NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Tập trung hoàn thiện quy hoạch điện quốc gia

Bài: DIỄM NGỌC - Ảnh: TUẤN NGỌC 06/01/2023 15:00

Theo ông Phạm Nguyên Hùng, quy hoạch điện VIII, quy hoạch không gian biển với điện gió là những quy hoạch quan trọng để triển khai phát triển lĩnh vực điện tái tạo nói riêng và ngành điện nói chung.

>>NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Hoàn thiện chính sách để phát triển bền vững

Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tư duy và hành động trong giai đoạn mới” và Trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn: “Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2022” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 6/1/2023, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là quốc gia có qui mô nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu phát triên kinh tế, tốc độ tăng trưởng điện từ năm 2011-2019 đạt trung bình 10,5%/năm, chỉ riêng năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng điện giảm xuống. Theo tính toán của Bộ Công Thương, dự báo trong những năm tới, khi nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng nhanh ở mức cao.

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng cục Điện lực & NLTT (Bộ Công Thương)

Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng cục Điện lực & NLTT (Bộ Công Thương)

Theo ông Hùng, thực tiễn phát triển năng lượng, phát triển điện tại Việt Nam thời gian vừa qua đã cho thấy mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước thiếu hụt và bắt đầu phải nhập khẩu năng lượng. Đứng trước các khó khăn về đảm bảo nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế thì việc chú trọng tới chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng xanh, sạch và bền vững, đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu được xác định là mục tiêu then chốt và xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu:

Thứ nhất, xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch.

Thứ hai, ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

“Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo”, vị Phó Cục trưởng cho biết.

>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Phát triển năng lượng tái tạo, tư duy và hành động trong bối cảnh mới"

Hiện nay trên thế giới, công nghệ năng lượng tái tạo đang phát triển vượt bậc, chi phí công nghệ đang giảm nhanh, các giải pháp công nghệ về truyền tải, lưu trữ điện đang có những tiến bộ mới. Đây là cơ hội tốt để Chính phủ tiếp tục xây dựng chính sách, kế hoạch hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh.

Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam tư duy và hành động trong giai đoạn mới” và Trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn: “Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2022”

Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam tư duy và hành động trong giai đoạn mới” và Trao chứng nhận cho các dự án trong Chương trình bình chọn: “Dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2022”

Ông Phạm Nguyên Hùng chia sẻ, Bộ Công Thương đang nỗ lực rà soát, hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) với những ưu tiên chính về phát triển nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch như sau:

Một là, đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, v.v...) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo quy mô nho cho mục đích tiêu thụ tại chỗ.

Hai là, ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường.

Ba là, khai thác tối đa tiềm năng thuỷ điện của đất nước trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh phát triển các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất, tận dụng nguồn thủy năng.

Bốn là, phát triển nguồn điện sử dụng LNG ở quy mô phù hợp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau năm 2035. Các nhà máy điện sử dụng LNG định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydro sau 10 năm vận hành. Đến năm 2050, đa số các nhà máy nhiệt điện khí chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro.

Năm là, nghiên cứu phát triển các loại hình năng lượng mới (như Hydrogen, amoniac xanh, v.v...).

Đồng thời, Bộ Công Thương đang nghiên cứu, đề xuất luật hóa việc phát triển năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích cải thiện hành vi, thói quen sử dụng điện/năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phấn đấu tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 7% vào năm 2030 và 14% vào năm 2045.

“Đối với Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo sẽ phát triển nhanh, những mục tiêu: (i) Đảm bảo an ninh năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh; (ii) Đảm bảo tiếp cận năng lượng cho người dân và nền kinh tế với chi phí hợp lý; (iii) Chuyển đổi hệ thống năng lượng xanh và bền vững, đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là rất thách thức”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trao đổi thêm, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết, hiện nay quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công Thương trình lần thứ nhất vào đầu tháng 11/2022 và đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cho dự án sớm nhất.

Về năng lượng tái tạo, chúng ta nói nhiều đến dự án ngoài khơi - một trong những quy hoạch quan trọng là quy hoạch không gian biển, tích hợp điện gió ngoài khơi. Tiếp theo là các cơ chế phân tích, trong đó có cơ chế hỗ trợ giá đã kết thúc, với các cơ chế khuyến khích này thì quy mô đã đạt khoảng 20,7kmW chiếm tỷ trọng khá lớn khoảng 27% tổng công suất điện. Với công nghệ năng lượng tái tạo ngày càng phổ biến, giá thành ngày càng giảm thì các cơ chế khuyến khích này cần có thời gian nhất định và cần chuyển sang cơ chế cạnh tranh tiếp cận thị trường. Sau khi kết thúc cơ chế khuyến khích hiện nay, theo cục Điện lực, nhà đầu tư sau khi được lựa chọn sẽ tiến hành lập đàm phán với bên mua điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

“Theo Luật điện lực, để đảm bảo tính tự quyết của bên mua điện, bên bán điện Bộ Công Thương ban hành hướng dẫn về trình tự lập thẩm định và ban hành khung giá bán điện, trên cơ sở đó nhà đầu tư, Tập đoàn đĐện lực Việt Nam sẽ đàm phán về giá điện.

Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư theo luật nhà đầu tư, luật đấu thầu, thì các cấp thẩm quyền vẫn đang thực hiện, hiện nay chúng tôi vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi về những khó khăn khi chọn nhà đầu tư. Các chính sách hiện nay chủ yếu còn quy hoạch điện VIII, điện gió ngoài khơi cần có quy hoạch không gian biển. Đây là những quy hoạch quan trọng quốc gia để đảm bảo cùng với các hành lang pháp lý đầy đủ, để triển khai được phát triển điện tái tạo nói riêng và ngành điện nói chung trong thời gian tới”, Phó Cục trưởng Cục Điện lực nói.

Có thể bạn quan tâm

  • NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Tập trung hoàn thiện quy hoạch điện quốc gia

    15:00, 06/01/2023

  • NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO: Hoàn thiện chính sách để phát triển bền vững

    14:22, 06/01/2023

  • [TRỰC TIẾP] Diễn đàn "Phát triển năng lượng tái tạo, tư duy và hành động trong bối cảnh mới"

    11:10, 06/01/2023

  • Phát triển năng lượng tái tạo, tư duy và hành động trong bối cảnh mới

    05:00, 06/01/2023

Bài: DIỄM NGỌC - Ảnh: TUẤN NGỌC