Cần chiến lược mới phát triển ngành dầu khí
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị làm rõ về tình hình thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, phương hướng hiện thực.
>>>Thêm cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực dầu khí
Chiều ngày 27/02, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành Dầu khí. Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Cho đến nay, Nghị quyết 41-NQ/TW đã được triển khai được gần 8 năm. Trước bối cảnh và hình hình mới với rất nhiều thay đổi so với những dự báo trước đây. Đồng thời, xuất phát từ yêu cầu cấp bách để tạo điều kiện cho sự phát triển đối với ngành Dầu khí Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) nói riêng trong thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Đề án đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW để trình Bộ Chính trị trong Quý II năm 2023.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các đại biểu tham dự buổi làm việc báo cáo, trao đổi và thảo luận một số vấn đề như: Làm rõ về tình hình thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 về kết quả đạt được; những khó khăn vướng mắc, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đặc biệt là những vướng mắc chủ trương, cơ chế, chính sách lớn cần Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm, tháo gỡ để Petrovietnam nói riêng cũng như ngành Dầu khí Việt Nam nói chung phát triển trong thời gian và bối cảnh tình hình mới.
Đồng thời, nhận diện, phân tích và làm rõ về bối cảnh và tình hình mới (so với giai đoạn trước khi ban hành Nghị quyết 41) sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn PVN, nhất là các về xu hướng về chuyển dịch năng lượng, xanh hóa và thông minh hóa.
Làm rõ về định hướng mở rộng các lĩnh vực hoạt động của Petrovietnam gắn với việc tái cơ cấu để trở thành tập đoàn công nghiệp - năng lượng phát triển bền vững, trong đó, cần làm rõ hơn những tiềm năng, lợi thế của PVN trong việc phát triển NLTT, đặc biệt với điện gió ngoài khơi. Việc khai thác hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng kho cảng dầu khí cũng như khả năng phát huy kinh nghiệm hoạt động dầu khí để làm dịch vụ chế biến, chế tạo các cấu kiện thiết bị, xây lắp công trình năng lượng, điện gió ngoài khơi…; các đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 41-NQ/TW.
>>>"Bộ ba bất khả thi" cản đường doanh nghiệp dầu khí
Báo cáo với Đoàn công tác về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, tình hình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển ngành Dầu khí Việt Nam theo yêu cầu tại Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết, sau 8 năm thực hiện Nghị quyết, Petrovietnam phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là “khủng hoảng kép” từ đại dịch Covid-19 và giá dầu suy giảm, diễn biến bất thường; song, năm 2019 Tập đoàn đã “về đích an toàn” và năm 2020 “ngoạn mục vượt khó”; năm 2021, Tập đoàn không chỉ “phục hồi tăng trưởng” mà còn “tăng tốc phát triển” và nhất là 2022, Tập đoàn đã đạt nhiều kỷ lục trong suốt quá trình phát triển (về sản lượng khai thác, sản xuất phân đạm, doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách…); giá trị thương hiệu Petrovietnam ngày càng tăng, nâng cao lòng tin của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự tin yêu của nhân dân.
Tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2022, Tập đoàn gặp nhiều khó khăn nhất trong lịch sử 61 năm hình thành và phát triển, một số chỉ tiêu chiến lược chưa đạt do những vướng mắc về cơ chế, chính sách. Tổng giám đốc Petrovietnam nêu rõ những vấn đề, nội dung cần thiết phải ban hành nghị quyết mới về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2045 thay thế Nghị quyết 41-NQ/TW để Tập đoàn tiếp tục phát triển bền vững, trở thành tập đoàn công nghiệp – năng lượng trong giai đoạn mới.
Tại hội nghị, các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành liên quan đã tập trung vào: Thực trạng tình hình hoạt động của Tập đoàn trong thời gian qua; cơ chế chính sách để tăng cường thu hút các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước vào phát triển ngành Dầu khí. Làm rõ những tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân của thực trạng, cũng như đề xuất một số giải pháp trọng tâm liên quan.
Nhiều ý kiến tại Hội nghị đồng tình cao với việc đề xuất Bộ Chính trị ban hành chủ trương, định hướng chiến lược mới cho phát triển ngành dầu khí Việt Nam nói chung và Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam nói riêng.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong thời gian qua cũng như đồng tình với nội dung phân tích, kiến nghị và đề xuất của Petrovietnam và các bộ, ngành về hoàn thiện thể chế cho phát triển ngành dầu khí, các cơ chế, chính sách đặc thù riêng, bảo đảm nguồn vốn cho phát triển Tập đoàn, về chuyển đổi số, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững ngành dầu khí và tập đoàn…
Ông Trần Tuấn Anh đề nghị Petrovietnam phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp tục đánh giá toàn diện các vấn đề theo nội dung của Nghị quyết 41-NQ/TW để bổ sung cơ sở đề xuất, kiến nghị cho Đề án.
Đồng thời đề nghị các bộ, ngành liên quan cần đặc biệt chú trọng phối hợp với Petrovietnam có ý kiến cụ thể, sâu hơn về các nội dung quan trọng trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án. Trưởng Ban Trần Tuấn Anh giao cho Tổ Biên tập xây dựng Đề án tổng hợp, tiếp thu ý kiến trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc để nghiên cứu, chắt lọc tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo Đề án trong thời gian sớm nhất trình Bộ Chính trị.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, ông Hoàng Quốc Vượng, Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch hội đồng thành viên Petrovietnam báo cáo, bên cạnh những thuận lợi trong việc triển khai thực hiện nghị quyết 41-NQ/TW, đã xuất hiện những khó khăn, thách thức lớn tác động tới hoạt động, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển bền vững trong dài hạn của Tập đoàn. Cụ thể, đó là những khó khăn, thách thức về phạm vi, địa bàn hoạt động, liên quan tới cơ chế chính sách; là các thách thức do tác động của quá trình chuyển dịch năng lượng; và về thị trường. Những khó khăn, thách thức này cần được rà soát đánh giá toàn diện để trên cơ sở đó đề xuất với Đảng và Nhà nước về các điều chỉnh chiến lược phát triển của Tập đoàn trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Thêm cơ chế thu hút đầu tư lĩnh vực dầu khí
05:00, 28/12/2022
Doanh nghiệp và cổ phiếu ngành dầu khí: Một chu kỳ mới sắp bắt đầu
16:13, 24/12/2022
4 yếu tố giúp các doanh nghiệp phân phối Dầu khí phục hồi mạnh mẽ
03:00, 20/12/2022
Dầu khí: Sự lựa chọn hấp dẫn trong thị trường nhiễu động
04:30, 17/12/2022
Tối đa hóa chuỗi giá trị trong lĩnh vực dầu khí
01:00, 02/12/2022
"Bộ ba bất khả thi" cản đường doanh nghiệp dầu khí
04:10, 27/10/2022