Thái Bình: Doanh nghiệp dệt may tìm cách vượt “bão”
Liên tục từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất dệt may trong tỉnh Thái Bình gặp khó khăn, từ thiếu nguyên liệu, lãi suất tăng đến thiếu đơn hàng cho sản xuất...
>>>Thái Bình: Tăng sức cạnh tranh trên thị trường từ sản phẩm OCOP
Đơn hàng sụt giảm
Theo lãnh đạo Sở Công thương: Từ đầu năm đến nay, đi tới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, địa phương nào trên địa bàn tỉnh Thái Bình, ai cũng có thể cảm nhận được khó khăn của các doanh nghiệp dệt may. Tình trạng công nhân chỉ làm việc 5 - 6 giờ/ngày, thậm chí phải nghỉ việc diễn ra ở không ít doanh nghiệp. Nguyên nhân xuất phát từ việc các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất hoặc sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được.
Ông Vũ Duy Hân - Giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trường Sơn Thịnh (cụm công nghiệp Mê Linh, huyện Đông Hưng) cho biết: Công ty chuyên sản xuất quần áo xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Năm nay, hoạt động của Công ty rất khó khăn, đáng lo nhất là đơn hàng các đối tác ký ở mức nhỏ lẻ, đơn giá lại thấp nên chúng tôi ở vào thế “làm đến đâu ăn đến đấy” bảo đảm việc làm cho hơn 700 lao động và Công ty gần như không có lợi nhuận. Việc không có nhiều đơn hàng cũng khiến chúng tôi chưa thể đưa một xưởng sản xuất mới với giá trị đầu tư hơn 50 tỷ đồng vào hoạt động được.
Tình trạng thiếu đơn hàng diễn ra ở hầu hết doanh nghiệp dệt may xuất khẩu. Không chỉ doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI cũng chung cảnh ngộ. Theo đại diện Công ty TNHH PS Vina – KCN Gia Lễ cho biết: Thị trường châu Âu, Mỹ đang gặp khủng hoảng, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh làm cho các đối tác xuất khẩu của chúng tôi giảm sản lượng. So với cùng kỳ mọi năm, số đơn hàng của PS Vina giảm tới 50%. Lúc này, để duy trì việc làm cho 1.500 lao động là cố gắng lớn của Công ty. Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết: Nhiều người ví doanh nghiệp dệt may đang ở giữa tâm bão khó khăn cũng chẳng sai.
Một mặt doanh nghiệp đôn đáo tìm kiếm đơn hàng sản xuất, một mặt phải chịu áp lực về thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, lãi suất vay cao. Thêm vào đó, giá nguyên liệu, phụ liệu của ngành may mặc, dịch vụ logistics tăng cao cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và lợi nhuận, làm cho doanh nghiệp đã khó lại càng thêm băng bó.
Theo lãnh đạo Công ty dệt may TB, việc đơn hàng sụt giảm nguyên nhân chính đến từ ảnh hưởng của xung đột quân sự Nga - Ukraina khiến cả thị trường châu Âu, Mỹ và nhiều nước khác bị khủng hoảng, lạm phát tăng cao. Người dân ở các nước và khu vực này có xu hướng thắt chặt chi tiêu dẫn tới các nhà nhập khẩu, phân phối hàng dệt may phải hoạt động cầm chừng, kéo theo đơn hàng sản xuất cho các đối tác giảm cả về số lượng và sản lượng.
Được biết, hiện nay các doanh nghiệp dệt may Thái Bình lo ngại hơn cả là sự cạnh tranh đang diễn ra âm thầm nhưng gay gắt đến từ các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc, Lào, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh...
Ông Nguyễn Tiến Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty Tân Đệ cho biết: Trong 2 năm dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam kiểm soát dịch tốt hơn nên đã thu hút được rất nhiều đơn hàng sản xuất của các nước trong khu vực. Thậm chí doanh nghiệp phía Bắc nhận đơn hàng của các doanh nghiệp phía Nam.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, các nước đã kiểm soát được dịch và mở cửa trở lại là nguyên nhân số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam giảm. Trong bối cảnh nguồn cung giảm, các doanh nghiệp ở nước ngoài tìm mọi cách chiếm lấy đơn hàng như giảm giá, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đã hút các đối tác chuyển dịch đơn hàng từ Việt Nam sang.
Mới đây, Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu do Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: Trong khi Việt Nam đang thiếu đơn hàng thì Bangladesh “làm không kịp nghỉ”. Nguyên nhân là do doanh nghiệp nước này chuyển đổi ngành hàng theo các tiêu chuẩn xanh, bền vững với môi trường kịp lúc nên hiện vẫn nhận được rất nhiều đơn hàng từ các đối tác phương Tây.
Giá các mặt hàng như điện, xăng dầu, than, vải, phụ liệu ngành may, lãi suất vốn vay tăng cao, tỷ giá đồng USD biến động làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp quá cao. Nhiều doanh nghiệp trăn trở, với chi phí đầu vào cao như hiện nay thì sức cạnh tranh của sản phẩm sẽ giảm càng khó xúc tiến tìm kiếm đơn hàng, đồng thời doanh nghiệp không có lãi. Nếu tài chính của doanh nghiệp không đủ sức chống đỡ sẽ buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí phải dừng hoạt động.
Tìm cách vượt khó
Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may trong cả nước đang dần “ngấm đòn” khi khó khăn bủa vây. Tăng trưởng kinh tế thế giới sụt giảm đã dẫn đến các thị trường đưa ra hàng loạt chính sách thắt chặt tiền tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa và hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất.
Đặc biệt, việc thiếu đơn hàng sản xuất, chi phí đầu vào tăng cao, áp lực việc làm cho người lao động, thị trường tiêu thụ băng bó... khiến các doanh nghiệp dệt may “đứng ngồi không yên”. Theo dự báo trước mắt các doanh nghiệp dệt may vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, việc sớm tìm ra giải pháp để thích ứng với điều kiện mới là điều rất nhiều doanh nghiệp dệt may mong muốn và đang cần lời giải.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng một vài kịch bản thị trường và có giải pháp với từng trường hợp, tránh rơi vào thế bị động, rủi ro cao do “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Muốn xúc tiến mở rộng được thị trường, trước hết doanh nghiệp phải có những lợi thế, đủ sức cạnh tranh nên việc tăng cường đầu tư cho công nghệ sản xuất tiên tiến và quy trình sản xuất tối ưu hóa, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và giá thành phẩm là giải pháp tiên quyết buộc phải làm.
Bên cạnh đó, đã đến lúc các doanh nghiệp dệt may cần xem xét lại chiến lược về cơ cấu sản phẩm, giá cả và quan tâm tập trung đầu tư cho người lao động cả về trình độ tay nghề, điều kiện làm việc và thực hiện các chế độ an sinh xã hội.
Theo ông Nguyễn Tiến Phương - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Công ty Tân Đệ chia sẻ: Công ty đã đầu tư mạnh mẽ đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhân sự, hành chính, sản xuất cho tới giao dịch, ký kết đơn hàng với các đối tác. Công ty đang tạo ra môi trường làm việc xanh, thân thiện, có tính nhận diện thương hiệu cao đáp ứng tiêu chí của các đối tác là những thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng trên thế giới. Mặc dù đơn hàng đã ký hiện nay có giảm so với năm trước song Công ty vẫn bảo đảm đủ việc làm cho hơn 18.000 lao động và giữ nhịp tăng trưởng dương.
Theo ông Phương, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp luôn phải xác định đổi mới chính mình, trang bị đủ năng lực để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Mới đây, ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình và động viên các doanh nghiệp nỗ lực sản xuất. Tại buổi kiểm tra ông Thận đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh đầu tư, đổi mới, hiện đại hóa máy móc, công nghệ thì cần nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, quan tâm định hướng đến thị trường ngách, nhu cầu đặc biệt để tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp và tăng trưởng doanh thu. Quản lý nguồn nhân lực một cách thông minh để ổn định đội ngũ công nhân, tăng năng suất, chất lượng lao động. Cùng với đó, mỗi doanh nghiệp cần đào sâu nghiên cứu, tìm cách tiết kiệm chi phí, giảm thiểu sản phẩm tồn kho và cải thiện công tác quản lý tài chính để tăng trưởng lợi nhuận.
Với những khó khăn các doanh nghiệp dệt may đang gặp, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ cần có thêm những chính sách hỗ trợ. Đơn cử như tiếp tục duy trì chính sách thuế VAT 8%, có giải pháp hỗ trợ người lao động, chính sách ưu đãi về giá điện, than, vận tải, xăng dầu, dịch vụ cảng biển...
Đặc biệt, Chính phủ sớm có quy hoạch phát triển năng lực chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước giúp các doanh nghiệp dệt may bớt phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, bảo đảm các tiêu chí truy xuất nguồn gốc để có thể tận dụng được cơ chế ưu đãi của các hiệp định thương mại (FTA), từ đó tạo ra sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo các chuyên gia dự báo, những khó khăn của ngành dệt may sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý 2/2023. Do đó, để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp phải cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghiệp, hướng đến phát triển bền vững đồng thời là giải pháp của nhiều doanh nghiệp để đáp ứng thị phần may mặc toàn cầu. Đồng thời, xúc tiến thương mại, hướng đến các thị trường ngách cũng được các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tối đa và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm