Doanh nghiệp gia đình và tư nhân: Vượt bão suy thoái
Trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi đặt ra cho các nhà lãnh đạo đó là đâu mới là hướng đi của doanh nghiệp gia đình; Làm sao để vừa phát triển vừa bảo tồn được các giá trị của doanh nghiệp gia đình?
>>Chiến lược ESG để thu hút vốn cho doanh nghiệp tư nhân
Năm 2022 vừa khép lại với bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái khi phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine. Kinh tế Việt Nam tuy được xem là điểm sáng nhưng cũng gặp nhiều thách thức và chịu tác động chung trong bối cảnh khu vực và thế giới nhiều bất ổn.
Trong khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như sự sụt giảm nghiêm trọng trong đơn hàng xuất khẩu, chi phí đầu vào của sản xuất gia tăng do giá dầu thế giới bị đẩy lên mức cao, doanh nghiệp đối mặt với vấn đề thiếu vốn do cạn kiệt dòng tiền sau 2 năm đại dịch… Thêm vào đó, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam với những đặc thù riêng còn đối mặt với nhiều thách thức khác như hầu hết các doanh nghiệp này đều đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ chuyển giao, thế hệ kế nghiệp còn ít kinh nghiệm trong năng lực lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Doanh nghiệp gia đình và tư nhân làm thế nào để tồn tại và phát triển trong bối cảnh kinh tế khó khăn?
Đứng trước những thách thức đặt ra, đây là lúc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải rà soát và lựa chọn hướng đi phù hợp với doanh nghiệp của mình từ chiến lược phát triển, cấu trúc doanh nghiệp, cho đến các nguồn lực tài chính như tăng cường quản trị dòng tiền và duy trì thanh khoản cũng như áp dụng các cơ chế, chính sách phù hợp với lực lượng lao động mới.
>>TGĐ PwC Việt Nam: Doanh nghiệp cần “sửa chữa” lại lỗ hổng từ mô hình kinh doanh cũ
Lựa chọn chiến lược phù hợp
Lãnh đạo cần nhìn nhận lại vị trí của doanh nghiệp trong chu kỳ phát triển và xác định các vấn đề tồn đọng trong doanh nghiệp để có giải pháp phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi đặt ra cho các nhà lãnh đạo đó là đâu mới là hướng đi của doanh nghiệp gia đình: thay đổi chiến lược phát triển, cải tiến cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành, cải thiện quản lý vốn lưu động hay cắt giảm chi phí, bảo tồn giá trị doanh nghiệp? Làm sao để vừa phát triển vừa bảo tồn được các giá trị của doanh nghiệp gia đình?
Ông Hoàng Việt Cường, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Doanh nghiệp, PwC Việt Nam cho biết: “Trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nói chung, nhiều doanh nghiệp gia đình có những quan điểm khác biệt giữa các thế hệ trong định hướng và quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, thế hệ kế nhiệm đặt việc tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu, mong muốn thử nghiệm với những lĩnh vực mới, nhìn thấy cơ hội trong giai đoạn khó khăn để mở rộng hoạt động kinh doanh. Ngược lại, các thế hệ đi trước với sự cẩn trọng, dè dặt hơn, thường có xu hướng bảo tồn giá trị, có thể thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo vệ tài sản gia đình.”
Theo Báo cáo khảo sát "Thế hệ kế nghiệp Việt Nam: Lãnh đạo hôm nay và mai sau” của PwC năm 2022, 67% thế hệ kế nhiệm cho rằng có sự kháng cự nhất định của thế hệ trước đối với việc thay đổi trong tổ chức. Do đó, doanh nghiệp gia đình cần cấu trúc doanh nghiệp có thể đảm bảo sự đồng thuận giữa các thế hệ. Chủ doanh nghiệp gia đình cần trao đổi, truyền đạt các giá trị và mục tiêu của gia đình và doanh nghiệp, đảm bảo các giá trị này được hiểu và thấm nhuần giữa các thành viên trong gia đình.
Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cũng cần đứng trên góc nhìn của một nhà đầu tư khi xây dựng chiến lược, hướng đến mục tiêu tối đa hóa giá trị cho các cổ đông, dung hòa giữa mục tiêu cá nhân, gia đình và mục tiêu của doanh nghiệp, đo lường và báo cáo minh bạch những sự thay đổi về tài sản, lợi nhuận của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp gia đình cần xác định rõ vai trò của các thành viên gia đình trong doanh nghiệp, xây dựng cơ chế ra quyết định và phân quyền, hạn chế mâu thuẫn giữa các thành viên, phân chia và sở hữu tài sản gia đình.
Duy trì thanh khoản và tăng cường quản trị dòng tiền
Các doanh nghiệp gia đình và tư nhân Việt Nam đang đối mặt với khó khăn trong việc huy động vốn từ kênh truyền thống, đặc biệt qua kênh trái phiếu do sự suy giảm niềm tin của thị trường đối với lĩnh vực bất động sản lan rộng đến nhiều ngành khác. Do đó, doanh nghiệp cần tìm ra các biện pháp để duy trì thanh khoản như tìm cách gia hạn các khoản nợ và khoản phải trả để giảm thiểu áp lực tài chính; đa dạng hóa các nguồn vốn, chẳng hạn như tiếp cận các khoản tài trợ chuỗi cung ứng hay tín dụng xanh…
Trong dài hạn, vấn đề quản trị dòng tiền và thanh khoản cần được chú trọng và ưu tiên hơn. Theo quan sát của chúng tôi, quản lý ngân quỹ hay quản trị dòng tiền tại các doanh nghiệp tư nhân và gia đình Việt Nam bắt đầu được quan tâm hơn trong những năm gần đây nhưng vẫn chưa được thực hiện bài bản. Các doanh nghiệp được đánh giá có hoạt động quản lý nguồn vốn hiệu quả trong khu vực và thế giới đều có một bộ phận độc lập và chuyên trách (tạm gọi là Bộ phận Ngân quỹ) để thực hiện nhiều chức năng như quản lý tiền mặt, dự báo dòng tiền, quản lý thanh khoản, quản lý vốn lưu động, quản lý các khoản nợ… Trong khi đó, quản lý ngân sách hay dòng tiền chỉ là một chức năng hay nhiệm vụ thêm của bộ phận Tài chính kế toán ở nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Tạo môi trường làm việc công bằng và thích ứng với lực lượng lao động mới
Trong khi nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với việc các nhân sự chủ chốt, đặc biệt là vị trí Giám đốc cấp cao, đã hoặc có ý định rời khỏi công ty hiện tại trong vòng 2 năm tới, phần lớn vị trí Giám đốc điều hành trong doanh nghiệp gia đình được đảm nhiệm bởi thành viên trong gia đình. Họ có xu hướng kiên định hơn bởi sự gắn bó với doanh nghiệp, gia đình và sự đồng lòng với người sáng lập. Điều này giúp cho doanh nghiệp gia đình giữ được sự ổn định trong việc điều hành doanh nghiệp trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, đối với nhân sự không phải thành viên gia đình, làm sao để giữ chân và thu hút nhân tài? Đây là bài toán nhân sự đặt ra cho nhiều doanh nghiệp gia đình, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn thì vấn đề này lại càng thách thức hơn.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Chuyển đổi Doanh nghiệp chia sẻ: “Doanh nghiệp gia đình cần xây dựng văn hóa và tạo môi trường chuyên nghiệp, công bằng, minh bạch và có những hoạt động, chính sách giúp cán bộ nhân viên không cảm thấy có sự phân biệt giữa “người nhà” và “người ngoài”. Việc được đối xử công bằng, đánh giá dựa trên năng lực và sự đóng góp cho doanh nghiệp, được trao quyền và tạo cơ hội như nhau sẽ tạo nên sự gắn kết cho nhân viên và cũng là một trong những yếu tố giúp thu hút giữ chân nhân tài.”
Ngoài ra, lực lượng lao động chính đang đóng vai trò chủ đạo ở mọi doanh nghiệp là nhóm Gen Z và Millennials. Nhóm này quan tâm nhiều hơn đến sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, chế độ chăm sóc sức khỏe tinh thần và ý nghĩa của công việc. Do đó, cũng như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp gia đình cần hiểu những ưu tiên, kỳ vọng của nhóm này để có các chính sách nhân sự phù hợp.
(*) Ông Hoàng Việt Cường - Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Doanh nghiệp PwC Việt Nam & Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Chuyển đổi Doanh nghiệp PwC Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp tư nhân đối mặt thách thức nào những tháng cuối năm?
17:00, 12/11/2022
Kiến nghị bỏ áp dụng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với doanh nghiệp tư nhân
03:00, 18/10/2022
Đề xuất doanh nghiệp tư nhân “rót” vốn xây dựng sân bay nhỏ
03:00, 13/10/2022
Quản trị nhân sự thế nào thời suy thoái kinh tế?
04:00, 20/12/2022
Lo lắng về suy thoái kinh tế có thể hỗ trợ đồng USD
05:20, 10/12/2022