Nhà đầu tư nước ngoài “băn khoăn” về chất lượng nhân lực
Nhà đầu tư nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để tạo dựng cạnh tranh quốc gia và thu hút đầu tư. Đồng thời phải cung cấp tài chính cho đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực.
>>>Đào tạo nhân lực: Giảm cảnh “trống gõ nhịp 3, kèn hòa nhịp 7”
Theo báo cáo Tổng chỉ số lao động Việt Nam 2022 (Total Workforce Index 2022), lao động có kỹ năng tay nghề cao của Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 11,6%.
Đây là một điểm yếu của lao động Việt Nam khi so sánh với các thị trường khác trong khu vực ASEAN. (Ví dụ, tỷ lệ lao động tay nghề cao của Thái Lan là khoảng 15%, Philippines là 18,5%, thậm chí Malaysia là 28,24%...). Trình độ kỹ năng thấp là một trong những yếu tố khiến Việt Nam hiện là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực, làm giảm hiệu suất công nghiệp và khả năng cạnh tranh của đất nước trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định, trong tương lai, nhân công giá rẻ sẽ không còn là điều kiện quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, mà chính là yếu tố kỹ năng. Khảo sát xu hướng tuyển dụng nửa cuối năm 2022 của ManpowerGroup Việt Nam cũng cho biết, hiện có khoảng 57% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Như vậy, người lao động trong nước cần cải thiện nhiều cả kỹ năng mềm và chuyên môn, nếu không sẽ tuột cơ hội vào tay các thị trường khác, cũng như khiến Việt Nam khó thu hút những doanh nghiệp nước ngoài lớn đầu tư.
Thực tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cũng nhiều "băn khoăn" về vấn đề chất lượng nhân lực. Ông Dominik Meichle, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam cho biết, Bosch hiện diện tại Việt Nam trong gần 2 thập kỷ vừa qua với cam kết ngày càng cao đối với Việt Nam.
“Hiện nay, chúng tôi tuyển mộ 6.000 nhân viên tại các xưởng chất lượng cao với 3 trung tâm công nghệ cao. Trong năm 2022, chúng tôi đã thiết lập một doanh nghiệp thứ 3 về đồ gia dụng để bảo đảm cung ứng nhu cầu của thị trường sở tại. Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường quy mô 6.000 nhân viên trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển chất lượng cao. Chúng tôi sẽ tính đến việc mở rộng sang lĩnh vực khác, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, logistics”, ông Dominik Meichle chia sẻ.
Để đạt được điều này, Tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để tạo dựng cạnh tranh quốc gia.
“Tại Bosch có một khẩu hiệu, đó là con người tạo giá trị. Tuần này, chúng tôi có một dấu mốc lớn 15 năm các doanh nghiệp, xí nghiệp chất lượng cao và 10 năm chương trình đào tạo chất lượng cao… Chúng tôi tin rằng, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để tạo dựng cạnh tranh quốc gia và đề nghị Chính phủ tích cực đóng vai trò đi đầu để điều phối hệ sinh thái giữa các doanh nghiệp, giới học thuật và các bên liên quan để thúc đẩy hoạt động cải thiện một cách cụ thể nguồn nhân lực cũng như cung cấp tài chính cho lĩnh vực này”, ông Dominik Meichle đề xuất.
>>>Kết nối nhà trường và doanh nghiệp
Cùng quan điểm, ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần tăng cường nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động.
“Việt Nam đã thiết lập nhiều chính sách thân thiện với lao động cho người lao động, nhưng điều quan trọng là Chính phủ phải hợp tác với các ngành công nghiệp để tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động - chuyển từ lao động chi phí thấp sang lực lượng lao động có kỹ năng cao”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc LEGO Manufacturing Việt Nam đề xuất.
Ông Preben Elnef khẳng định, bằng cách này, Việt Nam sẽ giữ được khả năng cạnh tranh của mình với các nước trong khu vực và trên thế giới. Và song song với đó, hãy tiếp tục đầu tư vào giáo dục chất lượng ở mọi lứa tuổi. Càng nhiều người được giáo dục và được đào tạo kỹ năng, đất nước sẽ càng phát triển nhanh hơn.
Trong khi đó, ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Sojitz, Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh Nhật Bản-Việt Nam tại Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) đề xuất tăng cường phát triển nguồn nhân lực bằng cách đưa sinh viên tốt nghiệp Việt Nam có tay nghề cao sang Nhật Bản để nâng cao kỹ năng của họ.
“Năm nay, Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây cũng là năm đánh dấu kỷ niệm 20 năm thành lập Keidanren - Khuôn khổ để cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam”, ông Masayoshi Fujimoto chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Đắk Lắk: Tăng cường nhân lực phục vụ du lịch
01:00, 27/04/2023
Học viện Nông nghiệp Việt Nam và địa phương chung tay đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
11:37, 21/04/2023
Đào tạo nhân lực: Giảm cảnh “trống gõ nhịp 3, kèn hòa nhịp 7”
03:30, 20/04/2023
Việt Nam đạt 100 triệu người, áp lực tận dụng nhân lực “vàng”
03:00, 14/04/2023