Doanh nghiệp mất nhiều thời gian hoàn thiện giấy phép lao động nước ngoài
Yêu cầu chưa rõ ràng, hướng dẫn thiếu nhất quán… là những rào cản trong việc cấp phép lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
>>>Kiến nghị "nới" giấy phép cho lao động nước ngoài
Theo ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các thủ tục cấp giấy phép lao động hiện tại cần được đơn giản hóa. Đây là giải pháp để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Sẽ không hợp lý chút nào khi những người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm, đã từng được cấp nhiều giấy phép lao động lại bị từ chối gia hạn giấy phép lao động chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục.
Đại diện EuroCham kiến nghị, cần đơn giản hóa các rào cản về thủ tục hành chính và mở đường dẫn đến thành công. Điều này có thể đạt được thông qua sửa đổi Bộ luật Lao động và Nghị định 152 cho phép Việt Nam sử dụng tối đa lực lượng lao động đa dạng, tài năng, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Đồng quan điểm, ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ: các yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Nhiều tổ chức nước ngoài đang có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam chưa có người bảo lãnh để xin cấp thị thực vào Việt Nam cho lao động nước ngoài của mình. Đại diện AmCham đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp giấy phép lao động.
Đề cập cụ thể hơn về những bất cập, rào cản này, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết: KoCham đã nhận được phản ánh vướng mắc về quy trình cấp giấy phép lao động, từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp giấy phép mất rất nhiều thời gian. Ngay cả sau khi nộp hồ sơ lần đầu, nhiều trường hợp phải bổ sung, sửa đổi hồ sơ thường phải mất 2-3 tháng mới được cấp Giấy phép lao động, thậm chí có những trường hợp mất hơn 6 tháng do phải thực hiện các thủ tục bổ sung. Trường hợp phải bổ sung hồ sơ, doanh nghiệp sẽ xử lý nhanh hơn nếu được hướng dẫn nhất quán ngay từ đầu.
Từ thực tế này, KoCham đề nghị cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn chính xác, nhất quán liên quan đến hồ sơ phải nộp. Kể từ tháng 2/2021, điều kiện cấp giấy phép lao động đã được thắt chặt hơn theo quy định của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP khiến cho người lao động sẽ không được cấp giấy phép lao động theo diện chuyên gia nếu kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tương ứng không đủ từ 3 năm trở lên.
Đại diện KoCham đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về văn bản, giấy tờ xin cấp giấy phép lao động diện nhà quản lý và chuyên gia cũng như xem xét để thống nhất các văn bản, giấy tờ ở tất cả các địa phương.
Những bất cập, rào cản trong cấp giấy phép lao động được đại diện các doanh nghiệp Vương quốc Anh tại Việt Nam đề cập. Việc áp dụng nghiêm ngặt các quy định liên quan đến thị thực, giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người lao động cũng như nhà đầu tư nước ngoài là khó khăn với nhà đầu tư. Điều này khiến một bộ phận các nhà đầu tư đang mất niềm tin vào cam kết của Việt Nam về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho lao động nước ngoài được nhập cảnh, làm việc tại các doanh nghiệp Anh quốc.
>>>Các dự án điện gió gần hoàn thành mới làm giấy phép cho người lao động nước ngoài
Trước những bất cập từ thực tế mà các nhà đầu tư nước ngoài phản ánh, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: với lực lượng lao động nước ngoài ở Việt Nam có 3 đối tượng cần quan tâm là chuyên gia, quản lý và người lao động trình độ cao. “Chúng tôi xác định đây là lực lượng rất quan trọng. Chủ trương của Chính phủ Việt Nam là luôn trân quý và sự dụng có hiệu quả lực lượng này, vừa phục vụ yêu cầu trong nước, vừa tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển” - Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội luôn lắng nghe các ý kiến góp ý và sẽ tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Nghị định 152 vào cuối quý III/2023 theo hướng bảo đảm tiêu chuẩn, xác định rõ 3 đối tượng chuyên gia, quản lý và người lao động trình độ cao theo hướng cởi mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng này. Về trình độ, thủ tục, hồ sơ, phấn đấu đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, thời gian, phân cấp ngắn nhất để tạo điều kiện nhanh nhất có thể cho những người lao động nước ngoài.
Để Nghị định 152 sửa đổi đảm bảo tính thực thi, trong quý II, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ lấy ý kiến đề xuất cụ thể của các hiệp hội, các doanh nghiệp, các đơn vị… từ đó đưa ra những phương án, giải pháp khả thi, thiết thực và thuận lợi.
Trong 3 đối tượng chuyên gia, quản lý và người lao động trình độ cao thì chuyên gia, quản lý sẽ được ưu tiên hàng đầu.Đối với những trường hợp trước đây đã được cấp phép, chẳng hạn được cấp phép 5 năm nhưng nay chuyển sang là chuyên gia, không đủ điều kiện, không đủ tiêu chuẩn thì vẫn có thể xem xét, hạn chế việc cấp phép lại trên tinh thần tạo mở, tạo điều kiện cho đối tượng này.
Có thể bạn quan tâm
VBF 2023: KoCham kiến nghị hướng dẫn chính xác, nhất quán thủ tục cấp giấy phép lao động
19:45, 19/03/2023
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Trường hợp lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động
18:00, 05/01/2021
Cần thiết cho nhập cảnh và cấp giấy phép lao động đối với các trường hợp lao động đặc biệt
12:44, 09/05/2020
Dự thảo Luật lao động (sửa đổi): Quy định về thời hạn của Giấy phép lao động làm khó doanh nghiệp
06:00, 09/08/2019