TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Chủ động nhận diện khó khăn trong giai đoạn mới
Viện trưởng CIEM cho rằng, nhà nước phải có những cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các quy trình sản xuất kinh doanh đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn.
>>TÁI ĐỊNH VỊ DOANH NGHIỆP: Tập trung phát triển nhanh, xanh, bền vững
Phát biểu tại Diễn đàn "Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững", bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, trải qua hai năm rưỡi ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong và ngoài nước.
Cụ thể, tình hình thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định. Cuộc xung đột Nga – Ucraina vẫn còn rất diễn biến hết sức căng thẳng và bất định. Bên cạnh đó, thị trường tài chính ngân hàng ở một số nền kinh tế (như Mỹ, Thụy Sỹ…) đã có những xáo trộn không nhỏ do hệ lụy từ những vụ việc của các ngân hàng Silvergate Bank, Silicon Valley Bank, Signature Bank, Credit Suisse.
Đáng lo ngại, tình hình lạm phát tăng ở nhiều quốc gia sẽ diễn biến trầm trọng hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo cập nhật tháng 3/2023 của Ngân hàng Thế giới đã dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể tăng trưởng ở mức 6,3%.
Bên cạnh đó, bà Minh đã chỉ ra 4 khó khăn, thách thức chính mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Cụ thể, thứ nhất, theo bà Minh, trên bình diện chung, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, đã xuất hiện tình trạng suy giảm các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành may mặc, da giầy…vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. "Trong nửa đầu năm 2023, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ chậm lại do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực EU yếu đi, trong khi lộ trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn nhiều bất định", bà Minh đánh giá.
Mặc dù vậy, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi từ nửa cuối năm, qua đó đem lại nguồn lực mới cho doanh nghiệp vượt qua thách thức trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn. Cụ thể, bà Minh cho biết, vào cuối tháng 3/2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất đối với Chiến lược Dệt may mới của EU, là một phần trong kế hoạch hành động lớn hơn về một nền kinh tế tuần hoàn.
Theo nghiên cứu của CIEM, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm đầu tiên phải tuân theo các tiêu chí thiết kế sinh thái, trong khi ngành da giày phải đáp ứng các yêu cầu ở giai đoạn sau. Dù có nhận thức tốt hơn về các yêu cầu, tiêu chuẩn phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhìn nhận đây là một khó khăn không nhỏ để duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Đồng thời, bà Minh cho rằng, nhà nước phải có những cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện các quy trình sản xuất kinh doanh đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn.
Thứ ba, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta đều biết, khoảng 97-98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp này đều gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính chính thức. Mặt khác, những khó khăn trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu thời gian vừa qua đã làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thông qua các kênh này.
Thứ tư, là việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới. Hiện nay, theo thống kê, trình độ/chất lượng kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm được cải thiện. Điều này đòi hỏi chính sách của nhà nước liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực tại các cấp cần phải thay đổi để hỗ trợ cho doanh nghiệp có nguồn nhân lực phù hợp.
>>[TRỰC TIẾP] Diễn đàn Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững
Do đó, để giải quyết các thách thức nêu trên, bà Minh cho biết, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới.
Theo khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn thiếu hiểu biết đầy đủ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật vào các thị trường xuất khẩu. Thông tin từ EuroCharm cho biết, hầu hết hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chưa được nhận diện thương hiệu do các doanh nghiệp chưa ý thức được đúng tầm quan trọng cảu tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu hay tiêu chuẩn chất lượng làm giảm sự cạnh tranh trong ngắn và dài hạn.
"CIEM đã phối hợp với VCCI đã tổ chức nhiều buổi hội thảo để tập huấn, phổ biến quy định pháp luật, tạo cơ hội để doanh nghiệp nhận diện các cơ hội và thách thức khi có chiến lược mở rộng xuất khẩu sang EU và các thị trường khác", bà Minh nói
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững. Cụ thể, Việt Nam cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thông qua giảm phát thải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.
Đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Bà Minh cho rằng cần duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá tiếp tục là những ưu tiên quan trọng để hỗ trợ và tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp. Điểm quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với doanh nghiệp cần tiếp cận vốn thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Theo đó, Chính phủ cũng cần sớm ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ năm, phát động chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong năm 2022, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tham mưu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ Đề án Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động. Trong đó, một số trọng tâm quan trọng là thúc đẩy năng suất lao động gắn với chuyển đổi số, các sáng kiến liên kết vùng, và tạo động lực để chuyển khu vực phi kinh tế chính thức sang hoạt động chính thức.
Có thể bạn quan tâm