Cơ cấu lại nguồn lực lao động 2023

HẠNH LÊ 25/01/2023 04:10

Năm 2023 được nhận định là khó khăn của thị trường lao động với nhiều thách thức cần giải quyết.

>>>Thị trường lao động hậu COVID-19: “Lỗ hổng” khó bù

Từ cú sốc chưa có tiền lệ

Nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia lao động Việt Nam, thị trường lao động Việt Nam từ chỗ luôn sôi động trong những tháng cuối năm lại trở nên ảm đạm trong quý 4 năm 2022. Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế khiến đơn hàng giảm, hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng, mất hoặc giãn việc làm. Dự báo trong quý 1 và quý 2 năm nay, tình trạng thiếu lao động cục bộ tiếp tục diễn ra.

Dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng, lao động bị giảm việc làm

Dệt may là một trong những ngành bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng, lao động bị giảm việc làm (ảnh: Thu Hằng)

Tuy nhiên, theo tính toán, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng 350.000 - 400.000 người ở các lĩnh vực khác nhau. Vì thế, ưu tiên nhất trong thời gian tới là tăng cường kết nối, điều tiết lao động và hình thành thị trường lao động linh hoạt, bền vững cho mục tiêu xa hơn là thích ứng với nền kinh tế sau đại dịch.

Vai trò của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng rất quan trọng. Một mặt, doanh nghiệp cần có giải pháp giữ chân, thu hút người lao động để khi phục hồi có nguồn lực nhân sự đáp ứng sản xuất kinh doanh. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động, đặc biệt là đào tạo đội ngũ có chất lượng cao, những người có kỹ năng cao để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

Năm 2023, theo nhận định của ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) là thời gian khó khăn của thị trường lao động khi có nhiều thách thức cần được giải quyết. Cú sốc chưa có tiền lệ của thị trường lao động những tháng cuối năm 2022 thúc đẩy việc tái cơ cấu thị trường này diễn ra nhanh hơn, hướng tới việc xây dựng thị trường lao động linh hoạt và bền vững.

Thay đổi để tối ưu hoá nguồn lực

Phát triển kinh tế song hành cùng phát triển thị trường lao động. Thị trường lao động phát triển ổn định sẽ hỗ trợ nền kinh tế phát triển nhanh và mạnh. Tuy nhiên, theo ông Ngô Xuân Liễu, năm 2022, dù thị trường lao động tăng thêm 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ lao động tham gia thị trường vẫn thấp hơn so với thời kỳ trước dịch.

Trong khi đó, nền kinh tế hiện nay vẫn thâm dụng lao động, chưa chuyển đổi sang nền kinh tế theo hướng tăng trưởng số việc làm, thâm dụng tri thức tức là tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhiều hơn. Sử dụng nhiều lao động giản đơn nhưng những nhân sự này dễ bị tổn thương, rất dễ bị thay thế.

“Chỉ cần chuyển dịch nhỏ lực lượng lao động này sẽ rơi vào thất nghiệp. Thực hiện các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, chúng tôi nhận thấy trên 60% lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp là lao động giản đơn. Còn tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt khoảng 26,1%; tỷ lệ lao động sử dụng thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh) còn thấp hơn; phần nhiều lao động chưa có kỹ năng số trong khi chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ” - ông Ngô Xuân Liễu cho hay.

Ứng dụng công nghệ, thay đổi mô hình sản xuất góp phần tăng năng suất lao động trong các ngành thâm dụng lao động

Ứng dụng công nghệ, thay đổi mô hình sản xuất góp phần tăng năng suất lao động trong các ngành thâm dụng lao động

Điểm yếu trên của lực lượng lao động, theo đánh giá của các chuyên gia liên quan đến chất lượng và năng suất lao động. Doanh nghiệp hiện nay cần tối ưu hoá các nguồn lực để nắm bắt cơ hội phát triển nhưng nguồn lực lao động đóng vai trò quan trọng lại chưa thể được tối ưu.

Ông Ngô Xuân Liễu cho biết thêm: trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế như hiện nay, không một người lao động, không một nhóm lao động, không có doanh nghiệp làm một mình mà cần kết nối cộng đồng doanh nghiệp để làm theo chuỗi. Yêu cầu thay đổi này đang trở nên cấp bách và cần được thúc đẩy thực hiện sớm.

Kinh nghiệm từ sự chuyển đổi mô hình hoạt động của một số doanh nghiệp trong các ngành thâm dụng lao động như gỗ, dệt may và da giày cho thấy, chỉ có thay đổi căn bản mô hình sản xuất mới góp phần tăng năng suất lao động, tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Mô hình sản xuất tại doanh nghiệp được thay đổi từ sản xuất giá trị thấp sang khâu sản xuất giá trị gia tăng cao hơn bằng cách đưa công nghệ mới vào sản xuất kết hợp với đào tạo lại lao động.

Trong dây chuyền sản xuất theo công nghệ mới, người lao động được đào tạo mới có thể làm chủ được công nghệ, máy móc hoặc đứng được ở nhiều khâu trong chuỗi sản xuất thay vì chỉ gia công, lắp ráp. Theo Báo cáo năng suất lao động Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cho thấy, tăng tỉ lệ người lao động qua đào tạo góp phần trực tiếp tăng năng suất lao động. Trong tăng trưởng GDP năng suất lao động đóng góp khoảng 65-75%. Vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề không chỉ đóng góp trực tiếp cho năng suất lao động và tăng trưởng mà còn tạo thị trường lao động linh hoạt, bền vững. 

Có thể bạn quan tâm

  • "Nghịch lý" thị trường lao động cuối năm

    11:34, 30/12/2022

  • Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động

    Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động

    04:05, 20/09/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại

    20:00, 30/08/2022

  • Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

    Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

    20:02, 20/08/2022

  • Những xu hướng đáng chú ý của thị trường lao động

    Những xu hướng đáng chú ý của thị trường lao động

    01:30, 08/07/2022

  • “Hiện đại hoá” thị trường lao động

    “Hiện đại hoá” thị trường lao động

    09:20, 01/05/2022

  • Đại dịch Covid-19 và áp lực cơ cấu lại thị trường lao động

    Đại dịch Covid-19 và áp lực cơ cấu lại thị trường lao động

    05:15, 01/05/2022

HẠNH LÊ