Tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp

Bài: THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN 19/07/2023 01:00

Chuyên gia kiến nghị, chuyển nguồn lực từ các gói hỗ trợ kém hiệu quả sang cho một chương trình khác, vẫn mang tính chất hỗ trợ doanh nghiệp, ưu tiên các chính sách hỗ trợ về thuế, phí.

>>>Động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023

Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp” sáng ngày 19/7 tại Hà Nội.

Sụt giảm sản lượng hàng hoá xuất khẩu nghiêm trọng tại nhiều ngành hàng chủ lực.

Sụt giảm sản lượng hàng hoá xuất khẩu nghiêm trọng tại nhiều ngành hàng chủ lực.

Doanh nghiệp chưa hết khó

Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đã cho thấy những khó khăn rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua. Các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đều chung nhận định về tình trạng suy giảm đáng kể của tổng cầu.

Cụ thể, sau những hệ lụy của đại dịch COVID-19, diễn biến kinh tế thế giới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như xung đột Nga – Ucraina kéo dài; cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn; áp lực lạm phát và ưu tiên thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát cao ở nhiều quốc gia; xu hướng chuyển dịch sang phát triển bền vững kéo theo các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, lao động ảnh hưởng đến nhập khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển.

Thực tế này khiến các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế… đều cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 ở mức thấp, phổ biến ở mức 2-3%. Theo Statista, chỉ số Quản trị người mua hàng (PMI) toàn cầu chỉ đạt 47,1 cho các đơn xuất khẩu mới và 48,8 cho công nghiệp chế biến, chế tạo, tức là đều dưới mức 50. Triển vọng phục hồi nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn “Phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” sáng ngày 19/7 tại Hà Nội. 

Thực tế ghi nhận, bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm kéo dài màu sắc ảm đạm từ cuối năm 2022 trước đó, với nhiều thách thức từ bất ổn kinh tế thế giới tác động tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó).

Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 232,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 33% so với kế hoạch năm. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức tăng trong năm 2022 là 9,5%. 

Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ, so với mức tăng 7,9% trong năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2%.

Trong bức tranh xám của nền kinh tế, tình hình doanh nghiệp cũng không mấy khả quan, trong tháng 6, cả nước có 12.333 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, như vậy trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Giới chuyên gia nhận định, số lượng doanh nghiệp Việt Nam rút lui khỏi thị trường 6 tháng đầu năm 2023 tăng lên vài chục phần trăm trong khi đó tốc độ doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm đi.

Những con số biết nói ở trên cho thấy, dù nhìn ở góc độ lạc quan, tăng trưởng hồi phục nhẹ nhưng các chỉ số đều ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ kéo dài. Trong khi đó, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2 năm 2022-2023, mặc dù đã qua 1 năm rưỡi, nhưng số tiền đã giải ngân còn rất thấp, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải.

"Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có 3 cái khó khăn dai dẳng. Một là thiếu vốn, hai là khả năng tiếp cận ứng dụng khó khăn, ba là tiếp cận mặt bằng sản xuất và các thủ tục hành chính", TS Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023 mới đây, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn.

>>>Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng từ khuyến khích đầu tư tư nhân

>>>Sụt giảm tổng cầu, mục tiêu tăng trưởng 6,5% gặp khó

Ưu tiên hỗ trợ thuế, phí để “tiếp sức”

Nhìn chung, các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm sản lượng, thậm chí phải chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) không thuận lợi.

Một là thiếu vốn, hai là khả năng tiếp cận ứng dụng khó khăn, ba là tiếp cận mặt bằng sản xuất và các thủ tục hành chính

DNNVV hiện thiếu vốn, hai là khả năng tiếp cận ứng dụng khó khăn, ba là tiếp cận mặt bằng sản xuất và các thủ tục hành chính gặp khó.

Bộ trưởng nhấn mạnh, chi phí vốn vẫn ở mức cao, tiếp cận vốn khó khăn. Dư nợ tín dụng đến ngày 20/6 chỉ tăng 3,58% (trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 8,11%); khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp thấp.

Theo các chuyên gia, dư nợ tín dụng tăng trưởng thấp hiện nay chủ yếu là do sức cầu của nền kinh tế yếu và lãi suất còn cao nên doanh nghiệp không muốn hoặc không có khả năng vay.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính nhận định, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9% theo công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

“Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, làm giảm tổng cầu, đồng thời làm tăng nợ xấu”, ông Độ nói.

Trong khi đó, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, bối cảnh hiện nay đang mở ra thêm dư địa cho chính sách tiền tệ. Theo ông Bình, dựa trên những điều kiện kinh tế vĩ mô hiện đang ổn định như lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thanh toán, tỷ giá,… Nhà nước có thể sử dụng công cụ tiền tệ để tiếp tục hạ lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý, việc giảm lãi suất cần đi liền với năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của doanh nghiệp. Ngoài ra, chính sách tiền tệ vẫn phải song hành với chính sách tài khóa, trong đó đầu tư công và những chính sách về thuế, phí… là động lực quan trọng.

Với gói chính sách sau khi triển khai chưa phát huy được hiệu quả như mục tiêu đặt ra như gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp với quy mô 40.000 tỉ, nhiều chuyên gia kinh tế đã đề xuất chuyển nguồn lực từ gói này sang cho một chương trình khác, vẫn mang tính chất hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, có thể ưu tiên các chính sách hỗ trợ về thuế, phí.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam nhận định, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị chuyển gói giải pháp về tín dụng có thể sang gói giải pháp khác về thuế, phí, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp. Là những ý tưởng rất là tốt cũng nhằm mục tiêu là giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn để có thể hồi phục và tiếp tục phát triển.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% gần như không đạt được mục tiêu mong muốn. Chúng ta có thể xem xét chuyển sang hình thức hỗ trợ khác bằng cách giảm, miễn tiền đóng phí, lệ phí hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc các chi phí cho các doanh nghiệp khi mua bán các hàng hóa trong quá trình sản xuất kinh doanh. 

Có thể bạn quan tâm

  • “Điểm nghẽn” trong chuyển đổi số doanh nghiệp

    14:33, 18/07/2023

  • Không gian phát triển mới cho doanh nghiệp: Kiến tạo thị trường ngành cơ khí

    14:19, 18/07/2023

  • Doanh nghiệp Nhật Bản cần gì để đầu tư tại Đà Nẵng?

    12:28, 18/07/2023

  • Doanh nghiệp lo "tắc" dự án nếu bỏ phương pháp thặng dư để định giá đất

    11:30, 18/07/2023

  • Doanh nghiệp vẫn mòn mỏi chờ hoàn thuế

    03:06, 18/07/2023

  • Động lực tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023

    04:18, 17/07/2023

  • NHNN: Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý

    09:09, 15/07/2023

Bài: THY HẰNG - Ảnh: QUỐC TUẤN