“Xuất ngoại” mía: Tiếp những tín hiệu vui cho nông sản Việt
Với việc tỉnh Hòa Bình tiếp tục xuất khẩu mía tươi sang thị trường Hoa Kỳ, đây là tín hiệu vui cho nông sản Việt trong hành trình tìm đường “xuất ngoại” chinh phục những khách hàng “khó tính”.
>>> Câu chuyện xuất khẩu nông sản: “Xuất ngoại” mía và khát vọng vươn tầm
"Sáng cửa" xuất ngoại mía
Ngày 7/6/2023, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (công ty Tiến Ngân - TP Hòa Bình) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ xuất lô hàng mía tươi sang thị trường Hoa Kỳ với số lượng 18 tấn. Đây là lần thứ 2 sau khi xuất khẩu thành công lô hàng đầu tiên với số lượng 20 tấn vào ngày 19/3/2023 sang Hoa Kỳ của công ty Tiến Ngân.
Ông Nguyễn Lê Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân cho biết, tháng 3 vừa qua, trải qua hơn 6 tháng đàm phán trực tiếp với phía doanh nghiệp Hoa Kỳ, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm những giải pháp để khắc phục khó khăn và đã ký được hợp đồng xuất đơn hàng đầu tiên với số lượng 20 tấn. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp ổn định sản xuất, triển khai việc ký hợp đồng với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình để cung cấp giống và phân bón; đồng thời, bao tiêu đầu ra để bà con nông dân yên tâm về giá, không lo vấn đề cây mía được mùa thì mất giá như đã từng xảy ra. Dự kiến năm 2023, doanh nghiệp sẽ xuất khẩu khoảng 500-600 tấn mía tươi ra thị trường thế giới.
Trước đó, tháng 11/2021, sau nhiều năm nghiên cứu thị trường, chuyến mía đầu tiên của tỉnh Hòa Bình đã được xuất khẩu sang thị trường Đức. Loại mía xuất khẩu là mía trắng, do Hợp tác xã Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) sản xuất. Công ty Tiến Ngân thu mua, sơ chế đóng gói và xuất qua công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa. Đối tác là một tập đoàn tại thành phố Hamburg, Đức.
Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, sản phẩm mía trước khi được xuất khẩu đã vượt qua yêu cầu kiểm dịch vô cùng khắt khe, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tốt. Mía được chọn lọc và thực hiện qua công đoạn sơ chế, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu của thị trường EU và Hoa Kỳ.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, từ năm 2019, cây mía Hòa Bình không chỉ có mặt ở nhiều vùng miền trong nước mà đã dần tìm đường xuất khẩu. Bắt đầu chỉ từ 120kg mía tím làm hàng mẫu sang thị trường Nhật Bản, sản lượng xuất khẩu đã tăng nhanh qua các năm: năm 2020 đạt 5,7 tấn; năm 2021 đạt 74 tấn; năm 2022 đạt 300 tấn.
Sản phẩm mía tươi của Công ty Tiến Ngân đã mở rộng sang các thị trường khác như: Hàn Quốc, Anh, EU. Việc khách hàng quay trở lại và lượng đặt hàng tăng nhanh qua các năm là minh chứng rõ nét về chất lượng sản phẩm, kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và kỹ thuật sơ chế, đóng gói, bảo quản khả năng đáp ứng được những thị trường "khó tính", nhất là trong bối cảnh mỗi thị trường yêu cầu một quy cách sơ chế, đóng gói, bao bì nhãn mác riêng.
>> Năm 2023 cơ hội để mía đường “hồi sức”
>> Ngành Mía đường: Đau đầu bài toán cung cầu
Theo các chuyên gia, trong khi ngành mía đường đang có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thì xuất khẩu mía ăn tươi là một hướng đi mới đúng đắn để giải quyết bài toán lợi nhuận sản xuất cho bà con nông dân, cũng như “khơi thông” được con đường xuất khẩu nông sản cho các doanh nghiệp Việt.
Doanh nghiệp còn nhiều trăn trở
Hiện nay, Tiến Ngân vẫn là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Hòa Bình chế biến và đưa cây mía ra thế giới. Trong khi đó, diện tích mía tại địa phương này và cả nước nói chung rất lớn, nhu cầu khách hàng rất cao mà năng lực sản xuất của công ty có hạn nên phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.
Bà Phạm Thị Nhâm, Phó Giám đốc công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân có nhiều băn khoăn trong việc giữ ổn định nguồn cung cho mía xuất khẩu. Theo bà Nhâm, thời vụ của mía chỉ kéo dài 3-4 tháng. Nếu phía doanh nghiệp nước ngoài ký hợp đồng mua 1000 tấn, thì khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 đã hết mía, không còn nguồn cung. Doanh nghiệp sẽ phải đợi đến tháng 10-11 mới tiếp tục có mía. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp phải tích trữ mía cho 4 tháng còn lại, tương đương khoảng 400 tấn hàng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu và rủi ro cho doanh nghiệp nếu khách hàng không lấy hàng nữa.
Do đó, doanh nghiệp mong muốn các nhà khoa học và Nhà nước nghiên cứu các giống mía có thể kéo dài thời vụ nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng giống mía Việt Nam.
Cũng theo bà Nhâm, tìm được vùng trồng ổn định đã khó, giữ giá nhập càng khó hơn. Bởi lẽ hiện nay, doanh nghiệp đang ký hợp đồng thời vụ với nông dân vùng trồng mía. Đã có thời điểm, các thương lái tự đẩy giá ảo, khiến giá nguyên liệu đầu vào cao hơn giá thành phẩm; khi đó, doanh nghiệp chấp nhận bù lỗ để giữ thị trường và thương hiệu cho mía Việt.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại tự do, đây là cơ hội cũng là thách thức đối với sản phẩm nông sản. Để chinh phục được những thị trường khó tính, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các địa phương cần có giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất theo hướng tập trung vào các sản phẩm chủ lực; đồng bộ các khâu kỹ thuật trên cánh đồng lớn, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ sinh học. Đồng thời, thực hiện các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, đảm bảo xu hướng phát triển xuất khẩu bền vững cho nông sản Việt Nam nói chung, cây mía nói riêng.
Có thể bạn quan tâm