Tăng 1 bậc xếp hạng chỉ số Agility nhưng doanh nghiệp logistics Việt vẫn lép vế
Dù có nhiều tiềm năng phát triển nhưng các doanh nghiệp logistics trong nước ngày càng chịu sức ép đến từ sự cạnh tranh quyết liệt của doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi cung ứng.
>>>Cần cắt giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp
Lọt top 10 thị trường logistics mới nổi 2023
Tại bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á, sau Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Về cơ hội logistics trong nước, Việt Nam được đánh giá ở vị trí 16, cải thiện 1 bậc so với năm 2022 với 5,02 điểm. Còn về yếu tố cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam hiện dẫn đầu Đông Nam Á, đứng vị trí thứ 4 của bảng xếp hạng với 6,03 điểm. Dựa trên các điều kiện kinh doanh và chỉ số sẵn sàng công nghệ, Việt Nam được đánh giá lần lượt ở vị trí 19 và 15 của bảng xếp hạng.
Theo Bộ Công thương, năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics thời gian qua được cải thiện đáng kể. Số doanh nghiệp logistics đăng ký thành lập mới trong 9 tháng năm 2022 là 5.500 doanh nghiệp. Mặc dù số lượng doanh nghiệp không tăng nhiều nhưng số vốn tăng mạnh cho thấy tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp logistics.
Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với các tên tuổi lớn trong danh sách 50 công ty logistics lớn nhất thế giới như: Kuehne + Nagel, DHL Supply Chain & Global Forwarding, DSV, DB Schenker, Nippon Express, Expeditors, UPS Supply Chain Solutions hay những gương mặt mới nổi như Maersk Logistics, CEVA Logistics (thuộc CGM-CMA) ...
Trao đổi tại một diễn đàn logistics do Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, đại diện Công ty SLP Việt Nam cho biết: Hiện nền tảng hệ thống kho bãi của Việt Nam đang có quy chuẩn chưa cao, còn khá nhiều Doanh nghiệp Logistics chưa cung ứng được sâu chuỗi các dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ngoài ra, nhu cầu về vị trí kho vận tiệm cận khu vực nội đô (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội), cũng như nhu cầu xây dựng kho vận quy chuẩn theo hệ thống toàn cầu ngày một tăng cao. Hiện nay, hệ thống cung cấp các chuỗi dịch vụ Logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng số hóa trong quản lý, tự động hóa trong vận hành vẫn là khái niệm mới mẻ. Trong khi nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao.
Chia sẻ tại Tọa đàm giới thiệu Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 732,5 tỷ USD vào năm 2022. Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…
Chi phí logistics trung bình của nước ta hiện ở mức 16.8 – 17% giá trị hàng hóa, cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Trên thực tế có những doanh nghiệp phải chi trả tới 20 – 25% cho chi phí này. Đây là vấn đề nổi cộm của ngành logistics khiến nhà cung ứng nội địa “lép vế” ngay trong cuộc cạnh tranh trên sân nhà.
>>>Xây dựng chiến lược logistics cụ thể
Dành lại ưu thế cho doanh nghiệp Việt
Những năm trở lại đây, một số “ông lớn” của Việt Nam như Transimex, Sotrans, Tân Cảng Sài Gòn,...phát triển ngày một lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp dịch vụ logistics 3PL, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại nhiều quốc gia. Ngoài ra, có 63 doanh nghiệp logistics Việt Nam được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Hoa Kỳ (FMC) cấp phép cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đi và đến Hoa Kỳ.
Đây được coi là những tín hiệu lạc quan cho sự phát triển của ngành logistics thế nhưng thực tế đa số doanh nghiệp nội vẫn chịu sự chi phối lớn của các doanh nghiệp nước ngoài, thường xuyên bị ép giá hoặc có lợi nhuận thấp. Dù nắm ưu thế về cơ sở hạ tầng, hệ thống kho bãi, cảng cạn…nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 30% thị phần, chủ yếu là vận tải nội địa, giao nhận, kho bãi, thủ tục hải quan, giám định hàng hóa,... hoạt động đơn lẻ, phục vụ phân khúc khách hàng nhất định mà thiếu sự kết nối để cung cấp dịch vụ logistics tích hợp. Trong khi đó, sự tối ưu hoá về nhân lực, hệ thống quy trình và công nghệ đã giúp doanh nghiệp ngoại vượt lên trong cuộc đua với doanh nghiệp nội.
Theo bày tỏ của nhiều doanh nghiệp logistics, hiện nay họ đang phải “còng lưng” chịu nhiều khoản chi phí: lưu kho, đóng gói, sản xuất, vận tải, thông quan, các phí địa phương và nhiều chi phí khác mà mỗi mặt hàng quy định riêng. Hiện trên thị trường có rất nhiều phần mềm đa dạng nhưng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp lớn, chưa phù hợp với đơn vị logistics vừa và nhỏ. Để giảm các khoản phí này, cần có chính sách khuyến khích phát triển công nghệ, kêu gọi các công ty công nghệ trong nước tập trung nghiên cứu phần mềm chuyên về logistics để các doanh nghiệp logistics, vận tải, kho bãi,…. có thể sử dụng, thay cho phần mềm nước ngoài giá cao. Cùng với đó, cần có chính sách ưu đãi vay vốn dài hạn, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng như phương tiện, kho bãi, máy móc…Chính phủ cần quy định rõ ràng, minh bạch và mang tính kiểm tra xác suất, tăng nặng hình phạt gian dối trong thương mại, xây dựng các trung tâm logistics vùng giúp doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp logistics nội dành lại ưu thế trên sân nhà.
Có thể bạn quan tâm