Thiếu việc làm vẫn sẽ xảy ra cục bộ trong quý I/2023
Tình hình việc làm cho người lao động sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong Quý I/2023 đặc biệt ở một số lĩnh vực thâm dụng lao động tại khu vực phía Nam và miền Trung.
>>>Cần sớm có gói hỗ trợ “tiếp sức” người lao động và doanh nghiệp
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo về tình hình lao động, việc làm trong dịp Tết Quý Mão năm 2023.
Liên quan đến tình hình cắt giảm việc làm trong các doanh nghiệp, báo cáo tính đến ngày 24/1 có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), tập trung ở các ngành nghề: dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ...
Có 637.491 lao động (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp, trong đó, chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường.
Theo số liệu của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), số giờ làm việc bình thường giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày.
Nguyên nhân là do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột quân sự giữa Nga — Ukraine; sự cạnh chiến lược giữa các nước lớn; sự gia tăng bảo hộ thương mại; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt...đã làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn bị suy giảm dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng (cả các đơn hàng đã ký và đơn hàng dự kiến), dẫn tới cắt giảm việc làm.
Ở thị trường trong nước, do tác động từ tình hình thế giới dẫn tới giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao; một số nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào nước ngoài không ổn định, đã ảnh hưởng tới khả năng sản xuất, bảo đảm nguồn cung và sức mua trong nước.
Nhận định về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, dự kiến trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại, theo đó tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố thì nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 khoảng 377,7 nghìn người, con số này cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành thâm dụng lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, có thể tiếp tục xảy ra đến hết quý 1/2023, do đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động.
Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, thời điểm sau Tết các doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển dụng một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho năm 2023. Dự báo nguy cơ thiếu hụt lao động sau Tết sẽ tập trung chủ yếu ở các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, ngành gỗ, chế biến thực phẩm…
>>>Nghiên cứu dùng kinh phí công đoàn hỗ trợ lao động mất việc
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết là do người lao động khi về quê nghỉ Tết chưa trở lại ngay, thậm chí có tâm lí ở lại tìm kiếm việc làm.
Trước đó, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra hồi đầu tháng 1, dự báo về tình hình thị trường lao động năm 2023, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cũng thông tin, một số doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường thế giới, quý 1, quý 2 sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.
Đặc trưng của thị trường lao động là trong quý 1, quý 2 thường có số lao động nhảy việc lớn, tuy nhiên nhu cầu tuyển dụng ở một số địa bàn có thể gia tăng, khoảng 350.000 - 400.000 lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật.
Do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng có cùng dự báo, sẽ có thêm khoảng 287.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, bao gồm cả mất việc làm, giảm giờ làm, tạm ngừng việc, hoãn hợp đồng lao động…Theo đó, tình hình quan hệ lao động sẽ có những diễn biến phức tạp, tranh chấp lao động có thể xảy ra nhiều hơn.
Trước những bối cảnh đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, da giày, sản xuất gỗ...) để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.
Bên cạnh đó, sẽ tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm (chi phí đi lại, thông tin tuyên truyền...).
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng cho rằng ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt, bền vững. Người lao động mất việc, giãn việc có thể tìm kiếm việc làm ở khu vực việc làm không chính thức, sau đó, khi thị trường lao động khởi sắc, doanh nghiệp phục hồi thì họ có thể quay trở lại làm việc.
Đối với công tác chăm lo cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các cấp công đoàn, doanh nghiệp và toàn xã hội đồng hành cùng tổ chức hỗ trợ, chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động với nhiều hoạt động phong phú.
Dự kiến hỗ trợ cho khoảng 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ 500.000 đồng/người bằng tiền mặt từ nguồn tài chính công đoàn. Gần 20.000 lượt đoàn viên, người lao động được nhận quà, thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tổng số tiền thăm, tặng quà đoàn viên, người lao động các cấp là gần 23,7 tỷ đồng.
Trước tình hình nhiều đoàn viên, người lao động bị giảm giờ làm việc, mất việc làm diễn ra thời gian qua, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết đến, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng với mức hỗ trợ từ 1 - 3 triệu đồng đối với đoàn viên công đoàn và từ 700.000 đồng đến 2,1 triệu đồng đối với người lao động không là đoàn viên công đoàn.
Có thể bạn quan tâm
Năng suất lao động đưa Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình cao
12:16, 27/01/2023
Người lao động lỉnh kỉnh đồ đạc quay lại TP.HCM làm việc sau Tết
17:56, 26/01/2023
Cơ cấu lại nguồn lực lao động 2023
04:10, 25/01/2023
Hải Phòng: Ấm lòng những chuyến xe đưa người lao động về quê ăn Tết
21:07, 20/01/2023
Cần sớm có gói hỗ trợ “tiếp sức” người lao động và doanh nghiệp
04:00, 20/01/2023