Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế
Trong quỹ đạo chuyển đổi xanh, kinh tế số, đầu tư cho nông nghiệp phát triển vừa trở thành xu thế tất yếu, vừa là đòi hỏi bức thiết từ phía chính các doanh nghiệp làm nông nghiệp.
>>PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Doanh nghiệp là “đầu tàu”
Chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển nông nghiệp Việt Nam 2023, các chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp đều cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang chứng tỏ vị thế đi đầu đóng góp vào sự phục hồi và là bệ đỡ cho nền kinh tế.
Diễn đàn có sự tham dự của: Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ông Nguyễn Văn Được - Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An; Ông Bùi Văn Nghiêm - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long; Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI. Cùng lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL.
Ngành xương sống của nền kinh tế
Trong những năm gần đây, Việt Nam, với lợi thế là quốc gia nông nghiệp, ngày càng phát huy vai trò của mình đối với câu chuyện tiên phong đổi mới trong nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP quốc gia, đảm bảo an ninh lương thực và định vị Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, trong 2 năm COVID-19 và hậu COVID-19 gần nhất, nông nghiệp cũng đang chứng tỏ vị thế đi đầu đóng góp vào sự phục hồi và là bệ đỡ cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, để trở thành cường quốc nông nghiệp hàng đầu trên thế giới, nhiều thách thức vẫn đang đặt ra với ngành nông nghiệp Việt nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Ông Đoàn Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp – Bộ KH&ĐT đánh giá, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn vì không chỉ là nơi tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần vào công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo ông Đạt, gần 15 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW được ban hành, sự phát triển các doanh nghiệp trong nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Một trong những nguyên nhân là môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Surajit Rakshit - Giám đốc Toàn quốc Trung tâm Thanh toán Quốc tế và Tài trợ Chuỗi cung ứng, Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng đánh giá, nông nghiệp từ lâu đã là một ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam với nhiều lợi thế cạnh tranh như diện tích đất canh tác, độ phủ của rừng, các vùng lãnh hải, khí hậu nhiệt đới, lực lượng lao động dồi dào và chi phí hiệu quả. Ngành này đóng góp khoảng 12,5% vào GDP của đất nước.
“Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đi khắp nơi trên thế giới. Nhóm mặt hàng chính bao gồm hạt óc chó, cà phê, hạt điều, gạo và cao su, đóng góp hơn 10 tỷ USD vào xuất khẩu nông nghiệp”, ông Surajit Rakshit cho biết.
Hoàn thiện về chính sách
Ông Võ Quang Huy – Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An cho rằng, thời gian vừa qua ngành nông nghiệp đã ghi nhận là bệ đỡ của nền kinh tế đất nước khi hàng hoá đã giúp củng cố niềm tin với bạn bè quốc tế và người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công thì đâu đó những người nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn do bắt nguồn từ giá cả vật tư đầu vào bị tăng cao, thậm chí là rất cao nhưng đầu ra không ổn định đã đẩy người nông dân vào thế cùng cực, không có người dẫn dắt, định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Do đó, trong xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, ông Huy cho rằng cần quan tâm đến lợi ích của người nông dân nuôi trồng nhỏ lẻ; dẫn dắt họ có được cuộc sống ấm no hơn để họ có thể theo đuổi và sống được với nghề, như: xây dựng đầu mối hợp tác để giúp đỡ họ từ cung cấp vật tư đầu vào, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm cho đến đầu ra… để họ có thể ổn định cuộc sống.
Ông Paul-Antoine Croize - Phó Chủ tịch Ủy ban Ngành Kinh doanh Thực phẩm, Nông nghiệp & Nuôi trồng Thủy sản EuroCham cho biết, hàng Việt Nam còn nhiều dư địa để mở rộng thị phần tại châu Âu. Tuy nhiên, để tận dụng những lợi thế hiện có, trước tiên Việt Nam phải chú trọng tới sản phẩm sạch, ít độc hại, ít hoá chất để có thể sẵn sàng xuất khẩu vào thị trường Châu Âu.
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Vĩnh Hoàn cho rằng, để xây dựng một nền nông nghiệp xanh và bền vững cần tập trung giải quyết vấn đề về chính sách. Cụ thể, là chính sách thu hút đầu tư các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ chế biến và có năng lực phát triển thị trường; Đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế nông thôn, các vùng nguyên liệu tập trung.
Theo bà Khanh, chính sách phải nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp định hướng phát triển bền vững tránh xung đột về môi trường và nguồn lực. Nhất quán trong chủ trương sử dụng đất ổn định và lâu đài và có chính sách môi trường phù hợp. Các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ theo hướng giảm thiểu phát thải.
“Đồng thời, cần có cơ chế về tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững; hỗ trợ tài chính cho các nông dân tiên phong tham gia vào các chương trình nông nghiệp xanh. Nhà nước hỗ trợ kết nối nông dân đồng hành cùng doanh nghiệp cam kết các chương trình nông nghiệp xanh”, bà Khanh kiến nghị.
Ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre
Chiến lược của Bến Tre là tập trung vào đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hiện có của địa bàn, lấy những doanh nghiệp dẫn đầu để dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp Bến Tre. Bến Tre cũng đang có những doanh nghiệp sản xuất lớn, đóng thuế lên tới 100 tỷ. Bến Tre rất sẵn sàng hỗ trợ, chăm sóc và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này phát triển, mở rộng hơn nữa trong kinh doanh.
Kinh tế thủy sản, tôm và các loại cá, nghêu cũng là thế mạnh và có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia hoạt động chế biến. Tuy nhiên, có một vấn đề là Bến Tre tuy nuôi tôm nhiều nhưng chưa có nhà máy chế biến, mới chỉ là cung cấp nguyên liệu cho các tỉnh có nhà máy chế biến tôm. Bến Tre đang có đề án 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao và đặt mục tiêu sẽ có nhà máy chế biến tại địa phương. Bến Tre cũng tập trung phát triển những khu công nghiệp đã được quy hoạch để thu hút đầu tư theo hướng xanh, sạch, công nghệ cao.
Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM
Cần xây dựng kênh diễn đàn kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại Thành phố và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ số; Liên kết với các tỉnh, thành đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp chủ lực vào chuỗi cửa hàng trên các kênh thương mại truyền thống, thương mại điện tử và các điểm du lịch tại Thành phố và các tỉnh, thành trong vùng.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động liên kết vùng, tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn, ứng dụng công nghệ, xây dựng thương hiệu trong Thành phố và các tỉnh, thành trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ; Xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch đa dạng, độc đáo, chất lượng cao, chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đặc thù, khai thác giá trị di sản văn hóa của các địa phương đảm bảo tính đặc sắc, độc đáo, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu du khách.
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch tập đoàn Lộc Trời
Một rào cản rất lớn nữa là chủ nghĩa bảo hộ của các quốc gia giàu đối với nông sản của các quốc gia có nền nông nghiệp còn hạn chế.
Gạo Việt Nam hoàn toàn có thể đủ điều kiện vào Châu Âu, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, trải nghiệm văn hóa đều có thể đạt được tiêu chuẩn Châu Âu. Lộc Trời khẳng định hoàn toàn có khả năng sản xuất khoảng 100 đến 200 ngàn tấn cho thị trường khó tính như EU hay Nhật cả về thời gian lẫn khối lượng giao hàng. Từ lâu Lộc Trời đã vượt qua tất cả tiêu chí khó nhất, 632 chỉ tiêu của người Nhật.
Nhưng rào cản chính là thuế bảo hộ. Nếu giải quyết được cái đó, nếu các nước lớn không sử dụng quyền thương lượng quá lớn đối với các quốc gia nhỏ thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm nên chuyện. Việt Nam có thể đạt 1 triệu ha cấp 9 triệu tấn gạo xuất khẩu.
Bà Hoàng Lê Trang - Tổ chức Oxfam tại Việt Nam
Cần áp dụng quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn được quốc tế công nhận. Các rào cản kỹ thuật với nông sản tại một số thị trường lớn như EU, Anh, Mỹ, Nhật Bản, v.v. vẫn rất khắt khe, đặc biệt là các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, ghi nhãn bao bì. Việc quản lý chất lượng một cách nhất quán, chuẩn hóa theo các bộ tiêu chuẩn được quốc tế công nhận không chỉ giúp nông sản Việt đáp ứng các yêu cầu bắt buộc của quốc gia nhập khẩu, mà còn là phương tiện để chinh phục khách hàng tại các thị trường này.
Tiếp theo là Tăng cường áp dụng các thực hành sản xuất bền vững và kinh doanh có trách nhiệm trong nông nghiệp. Và cuối cùng là Tăng cường quản lý sản xuất theo mô hình chuỗi: việc duy trì mối liên kết chặt chẽ giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị nông nghiệp đang dần trở thành hướng đi tất yếu cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Mô hình quản lý theo chuỗi giá trị cũng là điều kiện “cần” cho việc đảm bảo thông tin về sản phẩm nông nghiệp là minh bạch và truy xuất được – một yêu cầu bắt buộc từ hầu hết các thị trường mục tiêu đã có FTA với Việt Nam, đặc biệt là khu vực Châu Âu.
Có thể bạn quan tâm
ĐIỂM BÁO NGÀY 30/06: Đầu tư vào nông nghiệp là sứ mệnh của doanh nghiệp
05:00, 30/06/2023
Tạo cơ chế thúc đẩy cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
08:00, 29/06/2023
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: 4 giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp tại Long An
04:00, 29/06/2023
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Bến Tre mong muốn doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tôm
16:35, 28/06/2023
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Doanh nghiệp là “đầu tàu”
16:19, 28/06/2023
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Năm giải pháp để phát huy lợi thế
16:10, 28/06/2023
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2023: Nông nghiệp là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam
16:05, 28/06/2023