Trầm lắng xuất khẩu thủy sản
Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 1,8 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.
>>Doanh nghiệp "đói" đơn hàng, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản "lao dốc”
Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết: “Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, doanh nghiệp ký được hàng loạt đơn hàng xuất khẩu thì nay vẫn phải sản xuất cầm chừng, đơn hàng bị giảm 30%”.
Khó khăn của doanh nghiệp
“Doanh nghiệp sản xuất nhiều mà đầu ra không có sẽ dẫn đến tồn kho lớn, chi phí lãi vay cao, rất rủi ro. Còn nếu ngưng sản xuất, cán bộ, công nhân nhà máy sẽ rời công ty đi tìm việc khác”, ông Phục nói.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ: “Hàng loạt khách hàng lớn ở thị trường Mỹ, EU thông báo lượng tôm tồn kho còn khá nhiều nên hầu như doanh nghiệp không có đơn hàng mới. Nếu có, các đối tác cũng ép giá rất mạnh. Không ít đơn vị vì muốn duy trì sản xuất, đành phải chấp nhận bán với giá vốn, thậm chí lỗ để quay đồng vốn, có tiền trả nợ ngân hàng”.
Với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khi xuất khẩu thủy sản tươi sống sang thị trường này.
Là doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thủy sản tươi sống chủ yếu qua cảng ICD Thành Đạt-Km3+Km4 tại cặp chợ biên mậu Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Trung Quốc), ông Trần Văn Út - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến cho biết: “Công ty đang đang gặp khó khăn trong việc thanh toán của khách hàng, vì đây không phải hoạt động xuất khẩu chính ngạch nên không thể thanh toán qua hệ thống ngân hàng, dẫn đến việc gặp khó khăn báo tài chính với cơ quan thuế”.
“Theo yêu cầu của phía Hải quan Trung Quốc thì cư dân biên giới phía Việt Nam khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc phải có chứng thư kiểm dịch do Cục Quản lý chất lượng thủy sản cấp nhưng giấy chứng thư thì phải là doanh nghiệp có cơ sở đủ điều kiện được Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cấp phép mới được sản xuất, sơ chế, chế biến hoặc bao gói”.
“Tuy nhiên, đối với hầu hết thủy sản sống thì phía Trung Quốc chưa cho nhập khẩu chính ngạch tại Đông Hưng mà chỉ cho nhập khẩu tại cặp chợ Móng Cái - Đông Hưng dưới hình thức xuất khẩu cư dân biên giới. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không được trực tiếp xuất khẩu theo quy định của phía Trung Quốc và cũng không được ủy thác xuất khẩu cho cá nhân là cư dân biên giới cũng như không thể xuất hoá đơn kinh doanh điện tử cho cá nhân theo quy định của cơ quan thuế. Như vậy thì doanh nghiệp không thể làm báo cáo tài chính đối với cơ quan thuế”, ông Út nói.
Nói về việc này, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường cho biết, doanh nghiệp thủy sản muốn xuất khẩu sang Trung Quốc thì phải có tên trong 805 doanh nghiệp đã được phía Trung Quốc cấp. Hoặc doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ và chờ cấp phép. Hiện Trung Quốc cấp 128 mã sản phẩm liên quan tới thủy sản. Ông Tiệp đề nghị doanh nghiệp kiểm tra kỹ hồ sơ, đặc biệt là mã HS, nhằm đảm bảo tương thích trước khi thông quan.
Cần hỗ trợ tích cực
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP dự báo, nền kinh tế Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…và một số thị trường lớn tiếp tục khó khăn nên dự báo xuất khẩu trong quý tới chưa thể thoát khỏi sự ảm đạm.
Theo ông Hòe, VASEP vừa kiến nghị Thủ tướng xem xét sớm có một chương trình kích cầu để tạo tâm lý yên tâm cho nông, ngư dân duy trì sản xuất nguyên liệu. Về dài hạn, Việt Nam cần có quy hoạch và chính sách bảo tồn nguồn lợi biển, có khuyến khích nuôi biển để bổ sung nguồn cung.
Để hỗ trợ các doanhnghiệp vượt qua cơn bão kép, VASEP đề xuất Chính phủ có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng với lãi suất thấp cho doanh nghiệp thủy sản vay để thu mua và trữ nguyên liệu khi vào vụ thu hoạch; đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 3-5 tháng cho các khoản vay đến hạn phải trả trong quý I và quý II/2023.
Ông Trần Văn Út - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩ Tuyến cho rằng: “Bộ NN&PTNT cần tiếp tục xử lý các vướng mắc liên quan đến đăng lý doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc trên hệ thống CIFER, bổ sung sản phẩm vào danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, phối hợp với cơ quan thẩm quyền Trung Quốc tiếp tục xử lý các trường hợp lô hàng thủy sản bị cảnh báo tại thị trường nhập khẩu”.
“Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cần có giải pháp và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp xuất khẩu dưới dạng cư dân biên giới để tránh việc sau này cơ quan thuế kiểm tra truy thu thuế thu nhập, doanh nghiệp không thể giải trình được”, ông Út kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm