Xuất khẩu gạo: "Thời cơ không đợi chúng ta"
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Thời cơ đã đến và không chờ đợi chúng ta. Cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo".
>>>Để xuất khẩu nông sản "về đích"
Tại cuộc họp của Bộ NN&PTNT về tình hình xuất khẩu gạo ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Thời cơ đã đến và không chờ đợi chúng ta. Cần nắm bắt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo".
Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục chậm lại do nguồn cung từ vụ Đông Xuân đã cạn. Tuy nhiên, triển vọng ngành gạo được đánh giá là tương đối tích cực trong 6 tháng cuối năm do sản lượng gạo tại nhiều quốc gia sản xuất tại châu Á đứng trước nguy cơ sụt giảm trước tác động của El Nino, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu cũng như giá gạo trên thị trường quốc tế.
Theo Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,27 triệu tấn với 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc có sự tăng trưởng tốt từ khi mở cửa thị trường sau dịch COVID-19.
Trong khi đó, Indonesia bắt đầu nhập khẩu gạo trở lại nên xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này có mức tăng trưởng mạnh trên 1.498%.
“Hiện xuất khẩu gạo đang thuận lợi, đặc biệt cuối năm bởi các thị trường lớn vẫn mua mạnh như Trung Quốc, Philippines, Malaysia… Điển hình vài ngày tới, Indonesia tiếp tuc mở thầu 300.000 tấn và dự kiến sẽ liên tục mở thầu. Điều này sẽ làm cho giá gạo các nước sẽ tăng, ít nhất là không giảm”, bà Bùi Thị Thanh Tâm cho biết.
>>>Điều kiện để xuất khẩu nông sản “về đích”: Củng cố, duy trì chờ… bứt phá
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập khẩu 1,3 triệu tấn lúa và gạo, trong đó nhập khẩu từ Campuchia nhiều nhất với 1 triệu tấn lúa, tiếp đến là Ấn Độ với gạo trắng và tấm…
Bà Tâm chia sẻ, giá lúa hiện nay ở mức cao. Giá lúa vụ Hè Thu còn cao hơn vụ Đông Xuân và đây là điều lạ. Trong khi đó, đầu vào cho sản xuất giảm hơn so với năm 2022 nên nông dân có lợi nhuận tốt hơn.
Về tình hình thế giới, theo ông Lê Thanh Hòa, thương mại gạo toàn cầu năm 2023 giảm 275.000 tấn xuống còn 55,4 triệu tấn, giảm 1% so với năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu giảm tại Argentina, Brazil, Myanmar, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ được bù đắp bởi các lô hàng tăng từ Australia, Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam.
Nhu cầu gạo còn tăng nhẹ có thể do cung ứng các nguồn lương thực khác hạn chế. Những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông tạo ra cơ hội gia tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao khi người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Trong khi đó, tại khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn tại thị trường Philippines do khách hàng đã quen với chất lượng gạo Việt và gạo Việt Nam có lợi thế về logistics hơn so với các nguồn cung khác. Bên cạnh đó nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia tăng trở lại; Trung Quốc đã mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm.
Do đó, ông Lê Thanh Hòa dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam được nâng lên do xuất khẩu sang Philippines, Trung Quốc và Indonesia cao hơn dự kiến.
Theo Bộ NN&PTNT, kế hoạch sản xuất cả năm 2023 sẽ gieo trồng 7,1 triệu ha, năng suất trung bình ước đạt 60,7 tạ/ha. Sản lượng dự kiến 43,11 triệu tấn, tăng 0,4 triệu tấn so với năm 2022.
Đến nay, diện tích lúa đã gieo cấy khoảng 5,4 triệu ha (tương đương 76,6% kế hoạch), diện tích còn lại 1,65 triệu ha lúa (lúa Thu Đông tại Đông bằng sông Cử Long và lúa Mùa) dự kiến sẽ gieo cấy xong trong tháng 10/2023.
Diện tích đã thu hoạch đến nay khoảng 3,3 triệu ha (đạt 46,8% kế hoạch), sản lượng đã thu được khoảng 21,8 triệu tấn (trong đó vụ Đông Xuân 2022-2023 khoảng 20 triệu tấn, vụ Hè Thu 2023 khoảng 1,8 triệu tấn). Dự kiến, diện lúa còn lại 3,75 triệu ha (tương đương với sản lượng 21 triệu tấn) sẽ được thu hoạch từ nay đến cuối năm 2023 và tháng 1/2024.
Với tình hình hiện nay sản xuất được bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu, bà Tâm cho biết, hiện Tổng cục Dự trữ nhà nước cũng mở thầu gạo dự trữ nên nhu cầu gạo càng cao. Do đó, bên cạnh đảm bảo thành tích cuối năm cũng cần tính đến an ninh lương thực quốc gia và hàng tồn kho cho đầu năm 2024.
Khẳng định thời cơ không chờ đợi chúng ta, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, các thị trường đang tăng cường nhập khẩu gạo để dự trữ. Do vậy, chấp hành ý kiến Thủ tướng, tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp tính toán ngay một chiến lược, kế hoạch trong ngắn hạn về những khó khăn, thuận lợi để tận dụng thời cơ này gửi Bộ NN&PTNT để tháo gỡ.
“Từ nay đến ngày 15/7, đề nghị các doanh nghiệp gửi kế hoạch cho Bộ NN&PTNT. Đến ngày 15/7, Bộ sẽ tổ chức một hội nghị về chủ đề này tại đồng bằng sông Cửu Long, mời Phó thủ tướng tham gia, chủ trì. Chúng tôi mong Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng liên quan cùng phối hợp tháo gỡ các vướng mắc để tận dụng cơ hội này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo
21:12, 26/05/2023
Thái Bình: Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tìm cách vượt khó
12:02, 11/02/2023
Xuất khẩu gạo 6 tháng năm 2021 sụt giảm
09:30, 14/07/2021