Thêm nhà đầu tư Nhật Bản “rót” vốn vào tỉnh Quảng Ninh
BQL KKT Quảng Ninh vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Parts Seiko Việt Nam để thực hiện dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên.
>>>Quảng Ninh: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường
>>>Hải Phòng - Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ công trình giao thông kết nối
Dự án Parts Seiko Việt Nam do Công ty Parts Seiko (Nhật Bản) là chủ đầu tư. Dự án được thực hiện trên diện tích 1 ha, với vốn đầu tư 10 triệu USD. Đây là dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất, gia công, lắp ráp và kinh doanh các sản phẩm từ kim loại (giá đỡ trục, vòng trục, vòng đệm, đai kẹp và vòng đệm côn).
Theo kế hoạch, tháng 10/2023, nhà máy sẽ bắt đầu được xây dựng và dự kiến tháng 10/2024 đi vào sản xuất kinh doanh. Tổng công suất khi đi vào hoạt động của toàn bộ dự án là 40,5 tấn sản phẩm/năm. Mục tiêu của nhà máy hướng đến xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân - Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long (thuộc Tập đoàn Amata) - chủ đầu tư hạ tầng KCN Sông Khoai, từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 5 nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 ha đất, với tổng số vốn trên 435 triệu USD vào KCN Sông Khoai. Luỹ kế đến hiện tại, KCN Sông Khoai đã thu hút được 9 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 1,8 tỷ USD/84 ha đất cho thuê.
>>>Quảng Ninh: Tạo ra sự đổi mới căn bản trong thu hút đầu tư
Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, dự án đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Sông Khoai, do Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long làm chủ đầu tư, được phân kỳ thành 5 giai đoạn với tổng diện tích 714 ha, tổng mức đầu tư trên 3.500 tỷ đồng. KCN Sông Khoai gần đây đã liên tiếp đón nhận tin vui từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần, KCN này đã liên tục đón các dự án mới đến từ Singapore, Nhật Bản. Và dự án Parts Seiko Việt Nam là dự án FDI thứ 2 đến từ Nhật Bản “rót” vốn vào KCN Sông Khoai trong đầu tháng 7/2023 này. Dự kiến, đến hết năm 2023, KCN Sông Khoai sẽ hút hút được khoảng hơn 1 tỷ USD vốn đầu tư thứ cấp.
Theo ông Nguyễn Văn Nhân, sự lựa chọn và tin tưởng của các nhà đầu tư Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đối với KCN Sông Khoai đến từ nhiều yếu tố. Trong đó, nổi trội nhất chính là sự hỗ trợ đồng hành của các cấp chính quyền địa phương, cũng như vị trí chiến lược và ưu đãi thuế hết sức hấp dẫn của KKT ven biển Quảng Yên. Với dự báo tích cực về triển vọng dòng vốn như hiện nay, phía tập đoàn kỳ vọng sẽ thu hút được trên 1,2 tỷ USD cho hơn 14 dự án đầu tư trong năm 2023 vào KCN Sông Khoai.
Được biết, liên quan đến lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo , tỉnh Quảng Ninh xác định đây là một trong những nhóm ngành quan trọng và là một trong những trụ cột chính trong nền kinh tế của tỉnh; đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP của tỉnh Quảng Ninh đang tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2021 chiếm 11,3%, năm 2022 chiếm 11,5%; dự kiến năm 2023 chiếm 12,3%, tăng 2,5% so với năm 2020.
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU “Về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 15% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 17%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng; tạo ra ít nhất 30.000 chỗ làm việc mới. Định hướng đến năm 2030, tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 20% trong GRDP; tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 20%/năm; thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 100.000 tỷ đồng; tạo ra trên 50.000 chỗ làm việc mới.
Đến nay, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết này, thu hút vốn đầu tư của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt trên 41.300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn FDI đạt trên 1,3 tỷ USD, đạt trên 80% mục tiêu đề ra trong Nghị quyết là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025, bình quân 10.000 tỷ đồng/năm.
Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, quỹ đất công nghiệp của tỉnh còn rất lớn, đủ đáp ứng cho các nhà đầu tư. Tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, đồng hành, tạo thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, GPMB, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư triển khai mở rộng, phát triển sản xuất, nhất là những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh đang có lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng ban BQL KKT Quảng Ninh cho biết: “Năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Dự kiến, trong quý II/2023, sẽ có thêm 9 dự án FDI mới trong lĩnh vực này đầu tư vào các KCN, khu kinh tế của Quảng Ninh”.
Có thể bạn quan tâm