Xuất khẩu tôm “ấm” dần

THY HẰNG 23/07/2023 01:00

Sản phẩm tôm đang có xu hướng ấm dần lên, dự báo trong các tháng cuối năm, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu cho các lễ hội sẽ giúp xuất khẩu tôm tăng trở lại.

>>>Xuất khẩu tôm sang Mỹ có nhiều tín hiệu tích cực

Thống kê của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT, năm 2022 xuất khẩu tôm đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD.

Đến năm 2023, tình hình xuất khẩu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, so với cùng kỳ đã giảm đến gần 32%.

 Xuất khẩu tôm giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, so với cùng kỳ đã giảm đến gần 32% nhưng đang có dấu hiệu ấm dần.

Đáp ứng yêu cầu thị trường

Đến năm 2023, tình hình xuất khẩu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm, so với cùng kỳ đã giảm đến gần 32%. Trong đó, xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính (Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc - Hồng Kông và Hàn Quốc) đồng loạt giảm 2 con số, trong đó giảm mạnh nhất thị trường EU với 48,9%, Mỹ giảm 38,1%, Hàn Quốc 28%, Nhật Bản giảm 29% và Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) giảm 15,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, phân tích số liệu từng tháng, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTN nhận định: "Thị trường tôm đang có xu hướng ấm dần lên trong những tháng qua. Dự báo trong các tháng cuối năm 2023, yếu tố lạm phát, lượng hàng tồn kho ở các thị trường có xu hướng giảm và nhu cầu tăng cho các lễ hội cuối năm tăng, sẽ giúp cho xuất khẩu mặt hàng tôm tăng trở lại".

Nhận định về tình hình cuối năm, ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng cho rằng đã có những điểm sáng tại thị trường Hoa Kỳ. Cụ thể như hàng tồn đã bắt đầu giảm, doanh nghiệp Hoa Kỳ đã bắt đầu thu mua hàng trở lại. Bên cạnh đó, ông Huy cũng nhấn mạnh một số ưu điểm của thị trường Mỹ như lãi suất không tăng, kỳ vọng lạm phát giảm và sức mua đang dần quay trở lại.

Tuy nhiên, ông Huy khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Theo đó, hiện các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu đều đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu về an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Mặt hàng tôm đã được chế biến đa dạng về mẫu mã và hình thức đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao (tôm tẩm bột, tôm Nobashi, Sushi, Tempura…), qua đó, áp ứng được cả thị trường khó tính nhất là Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tận dụng một số phụ phẩm tôm để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao cấp như chitin, chitosan, glucosamine, astaxanthin... Do vậy, tôm vẫn tiếp tục được coi là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao, và là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nước ta.

Khâu chế biến đã đáp ứng được tương đối yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, chính vì vậy khâu sản xuất cần được chú trọng hơn.

>>>Doanh nghiệp xuất khẩu tôm mong chờ “bệ đỡ”

Phát triển bền vững

Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam đang tồn tại nhiều điểm yếu và đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là hạ tầng vùng nuôi hạn chế, quy mô nông hộ nhỏ bé khiến hạ tầng nguồn nước cấp, nước thoát nước chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác sản xuất và nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh. Chi phí sản xuất tôm còn cao so với các nước đối thủ trên cùng phân khúc thị trường.

các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Minh họa cụ thể cho việc này, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, với diện tích hơn 140 nghìn ha, Bạc Liêu là một trong số 3 địa phương có diện tích và sản lượng nuôi tôm đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, ông Thiều cũng nhấn mạnh mối lo về môi trường của địa phương: "Nếu như chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà vấn đề về ô nhiễm, và xả thải ra môi trường không được xử lý tốt, thì sẽ trở thành trở ngại rất lớn trong tương lai".

Ông Phạm Văn Thiều nhìn nhận, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp khó lường, môi trường trong nuôi trồng thủy sản được đánh giá là đang xuống cấp nghiêm trọng, ô nhiễm trên diện rộng và trở thành mối đe dọa tiềm ẩn.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTN), để ngành tôm phát triển bền vững, đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) để nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới.

Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuối sản xuất theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại thúc đẩy xuất khẩu; nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng muốn ngành tôm phát triển bền vững, trước tiên, phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Chỉ khi người dân đồng tình, ủng hộ và phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà khoa học, ngành tôm mới phát triển bền vững và gắn với việc bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần nghiên cứu thành lập hiệp hội ngành hàng tôm ở ĐBSCL với sự tham gia của 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp) để có thể hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, cùng nhau phát triển.

Nhằm đưa xuất khẩu tôm trở lại quỹ đạo tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phải phối hợp chặt chẽ với tham tán thương mại nông sản ở các nước cập nhật và thông tin kịp thời các quy định thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại thúc đẩy xuất khẩu; nắm bắt, tận dụng tối đa các cơ hội thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Bộ NN&NT cũng đề nghị Bộ Công Thương cần đẩy mạnh đàm phán ký kết hiệp định thương mại để đa dạng hoá thị trường sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết, khai thác các cơ hội từ các hiệp định; ưu tiên nguồn lực xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm tôm.

Để nuôi tôm và ngành tôm phát triển bền vững, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) để nâng cao chất lượng, giảm giá thành tăng sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới.

Cần phải tập trung ứng dụng khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; phát triển nuôi tôm và các khâu trong chuối sản xuất theo hướng công nghệ cao để giảm lao động trực tiếp, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Xuất khẩu tôm sang Mỹ có nhiều tín hiệu tích cực

    03:00, 06/07/2023

  • Doanh nghiệp xuất khẩu tôm mong chờ “bệ đỡ”

    11:30, 18/05/2023

  • Doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc "gặp khó" vì thuế hạn ngạch

    04:30, 03/04/2023

  • Doanh nghiệp xuất khẩu tôm "chuộng" thị trường Canada

    04:00, 17/06/2022

  • [Infographic] Xuất khẩu tôm kỳ vọng cán mốc kỷ lục

    11:00, 15/12/2021

THY HẰNG