Nhà đầu tư Đức mong muốn hợp tác với doanh nghiệp địa phương
Các doanh nghiệp Đức mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam để gia tăng hàm lượng tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm lên đến 30%.
>>>Điều kiện cần để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Đức
Khai thác hiệp định thương mại tự do EVFTA, bên cạnh việc xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang châu Âu thì ở chiều ngược lại, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao từ châu Âu vào Việt Nam cũng là nội dung quan trọng.
Hiện nay, các dự án đầu tư đăng ký mới từ khu vực châu Âu, trong đó có các dự án đầu tư từ Đức vào Việt Nam đã tăng đáng kể. Không chỉ tăng ở tổng số vốn đầu tư mà quy mô vốn trung bình của dự án cũng tăng thêm, ở mức trên dưới 12 triệu USD/dự án, cao hơn bình quân chung.
Nguồn vốn bổ sung thông qua các dự án đầu tư, hỗ trợ của kênh Chính phủ các nước thành viên EU đã góp phần giúp Việt Nam và các doanh nghiệp nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại, kỹ thuật của EU. Theo các chuyên gia, điều này phản ánh “cuộc chơi” với châu Âu không chỉ là chi phí rẻ mà gắn với tiêu chuẩn, ý thức để đóng góp cho phát triển bền vững. Những dòng tiền đầu tư và hỗ trợ của EU giúp chuyển giao kỹ năng cũng như giúp các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh hành vi theo hướng tương thích và hiện đại hơn.
Bà Đào Thu Trang - Trưởng bộ phận tư vấn chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết: Biến động địa chính trị toàn cầu trong thời gian qua đã khiến doanh nghiệp Đức buộc phải đa dạng hoá chuỗi cung ứng, đa dạng hoá chuỗi sản xuất để giảm phụ thuộc vào một đối tác. Trong sự chuyển hướng đầu tư, các doanh nghiệp Đức đánh giá Việt Nam là thị trường đầu tư thương mại nhiều tiềm năng với vị trí chiến lược quan trọng, nền kinh tế phát triển và dân số trẻ, năng động.
Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu và đã thể hiện vai trò, cam kết, nỗ lực của mình trong việc tăng tính cạnh tranh, minh bạch của môi trường đầu tư với các quốc gia châu Âu và Đức.
Bà Đào Thu Trang thông tin thêm, từ giữa tháng 3 năm 2022 - khi Việt Nam mở cửa trở lại sau dịch bệnh đến nay, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đã hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn của Đức sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đã có 12 dự án khác nhau xin cấp phép. Những ngành nghề doanh nghiệp Đức có nhu cầu đầu tư là ngành sản xuất công nghệ cao, công nghệ thông tin, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, phát triển phần mềm, chế biến thực phẩm, đồ uống, điện tử, đặc biệt là y tế và chăm sóc sức khoẻ.
“Các doanh nghiệp Đức mong muốn đầu tư lâu dài, bền vững tại thị trường Việt Nam và hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để gia tăng hàm lượng tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm sản xuất tại Việt Nam lên đến 30%. Các doanh nghiệp Đức cũng sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kết hợp đào tạo nguồn nhân lực trong nước có tay nghề theo tiêu chuẩn của Đức. Sự hợp tác này giúp doanh nghiệp Việt đẩy mạnh sản xuất, hiện đại hoá và áp dụng công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn Đức để nâng cao cạnh tranh và lớn mạnh bền vững bằng chính nội lực của mình” - bà Đào Thu Trang thông tin.
>>>Doanh nghiệp Đức tin tưởng, tiếp tục đầu tư vào Việt Nam
Trước đó, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đã thực hiện khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Có tới gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam; hơn 64% doanh nghiệp kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn trong 12 tháng tới và 46% doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thêm lao động trong năm nay.
Đặc biệt, các doanh nghiệp Đức thường xuyên tận dụng Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với Singapore, Việt Nam là quốc gia ở ASEAN có Hiệp định thương mại tự do với châu Âu.
Để tiếp tục tận dụng tốt lợi thế trên, thu hút đầu tư từ Đức vào Việt Nam, đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cũng khuyến nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao cạnh tranh năng lực doanh nghiệp địa phương, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng uy tín và bền vững góp phần cùng doanh nghiệp Đức thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hoá lên 30%.
Ngoài ra, có chính sách phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng; sản xuất nguyên liệu phụ liệu trong nước, giảm chi phí losgictic góp phần để các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất; phát triển năng lượng xanh, công nghệ thân thiện với môi trường có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư cũng như yêu cầu, quy định mà châu Âu đề ra với xuất khẩu từ Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Sẽ có làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Đức vào lĩnh vực dệt may
00:01, 10/06/2019
Nhiều doanh nghiệp Đức muốn “thổi hồn” công nghệ 4.0 vào Hải Phòng
00:00, 21/11/2018
Doanh nghiệp Đức tin tưởng, tiếp tục đầu tư vào Việt Nam
00:58, 10/06/2022
Việt Nam là cửa ngõ đầu tư của doanh nghiệp Đức tại ASEAN
11:00, 03/05/2018
Hàng trăm nghìn doanh nghiệp Đức đối mặt khủng hoảng thiếu người kế vị
07:38, 27/03/2018