“Vé thông hành” cho nông sản xuất khẩu

HẠNH LÊ thực hiện 19/02/2023 03:00

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của nước ta đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản xuất khẩu.

>>Nông sản Việt có nhiều thế mạnh xây dựng thương hiệu xuất khẩu
Đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng là một trong những yêu cầu tiên quyết để nông sản Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gia tăng xuất khẩu chính ngạch và bền vững sang Trung Quốc và các thị trường khác. 

Trao đổi với DĐDN, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm của nước ta đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản xuất khẩu. Động thái này đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng hoàn thiện hồ sơ để sớm được phê duyệt mã số vùng trồng, thúc đẩy xuất khẩu.

- Thị trường Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng nông sản nhập khẩu đã góp phần thay đổi tư duy và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu, thưa ông?

Thực hiện Lệnh 248, Lệnh 249, các nông sản có nguồn gốc thực vật trước khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều phải đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phía Trung Quốc đã đưa ra nhiều các chủ trương, chính sách mới.

Cụ thể, nông sản xuất khẩu của Việt Nam cần đáp ứng các nội dung như: nông sản xuất khẩu không được nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng cần phải kiểm soát của Trung Quốc; đáp ứng đầy đủ các quy định về ký các Nghị định thư, đảm bảo đầy đủ các điều kiện kiểm soát về kiểm dịch thực vật cũng như an toàn thực phẩm đối với từng loại hàng hóa; đáp ứng đầy đủ các quy định về mức tồn dư tối đa cho phép đối với hàng hóa trước khi xuất khẩu, không sử dụng các hóa chất cấm của Trung Quốc.

Cục Bảo vệ Thực vật đã xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở về việc quản lý và cấp mã số vùng trồng; tiêu chuẩn cơ sở về quản lý và cấp mã số cơ sở đóng gói để đáp ứng đầy đủ các điều kiện của nước nhập khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Các doanh nghiệp, tổ chức xuất khẩu cần phải kiểm soát tốt dịch hại trên đồng ruộng, trong quá trình thu hái, bảo quản sản phẩm; tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình thu hái, sơ chế, chế biến, hạn chế các tồn dư hóa chất trong nông sản, đáp ứng đầy đủ các quy định của thị trường Trung Quốc.

Chúng tôi đã phân cấp để các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, quản lý, giám sát và cấp mã số theo các quy định của nước nhập khẩu.

 Vườn vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, xuất khẩu đi Mỹ ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Khương Lực.

Vườn vải sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, xuất khẩu đi Mỹ ở tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Khương Lực.

- Nhu cầu nhập khẩu nông sản của Trung Quốc rất lớn nhưng theo một số doanh nghiệp, việc cấp mã số vùng trồng còn chậm và ít so với quy mô, tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam?

Các mã số vùng trồng đáp ứng điều kiện nhập khẩu được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp sẽ được gửi lên Cục Bảo vệ thực vật để thẩm duyệt lại và gửi cho phía bạn, nhất là Tổng cục Hải quan Trung Quốc để phê duyệt. Nhận được hồ sơ từ Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tổ chức triển khai ngay. Thậm chí, trong năm 2022, Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch COVID–19 nhưng phía bạn vẫn phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật để tiến hành kiểm tra online các hồ sơ, các mã số đã được phía Việt Nam giới thiệu.

Đến nay Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 435 mã số đăng ký cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các nhóm hàng hóa, gồm ngũ cốc làm thực phẩm; rau tươi, rau tách nước; gia vị có nguồn gốc tự nhiên; quả hạch và các loại hạt; trái cây sấy khô; trái cây đông lạnh... Cũng trong năm 2022, chúng ta đã ký được Nghị định thư mở cửa cho 8 loại nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Cục Bảo vệ Thực vật hiện đang phối hợp chặt chẽ với Hải quan Trung Quốc, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để tổng hợp các hồ sơ mà chúng ta đã nộp để thúc đẩy nhanh việc phê duyệt.

- Cục Bảo vệ thực vật có khuyến cáo gì với doanh nghiệp trong việc tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến cấp mã số vùng trồng, thưa ông?

Trong thời gian tới, để phía bạn phê duyệt sớm hồ sơ cấp mã số vùng trồng, các doanh nghiệp, tổ chức cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật để nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ và gửi sang Hải quan Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các sở và doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, bám sát các quy định, yêu cầu mà Cục Bảo vệ Thực vật đã hướng dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Trong quá trình đăng ký, hoàn thiện hồ sơ phải làm rõ các yêu cầu, yếu tố, thành phần hồ sơ đảm bảo quy định của Hải quan Trung Quốc. Đặc biệt, các nhóm mặt hàng đăng ký qua cổng trực tuyến, các thông tin chỉ cần sai lệch, không đúng thì hệ thống sẽ từ chối phê duyệt. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hồ sơ của chúng ta.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Nông sản Việt có nhiều thế mạnh xây dựng thương hiệu xuất khẩu

    Nông sản Việt có nhiều thế mạnh xây dựng thương hiệu xuất khẩu

    03:00, 16/02/2023

  • Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ là trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam

    Quảng Tây (Trung Quốc) sẽ là trọng điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam

    00:36, 15/02/2023

HẠNH LÊ thực hiện