Thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam cần chuẩn bị gì?
Chậm trễ trong việc triển khai Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế và cả thuế bổ sung, đồng thời giảm thiểu khả năng cạnh tranh.
>>>Áp thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư
Dù ở vị thế đầu tư hay nhận đầu tư, các quốc gia đều đang có những động thái trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu. Không hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai Thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế và cả thuế bổ sung nếu phát sinh, đồng thời giảm thiểu khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.
Cuối tháng 12/2022, Liên minh Châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ 2024. Trong khu vực, các nước Malaysia, Singapore, hay Hong Kong đang ở rất gần việc chính thức áp dụng chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024 và 2025. Các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản cũng ban hành các quy tắc thuế mới hay thông báo Dự thảo cải cách thuế nhằm tiến tới việc áp dụng từ năm tài chính 2024. Tác động của chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những động thái kịp thời trước khi quá muộn.
Những giải pháp cân nhắc
Trước mắt, Việt Nam có thể cân nhắc giải pháp áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn (Qualified Domestic Minimum Top-up Tax - QDMTT) để giành quyền thu phần Thuế bổ sung trước các quốc gia khác. Nói một cách dễ hiểu, QDMTT là cơ chế nội địa trong đó việc tính toán lợi nhuận thặng dư và thuế tối thiểu được áp dụng tương đương với các quy định tại Trụ cột hai theo hướng dẫn của OECD. Đây là biện pháp mà một số quốc gia như Hong Kong, Singapore, Malaysia đã công bố ý định áp dụng.
Là biện pháp phản ứng nhanh, việc áp dụng QDMTT cũng cần được cân nhắc chỉ nên áp dụng cho các đối tượng là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Trụ cột hai, tức là các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia có quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu hàng năm trên 750 triệu EUR. Việc áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có thể gây tác động tiêu cực đến các công ty không thuộc phạm vi Trụ cột hai mà đang được hưởng các chính sách ưu đãi hiện hành tại Việt Nam.
Liên quan đến việc hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến việc thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể cân nhắc ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi theo chi phí nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang áp dụng ưu đãi thuế chịu tác động từ Trụ cột hai. Hiện tại, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các ưu đãi theo thu nhập như ưu đãi về thuế suất và miễn giảm thuế, chưa phổ biến các ưu đãi theo chi phí đặc biệt là hình thức ưu đãi trợ cấp bằng tiền.
Ưu đãi bằng tiền có thể thực hiện bằng cách hỗ trợ một phần chi phí của nhà đầu tư vào các cơ sở vật chất máy móc nhà xưởng, nhân lực, hoặc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, sở hữu trí tuệ. Chính phủ một số quốc gia tại châu Á, châu Âu đã và đang cung cấp các khoản ưu đãi bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án trong một số lĩnh vực nhất định. Đây được đánh giá là một biện pháp khá hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực ưu tiên.
Tại Việt Nam, việc cân nhắc ưu đãi bằng tiền hoặc tương đương nên được xem xét trên cả khía cạnh ưu điểm và nhược điểm trong bối cảnh riêng của đất nước.
>>>Tác động và ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu
Ưu đãi bằng tiền - “cánh cửa” cho Việt Nam
Về ưu điểm, loại hình ưu đãi này có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Thuế tối thiểu toàn cầu. Khi Trụ cột hai đi vào thực tiễn, các ưu đãi với mức thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không còn nhiều tác dụng, cộng thêm việc doanh nghiệp thường phát sinh chi phí đầu tư lớn ban đầu, tất cả trở thành bất lợi lớn cho hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, việc được hỗ trợ bằng tiền sẽ thúc đẩy các hoạt động đầu tư thực chất do doanh nghiệp sẽ được trừ một tỷ lệ nhất định theo giá trị còn lại của tài sản hữu hình và chi phí trả lương khi tính toán thuế phải nộp bổ sung. Việc đưa ra các hình thức hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực tăng trưởng xanh cũng là cách khuyến khích việc chuyển đổi năng lượng sạch và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết theo COP26.
Hình thức ưu đãi bằng tiền cũng sẽ giúp tạo ra cơ sở kinh tế ổn định, hạn chế tình trạng chuyển dịch lợi nhuận hoặc đầu tư ngắn hạn như đối với ưu đãi theo lợi nhuận. Mặc dù các khoản ưu đãi bằng tiền có thể sẽ phải trả trước từ ngân sách, nhưng sẽ dễ ước tính hơn dựa trên giá trị đầu tư, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, ngoài ra có thể được thiết kế theo hướng chi trả nhiều lần để phù hợp cho việc hoạch định ngân sách.
Những câu hỏi cần lời giải
Ảnh hưởng lên ngân sách quốc gia là quan ngại chính của các nước đang phát triển do vấn đề ngân sách hạn chế và khó khăn trong việc phát sinh chi trả trước. Đó là chưa kể đến việc ban hành cơ chế ưu đãi mới có thể gia tăng số lượng thủ tục hành chính về mặt quản lý, ví dụ như thủ tục xin áp dụng ưu đãi, thủ tục xét duyệt, quản lý hành chính, cũng như hậu kiểm để đảm bảo cơ chế ưu đãi được thực hiện hợp lý, đúng mục tiêu, không phát sinh thất thoát.
Việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu đã đến rất gần và Việt Nam cần sớm cân nhắc và thực hiện các hành động quyết liệt trong bối cảnh nhiều quốc gia sẽ áp dụng chính sách về Thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024. Đặc biệt, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thuế suất tối thiểu toàn cầu nên sớm triển khai đánh giá tác động và nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý nội luật liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, để đảm bảo các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được thực thi hiệu quả.
Chúng tôi lưu ý rằng, việc ban hành bất cứ chính sách hoặc cơ chế mới nào cũng cần được xem xét cẩn trọng để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp thuộc phạm vi và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Trụ cột hai, đảm bảo thống nhất với quy định về bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư hiện tại, cũng như không vi phạm các cam kết quốc tế và quy định của OECD mà Việt Nam đang tham gia.
Có thể bạn quan tâm
Áp thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư
13:02, 24/02/2023
24/2: Hội thảo khoa học về Thuế tối thiểu toàn cầu
11:08, 20/02/2023
Gấp rút nội luật hoá Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu để không bị "bỏ lại phía sau"
10:56, 18/02/2023
Tác động và ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu
14:30, 17/02/2023