"Đói" đơn hàng và vốn vay, 82% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô

THY HẰNG 26/05/2023 15:00

Khảo sát trên gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, có 82.3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

>>>Doanh nghiệp xuất khẩu tôm mong chờ “bệ đỡ”

Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Ván ép cơ khí xây dựng, TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại các đơn hàng sản xuất, xuất khẩu gỗ của công ty chỉ đủ duy trì công suất sản xuất khoảng 60% so với trước đây, chủ yếu là để giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng nhận sản xuất, xuất khẩu thêm các mặt hàng, kể cả chấp nhận lỗ miễn là duy trì hoạt động cho công nhân.

"Chúng tôi đã phải liên tục đàm phán với khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới, không chỉ vậy còn thực hiện chính sách giảm 5 - 10% lợi nhuận để tạo ra khung giá tốt hơn và thuyết phục khách hàng ra đơn ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp trong thời gian ngắn, thời gian tới không biết có đơn hàng hay không”, ông Nhật chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Phương, Giám đốc Công ty Minh Thành cho biết, dù doanh nghiệp đã làm việc chi tiết với khách hàng và có đơn hàng từ tháng 1 nhưng đối tác lại dời hàng đến tháng 7, tháng 8 và tháng 9, thậm chí không được sản xuất trước, chỉ làm hàng khi có thông báo từ khách hàng và có khả năng hủy đơn hàng bất cứ lúc nào.

Tương tự với ngành dệt may, ông Kim Kyung Tae, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Araviet cho biết, thu nhập năm trước của lao động là gần 10 triệu giờ chỉ từ 6 - 7 triệu/tháng dẫn tới một số công nhân nhảy việc. Giảm thu nhập đồng nghĩa là doanh nghiệp mất lao động. Để giữ số lao động hiện tại, doanh nghiệp cũng phải cố gồng gánh, kéo, giãn việc, hàng tuần cố gắng bố trí vài ngày tăng ca thêm 1 giờ, tất cả để giữ lao động ở lại.

"Chúng tôi đang cố gắng hết sức để duy trì tình trạng này, nhưng không thể tăng thêm việc vì đơn hàng không có, tuy nhiên vẫn phải giữ được toàn bộ lao động hiện tại để chờ phục hồi", ông Kim Kyung Tae cho biết.

Hiện, từ gần 1.600 lao động, công ty này còn hơn 1.000 người, giảm 1/3 công nhân. Công ty đã thông báo đủ việc làm đến cuối năm, nhưng không cam kết sẽ tăng ca.

>>>Xuất nhập khẩu tiếp đà "lao dốc", doanh nghiệp ứng phó sao?

>>>Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Củng cố, duy trì chờ… bứt phá

Không chỉ với ngành gỗ và dệt may, trong Báo cáo kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn.

Khó khăn về đơn hàng (59.2%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51.1%)

59.2% doanh nghiệp tham gia khảo sát gặp khó khăn về đơn hàng và 51,1% khó khăn trong tiếp cận vốn.

Theo đó, trong tổng số 9556 doanh nghiệp tham gia khảo sát trực tuyến vào cuối tháng 4/2023, có 82.3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể: 10.9%; dự kiến Tạm ngừng kinh doanh: 12.4%; dự kiến Giảm mạnh quy mô: 38.5% và dự kiến Giảm nhẹ quy mô: 20.5%.

Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71.2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, trong đó có 22.2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80.7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29.4%.

Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp. Cụ thể, có đến 81.4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/ rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.

Các đánh giá rất tích cực/tích cực chỉ chiếm 4.2% các doanh nghiệp được khảo sát. Tương tự, có đến 83.7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/ rất tiêu cực, trong đó có 29.6% là rất tiêu cực. Và trong bức tranh “tối màu” chung đó, doanh nghiệp ngành Xây dựng; các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện mức độ đánh giá tiêu cực hơn.

Khảo sát cũng chỉ ra, các khó khăn, thách thức lớn nhất doanh nghiệp đang phải đối mặt là: Khó khăn về đơn hàng (59.2%); khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51.1%); Thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45.3%); Nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31.1%).

Trong bối cảnh khó khăn đó, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn khi có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

  • “Hoá giải” khó khăn cho nền kinh tế

    17:50, 23/05/2023

  • Xuất khẩu đói đơn hàng.

    11:46, 14/04/2023

  • Doanh nghiệp xuất khẩu tôm mong chờ “bệ đỡ”

    11:30, 18/05/2023

  • Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Động lực từ xuất khẩu rau quả

    10:00, 15/05/2023

  • Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Củng cố, duy trì chờ… bứt phá

    03:30, 14/05/2023

THY HẰNG