Nghịch lý thị trường rau quả

THY HẰNG 09/01/2023 04:45

Xuất khẩu ngành hàng rau quả của Việt Nam trong năm 2022 giảm 6,6% so với năm 2021, ngược lại, nhập khẩu lại tăng tới 35%.

>>>Xuất khẩu rau quả sẽ “bùng nổ”

Số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2021 (3,55 tỷ USD). Trong khi đó, từ chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả đạt 2,02 tỷ USD, tăng tới 35%.

trong hơn 2 tỉ USD Việt Nam chi ra nhập khẩu rau quả, nhóm rau củ chiếm 20% và 80% là trái cây

Trong hơn 2 tỉ USD Việt Nam chi ra nhập khẩu rau quả, nhóm trái cây chiếm tới 80%.

Như vậy, mặc dù cả năm 2022, rau quả xuất siêu hơn 1,3 tỉ USD, nhưng nghịch lý là tốc độ tăng trưởng của cán cân nhập khẩu có vẻ đang nhanh hơn xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, năm 2022 được coi là năm thành công về mở cửa thị trường cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Đặc biệt, một số loại trái cây như sầu riêng, chuối tươi, khoai lang đã được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc thông qua Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật được ký kết giữa hai nước.

Không chỉ thị trường Trung Quốc, quả chanh và bưởi của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand, sau khi điều kiện nhập khẩu được 2 bên ký kết vào ngày 15/11/2022. Bên cạnh đó, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cũng đã công bố trên trang web của Chính phủ cho phép quả nhãn tươi của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản vào ngày 18/11/2022. Một sự kiện đáng nhớ khác trong tháng 11/2022, quả bưởi tươi trở thành loại trái cây thứ bảy của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Trong năm 2022, rau quả Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất đến 10 thị trường chính, gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Úc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Lào.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, do nước này áp dụng chính sách “Zero Covid-19” nên xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc năm 2022 chỉ đạt 1,53 tỷ USD, giảm 22% so với năm 2021.

Trái ngược với Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan… vẫn tăng trưởng, tuy nhiên do lượng xuất đi các thị trường này thấp nên chưa tác động nhiều đến thương mại ngành rau quả.

>>>“Rộng cửa” xuất khẩu nhưng thị phần rau quả lại khiêm tốn

Ở chiều ngược lại, 10 thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam gồm: Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Myanmar, Nam Phi, Hàn Quốc, Campuchia, Ấn Độ và Thái Lan.

nhóm rau quả từ Trung Quốc mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là: khoai tây, hành tây, tỏi, cải thảo,

Nhóm rau quả từ Trung Quốc mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là: khoai tây, hành tây, tỏi, cải thảo,...

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong hơn 2 tỉ USD Việt Nam chi ra nhập khẩu rau quả, nhóm rau củ chiếm 20% và 80% là trái cây. Trong đó, Trung Quốc chiếm thị phần nhiều nhất trên 40%, Mỹ 17%, Úc 9%, New Zealand 7%, Hàn Quốc 2,8%, Thái Lan 2,4%...

Ông Nguyên cũng cho biết, Việt Nam và Trung Quốc đang có giao thương xuất nhập khẩu rất lớn đối với hàng rau quả và Trung Quốc đang là thị trường xuất siêu lớn nhất.

"Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 1,3 - 1,4 tỉ USD và chi ra 700 - 800 triệu USD nhập khẩu. Trong khi các thị trường khác như Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc, Việt Nam vẫn đang nhập siêu", ông Nguyên nói.

Trong đó, nhóm rau quả từ Trung Quốc mà Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là: khoai tây, hành tây, tỏi, cải thảo, bắp cải, nấm, cam, quýt, nho, lê, táo, lựu… Trong nhóm quả, táo, nho, lê là những sản phẩm được nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… 

"Việt Nam phải nhập khẩu nhiều rau quả từ nhiều nước là hết sức bình thường, khi ở những thời điểm không phải là mùa vụ hoặc những sản phẩm không có lợi thế sản xuất. Ví dụ như trái ớt, Việt Nam xuất khẩu rất mạnh nhưng có thời điểm không trồng được thì phải nhập khẩu từ Ấn Độ, Myanmar, thậm chí là Campuchia", ông Nguyên nói.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định, tỷ lệ rau quả nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều là xu hướng không thể tránh khỏi. Việt Nam hiện tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Các nước mở cửa thị trường, có lộ trình giảm thuế... thì Việt Nam cũng phải tuân thủ. Điều này giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, được hưởng giá rẻ hơn, làm tăng sức mua.

Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam thẳng thắn bày tỏ quan điểm: "Rau quả vẫn xuất siêu thì chưa đến mức đáng lo là hàng nhập ngoại lấn át sản phẩm trong nước. Nhưng xu thế này đặt ra áp lực cho việc sản xuất trong nước phải thay đổi để nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì đóng gói, từ đó tăng sức cạnh tranh trước hàng nhập ngoại và quan trọng nhất là không để người tiêu dùng mất niềm tin về an toàn thực phẩm".

Trên thực tế, Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyện được đi xa do không thể bảo quản được lâu.

Do đó, Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn đề nghị doanh nghiệp cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu rau quả sẽ “bùng nổ”

    01:00, 18/11/2022

  • “Rộng cửa” xuất khẩu nhưng thị phần rau quả lại khiêm tốn

    04:00, 20/07/2022

  • Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tuột dốc: Hiệp hội rau quả nói gì?

    11:30, 07/07/2022

  • Doanh nghiệp xuất khẩu gia vị, rau quả lo lắng về tiêu chuẩn khắt khe của EU

    13:18, 06/05/2022

THY HẰNG