Doanh nghiệp "ngại" thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)
Các doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng việc tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay vẫn chưa thực sự cần thiết và các tiêu chí đưa ra cũng chưa hợp lý.
>>Kẽ hở phát hành trái phiếu bất động sản
Việc Bộ Tài chính muốn lấy ý kiến về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) trong đó bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia đã tạo áp lực cho cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều đơn vị cho rằng việc sửa đổi, tăng thuế lúc này là chưa cần thiết và hơn hết, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Theo bà Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển bền vững Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam bày tỏ quan ngại về khái niệm đồ uống có đường và nước giải khát không cồn là bao gồm những sản phẩm nào? Bà Tâm băn khoăn về các sản phẩm như nước uống thể thao, nước uống điện giải hay nước giải khát có chứa trà, cà phê.
“Chúng tôi không hiểu mục đích của việc đánh thuế các sản phẩm này và tại sao phải hạn chế sử dụng trong khi cần phải khuyến khích? Các sản phẩm nước uống thể thao, điện giải là những sản phẩm cần khuyến khích sử dụng cho người dân khi hoạt động thể chất, khi đánh thuế vào các mặt hàng này là đang đi ngược với khuyến nghị giảm thừa cân, béo phì. Thứ hai, trà và cà phê là những mặt hàng nông sản quan trọng của Việt Nam cần được khuyến khích phát triển, việc uống trà, cà phê là văn hóa, nét đẹp của người dân nên việc đánh thuế các sản phẩm này sẽ ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp và thu nhập của người dân”, bà Tâm nói.
Cùng quan điểm, ông Dương Như Quang, Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà Ninh Bình cho rằng năm 2023 và những năm tiếp các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể phục hồi kịp. Ông Quang nhìn nhận vẫn còn nhiều thách thức về kinh tế, thu nhập, giá cả tăng cao, suy thoái kinh tế,... đã tác động đến doanh nghiệp.
“Kinh doanh ngành đồ uống trong giai đoạn dịch bệnh từ nhà sản xuất đến nhà thương mại gặp nhiều khó khăn, trên lĩnh vực thương mại thì việc bán bia, rượu, nước giải khát dường như “đóng băng” vì nhà hàng, khách sạn đều tạm dừng hoạt động, nhân viên không làm việc được. Và doanh nghiệp cũng đã chịu khó khăn chung. Năm 2022, khi chưa kịp phục hồi thì xung đột thế giới xảy ra, giá cả xăng dầu tăng, nguyên liệu sản xuất đầu vào cũng tăng nên các hãng tăng giá, từ đó chúng tôi cũng phải tăng giá khiến người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng”, ông Quang cho biết.
Đầu năm 2023, việc kinh doanh đồ uống, bia, rượu vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì sức mua giảm mạnh. Vì vậy, ông Dương Như Quang đề xuất cần xem xét lại, hoãn thời hạn tăng thuế TTĐB, tinh giảm thủ tục,... để hỗ trợ doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi.
Ông Trần Quang Phước, Đại diện một nhà phân phối nước giải khát, bia, rượu tại Đà Nẵng dẫn chứng rằng giá cả các mặt hàng đang tăng cao gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng và nhà phân phối. Điển hình, ông Phước lấy ví dụ giá bia đã tăng 10% trong năm 2022, cao hơn mức lạm phát và thu nhập bình quân đầu người.
“Các doanh nghiệp kinh doanh ngành bia, rượu đã bị ảnh hưởng, doanh thu giảm sút, các điểm tiêu thụ trực tiếp cũng đã phải đóng cửa. Cùng với đó, chi tiêu của người dân lại chuyển sang nguồn hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đã khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện nay đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi nhưng lại muốn tăng thuế TTĐB, trên thực tế là không phù hợp. Hiện nay, doanh nghiệp cần mức thuế được giữ nguyên trong từ 1 -2 năm tới”, ông Phước kiến nghị.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cho rằng việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường cũng sẽ không góp phần giảm tình trạng thừa cân béo phì hiện nay, bởi lẽ nhiều quốc gia áp dụng chính sách thuế tương tự cũng chưa cho thấy hiệu quả. Vì vậy, doanh nghiệp cho rằng mức thuế trước khi sửa đổi, đề xuất cần được xem xét kỹ lưỡng và phù hợp với tình hình thực tế.
Ở góc độ dinh dưỡng, PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm, Nguyên phó viện trưởng – Viện Dinh dưỡng thông tin về tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh thì nhóm học sinh tiểu học thừa cân béo phì (TCBP) tiêu thụ chất béo (≥3 lần/tuần) có xu hướng cao hơn nhóm học sinh không thừa cân béo phì (78,3 % với 75,1%). Trong đó, nhóm học sinh thành thị có tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn nhóm học sinh nông thôn (41,9% với 17,8%) nhưng lại có tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt (≥3 lần/tuần) thấp hơn (16,1,% và 21,6%).
So với nước ngọt (21,6% ở khu vực nông thôn và 16,1% ở khu vực thành thị), tỷ lệ trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác (bánh kẹo, kem chè …) còn cao hơn rất nhiều chiếm 51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn.
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến TCBP, bao gồm thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, ít vận động, sử dụng các thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, đồ ăn nhanh, các thực phẩm có chứa đường trên đường phố làm tăng nguy cơ TCBP. Đồng thời, chưa có nhiều nghiên cứu tìm thấy mối liên quan duy nhất của TCBP với đồ uống có đường.
“Vì vậy, cần tăng cường truyền thông giáo dục tại nhà trường về dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống TCBP, giảm tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng calorie cao, sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm giàu chất đạm, kiểm soát chế độ ăn không dư thừa. Cùng với đó, cần có nghiên cứu khách quan lại các yếu tố nguy cơ liên quan tới TCBP ở học sinh như hoạt động thể lực, khẩu phần ăn, sử dung đồ ăn nhanh, thời gian ngủ,… Chế độ ăn cần tăng cường sử dụng rau quả, chất xơ, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng hoặc thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng để nâng cao chất lượng bữa ăn”, vị này kiến nghị.
Theo ông Đỗ Hữu Tân, Chánh văn phòng Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cần có nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về đối tượng trong Luật sửa đổi, cần có tiêu chí, xác định tác động cụ thể của các loại sản phẩm đối với người tiêu dùng. Qua đó, sau khi xây dựng và ban hành đảm bảo được về điều hành của chủ trương và phù hợp với các đối tượng liên quan.
“Nếu trong Luật không quy định được các tiêu chí rõ ràng thì trong thực hiện cũng sẽ rất phức tạp. Đồng thời, cần nghiên cứu thêm về khoảng thời gian thực hiện, triển khai và xác định được rõ về mục tiêu và tính thuyết phục. Về phương pháp tính thuế TTĐB, cần dựa vào tính chất, của từng loại sản phẩm để đưa vào phù hợp”, ông Tuân chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm