Tạo cơ chế thúc đẩy cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Bà Phạm Thị Ngọc Hà – Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho rằng, Chính phủ quan tâm tạo cơ chế thúc đẩy cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp giá đất, thuế.
>>PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Đầu tư vào nông nghiệp - sứ mệnh của doanh nhân Việt
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức Diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023” chủ đề “Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững”.
Diễn đàn có sự tham dự của: Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An; Ông Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Trung Ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long; Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI; Ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An; Ông Nguyễn Văn Vĩnh - Phó Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre; Ông Lê Tấn Cận - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu; và hơn 300 khách mời đến từ các Bộ NN&PTNT; Bộ KH&ĐT; Bộ Công Thương; lãnh đạo VCCI; lãnh đạo UBND các tỉnh khu vực ĐBSCL; đại diện các Sở NN&PTNT; Sở KH&ĐT các tỉnh ĐBSCL cùng đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Long An, khu vực Đông và Tây Nam Bộ và doanh nghiệp trực thuộc Eurocham. Về phía ban tổ chức có: Ông Nguyễn Thanh Truyền – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An; Ông Nguyễn Linh Anh – Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Chương trình có sự đồng hành của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ); Công ty CP Phân bón Bình Điền; Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam - Dự án Tăng cường năng lực xuất khẩu cho DNVVV ngành gia vị rau quả Việt Nam....
Có tham luận tại Diễn đàn, bà Phạm Thị Ngọc Hà – Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho rằng, để sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, doanh nghiệp phải vượt qua nhiều khó khăn.
Bà Ngọc Hà chia sẻ cụ thể như: Khảo sát, tìm kiếm mặt bằng phù hợp, hội đủ điều kiện cho cây trồng, vật nuôi có thể phát triển được. Tiếp theo là thực hiện thương lượng, đền bù hoa màu, công trình trên đất…để chuyển dịch quyền sử dụng đất. Tiếp đó là thủ tục đầu tư, xây dựng … qua nhiều cơ quan và thời gian, công sức.
Theo bà, việc xin phép xây dựng các công trình phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao trên đất nông nghiệp hiện nay khá vất vả bởi luồng suy nghĩ cho rằng biến đất ruộng thành đất ở. Tuy nhiên muốn trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao bắt buộc phải đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, chuồng trại hiện đại kể cả nơi ở cho người chăm sóc. Nhu cầu xây dựng trên đất nông nghiệp đang là vấn đề khó khăn cho nhiều nhà đầu tư cần tháo gỡ để phát triển.
“Công ty chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành các công đoạn và đang đi vào vận hành tốt. Tuy nhiên để tạo điều kiện ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch… phát triển mạnh mẽ hơn, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng nên giúp doanh nghiệp thực hiện nhanh mọi thủ tục cùng với việc cải cách thủ tục hành chính đơn giản hơn” – bà Ngọc Hà chia sẻ.
Giống đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất trong đó có giống vật nuôi, tuy nhiên, theo bà Hà, để giúp doanh nghiệp rút ngăn thời gian kiến nghị Bộ ngành quản lý ngành nông nghiệp đi trước một bước để hướng dẫn doanh nghiệp không bị mất thời gian thử nghiệm trên thực tế trước khi có sự lựa chọn.
>>PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững
Tình hình phổ biến hiện nay là nhà đầu tư cho sản xuất sản phẩm sạch, công sức và chi phí cao hơn bình thường nhưng kết quả là sản phẩm có mẫu mã không bắt mắt như rau, quả… khó bán. Ngược lại, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm sạch, an toàn nhưng không biết mua ở đâu. Doanh nghiệp của bà Hà lựa chọn giải pháp tạo dựng giá trị chuỗi kết hợp sản xuất và phân phối đưa sản phẩm từ nông trại đến bàn ăn; đồng thời liên kết chuỗi với nhiều đối tác khác. “Chính quyền nên giúp những doanh nghiệp chân chính trong việc giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng, như thế sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với doanh nghiệp tự quảng cáo” – bà chia sẻ.
Hiện nay có thể nói chính sách hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp rất nhiều song việc tiếp cận chính sách trong thực tế cũng rất khó khăn, vì vậy, bà Hà kiến nghị Chính phủ quan tâm tạo cơ chế thúc đẩy cho Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp giá đất, thuế. Hiện nay nếu đầu tư lĩnh vực nông nghiệp mà phải tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì rất khó thu hút doanh nghiệp tham gia vì đầu tư vào nông nghiệp nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp nhưng chi phí đất cao.
Về vốn cho nông nghiệp xanh, vị đại diện cho doanh nghiệp San Hà mong các ngân hàng thông cảm với khó khăn và thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp nông nghiệp; có chính sách ưu đãi đặc biệt cho nông nghiệp xanh vì hiện nay lãi suất còn khá cao so với khả năng lợi nhuận nên doanh nghiệp không thể vay vốn đầu tư nông nghiệp.
“Công ty chúng tôi xác định hướng phát triển kinh doanh sản phẩm nông nghiệp xanh theo phương châm kiểm soát chất lượng an toàn, phát triển bền vững. Tôi mong các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để kinh tế phát triển” – bà nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: 4 giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp tại Long An
04:00, 29/06/2023
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Bến Tre mong muốn doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tôm
16:35, 28/06/2023
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Doanh nghiệp là “đầu tàu”
16:19, 28/06/2023
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Năm giải pháp để phát huy lợi thế
16:10, 28/06/2023
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Nông nghiệp là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam
16:05, 28/06/2023