàng vào gặp gỡ doanh nghiệp chúng ta cũng đã yêu cầu hạ giá gia công từ 20-30%, thậm chí yêu cầu đơn giá giảm tới 40 - 50%.
Đây cũng là vấn đề mà những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính phải chấp nhận làm để giữ quân, nuôi quân. Còn những doanh nghiệp tiềm lực yếu không duy trì được, trong khi đó tiếp cận tín dụng những tháng cuối năm đều hết room, chấp nhận phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa. Một số địa phương như Bình Dương đã phải tính toán bỏ “tiền túi” ra giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất giữ người lao động.
Chúng ta hiện nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc nhưng chi phí tiếp tục không giảm, cộng thêm chi phí logistics không giảm, hàng hoá cao trong khi xuất khẩu cộng thuế lại không cạnh tranh…dẫn tới lượng hàng của Việt Nam giảm, cả năm 2022 ngành dệt may sẽ “về đích” khoảng 43 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2021, đây là con số khiêm tốn.
- Vậy ông có đề xuất gì để hỗ trợ doanh nghiệp giữ việc, giữ chân lao động, thưa ông?
Lao động là tài sản số 1 của doanh nghiệp, dù trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp cũng phải nỗ lực giữ chân lao động. Nhiều đơn vị đã phải chuyển từ sản xuất may mặc sang làm túi xách cho các siêu thị để có công việc cho người lao động trong khi chờ ngành dệt may phục hồi vào năm sau. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương cho lao động và duy trì sản xuất.
Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may cũng gặp khó khăn về vốn. Ngành dệt may đang có kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ, ngành để cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp. Cụ thể, về lãi suất ngân hàng, đề nghị với một số lĩnh vực ngành hàng có tác động xuất khẩu lớn, giải quyết việc làm và lao động lớn như dệt may, ngân hàng nên cân nhắc giữ lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì giữ ổn định sản xuất.
>>>Ngành dệt may sẽ chờ phục hồi trong năm 2024?
Đặc biệt, cầu chung của thế giới đều giảm do đó các thị trường đều chịu chung sự sụt giảm này, sự cạnh tranh sẽ tăng lên. Do đó, đề nghị có chính sách điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp. Ví dụ như Nhật Bản hiện tỷ giá Yên giảm giá so với năm trước mức khoảng 15-17% trong khi Việt Nam chỉ mức 5%. Nếu sự điều chỉnh này ở mức 7-9% sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều.
- Bên cạnh những chính sách có tính hỗ trợ của nhà nước, bản thân doanh nghiệp dệt may cần thích ứng theo hướng nào để “vượt bão” năm 2023?
Trong giai đoạn này doanh nghiệp cần tính đến làm sao đào tạo lại người lao động, nâng cao tay nghề chất lượng lao động. Với những doanh nghiệp có khả năng, cũng cần đầu tư nâng cao công nghệ để sản phẩm có giá thành cạnh tranh, nâng cao tiền lương cho người lao động.
Điều này yêu cầu nguồn vốn doanh nghiệp, đặt ra yêu cầu cần chính sách hỗ trợ tiếp cận cho doanh nghiệp. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, room tín dụng đã hết, các ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên doanh nghiệp sản xuất vẫn phải chủ động, tính toán tới việc chuyển đổi, liên kết, thậm chí hợp nhất để duy trì hoạt động doanh nghiệp, phát triển qua giai đoạn khó khăn.
Các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực cũng cần hỗ trợ, đưa doanh nghiệp khác vào chuỗi của mình để chiếm lĩnh các thị trường tiềm năng.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Phát triển dệt may xuất khẩu bền vững
11:30, 03/01/2023
Nhiều doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng
02:00, 31/12/2022
TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 4) "Xanh hoá" sản xuất
04:30, 25/12/2022
TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 3) Mở lối từ FTA
04:50, 22/12/2022
TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 2) Thích ứng với điều kiện kinh doanh mới
04:00, 19/12/2022
Ngành dệt may sẽ chờ phục hồi trong năm 2024?
00:01, 17/12/2022
TÌM LỐI RA CHO DỆT MAY: (Bài 1) Sức ép đè nặng
05:00, 15/12/2022