Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Củng cố, duy trì chờ… bứt phá

THY HẰNG thực hiện 14/05/2023 03:30

LTS: Năm 2023, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD. Tuy nhiên, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng đều trong tình trạng sụt giảm sâu.

>>Doanh nghiệp "đói" đơn hàng, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản "lao dốc

Xuất khẩu nông sản sẽ khôi phục từ quý III/2023 và có khả năng bứt phá những tháng cuối năm.

Đây là nhận định của TS Phùng Giang Hải, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Bộ NN&PTNT.

Theo TS Phùng Giang Hải, để làm được điều này, cần phải áp dụng nhiều giải pháp để trước mắt duy trì và sau đó mới đẩy mạnh được xuất khẩu khi các khó khăn khách quan dần qua đi.

- Thưa ông, 4 tháng đầu năm bức tranh của ngành nông nghiệp không mấy sáng khi doanh nghiệp “đói” đơn hàng và một số ngành chủ lực “đuối sức”. Vậy làm sao để vực dậy đà tăng trưởng?

4 tháng đầu năm, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu đạt 2,51 tỷ USD, giảm 37,7% với một số nhóm hàng giảm sâu như thuỷ sản đạt 800 triệu USD, giảm 28,6%, lâm sản đạt 1,2 tỷ USD, giảm 29,8%.

Thực trạng này đã được Bộ NN&PTNT dự báo ngay khi tổng kết năm 2022 cũng như dự phòng một số giải pháp cần thiết. Có thể điểm lại một vài nhân tố chính dẫn đến những khó khăn này như sau: Thứ nhất, hiện dịch Covid-19 đã được kiểm soát tốt, phần lớn các nước xuất khẩu nông sản lớn là đối thủ cạnh tranh của chúng ta như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ… đã quay lại sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu khiến nguồn cung tăng lên. Thứ hai, xung đột Nga – Ukraine kéo dài kéo theo nhiều vấn đề về kinh tế, chính trị ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cũng gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Thứ ba, vấn đề lạm phát kéo dài, kinh tế suy thoái ở hầu hết các thị trường lớn của nông sản Việt Nam như Mỹ, EU…

Dự báo những tháng cuối năm xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ tốt trở lại khi các thị trường lớn như Mỹ, EU kiểm soát lạm phát tốt hơn. Lần tăng lãi suất sắp tới của Mỹ được giới chuyên môn dự báo là sẽ tương đối nhẹ nhàng và kì vọng FED chuẩn bị kết thúc việc áp dụng giải pháp này. Thị trường EU cũng có nhiều tín hiệu tích cực hơn từ các giải pháp kiểm soát lạm phát đi kèm với các gói hỗ trợ nhằm phục hồi kinh tế. Do đó, chúng ta vẫn có thể kì vọng xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sẽ phục hồi từ quý III/2023.

 Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2023 đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Bộ NNPTNT, TTX

Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm 2023 đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Bộ NNPTNT, TTX

- Vậy các doanh nghiệp nên tập trung vào các thị trường tiềm năng hay thị trường mới nào để bù đắp được xuất khẩu sụt giảm và duy trì tới cuối năm chờ phục hồi, thưa ông?

Cơ bản Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn sẽ tiếp tục là những thị trường truyền thống chiếm tỷ trọng lớn, ngay trong bối cảnh khó khăn chung như thời gian vừa qua thì đây vẫn là những thị trường dẫn đầu. Ví dụ, thị trường Mỹ mặc dù có quá nhiều khó khăn nhưng cũng chỉ tụt xuống vị trí thứ 2 và vẫn chiếm tỷ trọng gần 19% nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2023. Kinh tế phục hồi thì Mỹ sẽ lại nhanh chóng trở lại vị trí dẫn đầu về thị trường xuất khẩu của nông sản Việt.

Về thị trường mới, chúng ta cũng đang đẩy mạnh xúc tiến một số thị trường như Trung Đông hay Vương quốc Anh. Với Vương quốc Anh, gần đây chúng ta nhận được nhiều tín hiệu rất tích cực để có thể đẩy mạnh hoạt động thương mại nông sản sang thị trường này.
Một trong những điểm cần tận dụng là các Hiệp định đa phương lớn như CPTPP hay EVFTA cũng như các quan hệ song phương với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chuẩn bị, đầu tư, phát triển sản xuất đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, bền vững, phù hợp với yêu cầu của thị trường cũng như không thể bỏ qua yếu tố cạnh tranh về giá.

- Cụ thể vai trò và sự nỗ lực của các bên mà ông vừa nói như thế nào để ngành nông nghiệp “về đích” mục tiêu 53 tỷ USD năm 2023, thưa ông?

Nhà nước cần tiếp tục cũng cố và phát huy hơn nữa vai trò “kiến tạo” để tạo dựng một môi trường đủ thuận lợi cho phát triển sản xuất và kinh doanh nông sản. Những vấn đề về tiêu chuẩn, thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư… chỉ có thể được cải thiện với vai trò chủ đạo của Nhà nước.

Với doanh nghiệp, vai trò “đầu tàu” dẫn dắt các chuỗi ngành hàng là chắc chắn. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng khó có khả năng liên kết với các hộ gia đình nhỏ lẻ, do vậy vấn đề kinh tế tập thể, hợp tác sẽ cần được tiếp tục nghiên cứu phát triển. Với nông dân, phải thay đổi tư duy sản xuất, chuyển sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” chứ không chỉ là sản xuất nông nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • ĐIỂM BÁO NGÀY 12/10: Điều kiện để xuất khẩu nông sản

    ĐIỂM BÁO NGÀY 12/10: Điều kiện để xuất khẩu nông sản "về đích"

    04:53, 12/05/2023

  • Trầm lắng xuất khẩu thủy sản

    Trầm lắng xuất khẩu thủy sản

    02:00, 12/05/2023

THY HẰNG thực hiện