Y tế thông minh: Tiền đang “chảy” vào ngành công nghệ y tế

Minh Quân 05/08/2023 02:30

Từ sau đại dịch Covid, ngày càng có nhiều nhà đầu tư chú ý đến lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

>>Vốn đổ vào startup công nghệ y tế

Đặc biệt, rất nhiều công ty khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ y tế được các quỹ đầu tư “rót” rất nhiều tiền để thúc đẩy phát triển.

Cách đây hơn một tháng, Define Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở ở Mỹ đã đầu tư tổng cộng 800 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp về sức khỏe kỹ thuật số giai đoạn đầu.

Đầu tư mạnh

Không dừng ở đó, các công ty công nghệ, như Microsoft, Amazon, Google, hay thậm chí các nhà bán lẻ, như Walmart hay Best Buy, cũng đều đang gia tăng các hoạt động mua bán lẫn sáp nhập trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Hay mới đây nhất, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ y tế (health tech) WatchYourHealth mới đây đã nhận được khoản tài trợ Series A trị giá 2,2 triệu đô la từ Conquest Global Ventures Private Limited (CGVPL), một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Singapore, đánh dấu bước đột phá đầu tiên vào thị trường Ấn Độ của quỹ này.

Ở trong nước, các công ty khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ y tế của Việt Nam cũng được rót nhiều tiền từ các quỹ đầu tư.
Như Jio Health, doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vừa gọi được 20 triệu USD vốn do Heritas Capital dẫn đầu (bao gồm Fuchsia Ventures, Kasikorn Bank Group, và Monk’s Hills Ventures). Hay như Med247 vừa hoàn tất gọi 4,5 triệu USD trong vòng series A, do Altara Ventures dẫn dắt.

Trước đó vào đầu năm, East Ventures, quỹ đầu tư nổi tiếng của Đông Nam Á cũng công bố đầu tư 2 triệu USD vào Medigo, nền tảng công nghệ chăm sóc sức khỏe từ xa của một startup Việt Nam. Pavillon Capital và Touchstone Partners cũng góp vốn trong vòng này.
Ngoài ra còn có nhiều startup quy mô nhỏ hơn nhưng đầy tiềm lực như khoduoconline, YouMed, MedPro...

Xu thế

Việc các quỹ vẫn rót nhiều tiền đầu tư cho lĩnh vực công nghệ y tế cho thấy tiềm năng lớn của lĩnh vực này, bất chấp thời gian gần đây kinh tế thế giới đang trong giai đoạn khó khăn.

Ví như quỹ Define Ventures kể trên, Quỹ này bị ảnh hưởng lớn sau vụ ngân hàng Sillicon Valley Bank phá sản nhưng bất chấp sự hỗn độn của thị trường họ vẫn bỏ gần nửa tỷ USD để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp sáng tạo về công nghệ sức khỏe.

Theo Deloitte Insights, năm 2021 ngành này được đầu tư khoảng 39,2 tỷ USD, năm 2022 - 27,5 tỷ USD. Năm 2022 dù giảm nhưng vẫn cao hơn khoảng 30% năm 2020 và tăng gấp đôi so với năm 2019.

Có nhiều nguyên nhân khiến các nhà đầu tư rót tiền vào lĩnh vực này. Đầu tiên, chăm sóc sức khỏe luôn là một lĩnh vực béo bở và dễ sinh lời. Ví dụ cơ hội thị trường trong lĩnh vực này ở Mỹ là 4000 tỷ. Đầu tư vào lĩnh vực này sẽ mang lại nhiều lợi ích trong tương lai.
Thứ hai, các công ty khởi nghiệp công nghệ y tế hưởng lợi từ sự gia tăng dữ liệu bệnh nhân và việc áp dụng dịch vụ chăm sóc dựa trên giá trị (mục tiêu là trả ít tiền hơn nhưng nhận được kết quả là sức khỏe tốt hơn).

Dữ liệu là đầu vào của việc chuyển đổi số, càng có nhiều dữ liệu, càng dễ dàng trong việc phân tích và ứng dụng công nghệ.
Thứ ba, mọi người ngày càng chú ý hơn sức khỏe, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe từ xa, nhất là sau đại dịch khiến việc tiếp xúc trực tiếp phải giảm thiểu. Có cầu tự nhiên sinh ra cung, các startup công nghệ y tế mọc lên như nấm. Startup nào có tiềm năng ngay lập tức được các nhà đầu tư chú ý. Thậm chí, khám bệnh từ xa (telehealth) và số hóa hồ sơ bệnh án là một phần trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Chính những điều này khiến cho xu thế rót tiền vào lĩnh vực công nghệ sức khỏe gia tăng trong khi các lĩnh vực khác bị suy giảm.
Theo Pitchbook, quy mô thị trường của ngành chăm sóc sức khỏe dự kiến sẽ đạt 1,3 nghìn tỷ đô la vào năm 2025 khi ngày càng nhiều công ty tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Chính vì thế, cho dù môi trường kinh tế vĩ mô biến động, lĩnh vực công nghệ y tế được nhiều chuyên gia dự kiến sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong tương lai và thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở những nước đang phát triển như Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy chuyển đổi số cho y tế thông minh tại Việt Nam

    Thúc đẩy chuyển đổi số cho y tế thông minh tại Việt Nam

    15:05, 26/11/2020

  • Cơ hội mở từ y tế thông minh

    Cơ hội mở từ y tế thông minh

    09:37, 25/02/2020

  • Sức hút từ mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ y tế

    Sức hút từ mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ y tế

    10:23, 11/07/2023

Minh Quân