TP.HCM: Lo ngại tình trạng thất nghiệp gia tăng
Không có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động ở những ngày cuối năm 2022, thì đầu năm 2023, tình trạng này lại tiếp tục lặp lại.
>>TP.HCM hướng dẫn quy trình hưởng trợ cấp thất nghiệp
Đáng chú ý, những lao động này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực may mặc, da giầy… có độ tuổi cao, từng gắn bó với doanh nghiệp lên tới hàng chục năm, nhưng buộc phải chia tay vì doanh nghiệp không có đơn hàng.
Đơn cử, ngày 19/2/2023, thông tin từ Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết do gặp khó khăn đơn hàng, trong tháng 2, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam với tổng số lao động khoảng 50.500 lao động, nhưng buộc phải cắt giảm hơn 2.000 công nhân. Số lao động bị cắt giảm thuộc nhóm phải nghỉ chờ việc, luân phiên kéo dài do một nhãn hàng giày rút đơn hàng từ năm ngoái. Công ty đã cố gắng sắp xếp nhưng không thể đảm bảo công việc cho số lượng lớn lao động bị ảnh hưởng, đơn hàng sắp tới cũng không dự báo được. Do đó, một số chuyền thuộc khu C và D phải giải thể.
Về chế độ cho người lao động, phía công đoàn đề nghị hỗ trợ 0,8 tháng lương căn bản cho mỗi năm làm việc. Hiện phía công ty gửi phương án chờ tập đoàn quyết định.
Theo thông tin từ Tập đoàn Pou Chen (công ty mẹ của Pou Yuen) tại Việt Nam, tập đoàn này đang xem xét mức hỗ trợ tốt nhất cho người lao động. Phương án của công đoàn là hỗ trợ tương tự như đợt cắt giảm năm 2020. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khác ba năm trước khi tình hình sản xuất của tập đoàn gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế. Vì vậy nguồn lực tài chính khó khăn hơn nhiều.
Theo phản ánh của các công nhân, đa số trong số họ có thâm niên gần 20 năm làm việc ở Pou Yuen (khu D), cho nên từ khi nhận tin bị cắt giảm, bản thân rất lo lắng. Về phương án hỗ trợ, ban đầu công ty dự kiến sẽ trả cho mỗi người mất việc 3 tháng lương, sau đó tăng lên 5 tháng. Tuy nhiên thông tin mới nhất là khoản hỗ trợ tính theo số năm làm việc, cứ một năm lao động nhận 0,88 tháng lương. Nếu phương án này được chốt, thì người lao động nhận khoảng 160 triệu đồng tiền hỗ trợ - người lao động cho hay.
Liên quan tới vụ việc nêu trên, đại diện Liên đoàn lao động quận Bình Tân, cho biết lý do ít đơn hàng nên năm 2023, nhà máy Pou Yuen sẽ không tái ký hợp đồng với khoảng 3.000 người đã làm thời gian 1-3 năm. Hiện, công ty chưa có phương án hỗ trợ cho nhóm này. Theo luật, khi hết hợp đồng và chưa có việc làm mới, người lao động sẽ nhận trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Về phía chính quyền TP, trước việc Pou Yuen giảm lao động, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, đã chỉ đạo UBND quận Bình Tân theo dõi, giám sát chặt tình hình sản xuất, việc làm của người lao động tại công ty này. Thành phố cũng đề nghị các đơn vị liên quan nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hỗ trợ người lao động... Trung tâm dịch vụ việc làm phối hợp kết nối để giới thiệu việc làm cho công nhân mất việc.
Theo tìm hiểu của PV DĐDN, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam thuộc Tập đoàn quốc tế Pou Chen Đài Loan, hoạt động ở lĩnh vực sản xuất da giày. Đây là công ty đông lao động nhất ở TP.HCM. Hiện nay, số lao động của nhà máy lên đến hơn 50.500 người. Cuối năm ngoái, công ty này đã cho gần 20.000 lao động nghỉ luân phiên một ngày trong tuần do tình hình đơn hàng khó khăn.
>>Công nhân mất việc và đường về quê mẹ
Trước đó, vào tháng 6/2020, Công ty Pou Yuen cũng chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 2.800 công nhân và chi trả trợ cấp thôi việc với mỗi năm làm việc một tháng lương. Nhiều người làm 17-18 năm được nhận trợ cấp thôi việc tương đương 17-18 tháng lương, sau khi trừ thuế còn khoảng 150-180 triệu đồng. Công nhân gắn bó trên 20 năm nhận trợ cấp hơn 250 triệu đồng.
Tương tự, ngày 2/11/2022, Công ty TNHH Tỷ Hùng hoạt động trong lĩnh vực ngành sản xuất giày da xuất khẩu, đóng tại P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM, với tổng số lao động là 1.822 công nhân lao động hiện đã thông báo chấm dứt hợp đồng với 1.185 lao động.
Theo thông báo của Công ty Tỷ Hùng, do ảnh hưởng kinh tế thế giới, các đối tác gặp khó khăn, công ty không có đơn hàng sản xuất. Theo đó, Công ty Tỷ Hùng sẽ thu hẹp toàn bộ khối sản xuất và một số đơn vị gián tiếp phục vụ sản xuất, chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 1.185 lao động kể từ ngày 1/12/2022. Trong đó có 936 lao động có hợp đồng vô thời hạn và 249 lao động có hợp đồng 1 năm.
Theo số liệu thống kê, cuối năm 2022, TP.HCM ghi nhận hơn 110.000 lao động mất và thiếu việc do doanh nghiệp giảm đơn hàng, trong đó, 6.300 công nhân bị cắt giảm. Công đoàn thành phố dự báo năm 2023, đơn hàng ở một số ngành, doanh nghiệp giảm đến 40%, đơn giá giảm 20%, việc làm của người lao động tiếp tục bị ảnh hưởng.
Như vậy, với những lý do thiếu đơn hàng khiến các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, chính là những lo ngại về tình trạng lao động thất nghiệp trên địa bàn TP.HCM, đang có chiều hướng gia tăng.
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất sửa quy định về Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động
03:30, 07/02/2023
Kiến nghị trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp "giữ chân" lao động
10:25, 07/12/2022
TP.HCM hướng dẫn quy trình hưởng trợ cấp thất nghiệp
00:53, 21/11/2022
Thiếu giáo viên nhưng sinh viên tốt nghiệp sư phạm lại thất nghiệp?
04:00, 07/11/2022
Bình Phước: Bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo kịp thời
21:52, 08/12/2021
Tỷ lệ thất nghiệp tại Đà Nẵng thuộc top đầu của cả nước
12:06, 30/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Triển khai Nghị quyết của UBTVQH về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
21:08, 20/04/2022