Nhiều rào cản hạn chế phát triển ngành nuôi biển
Từ sản xuất đến quản lý hoạt động nuôi biển còn nhiều vướng mắc cần được các cơ quan chức năng, địa phương tháo gỡ.
>>>Phát triển kinh tế biển miền Trung: Chuyên gia hiến kế
Việt Nam có 3.260km bờ biển và 1 triệu kiomet mặt biển, chúng tôi đánh giá có khoảng 500.000ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn. Trên thực tế có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển với đa dạng các sản phẩm.
Nắm bắt tiềm năng này, Đảng, Nhà nước thông qua hàng loạt các chính sách, chủ trương tạo điều kiện phát triển ngành nuôi biển. Cụ thể, năm 2017 đã có Nghị quyết 09 về phát triển kinh tế biển rồi Luật Thủy sản được ban hành đã tạo hành lang pháp lý rất lớn để phát triển kinh tế thủy sản. Đến năm 2018, Nghị quyết số 36 trong đó gạch đầu dòng thứ 4 là phát triển kinh tế thủy sản. Rồi năm 2021 Thủ tướng cũng đã phát hành Đề án nuôi biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, chúng ta có nhiều thuận lợi, có thể khai thác nghề nuôi biển không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, chúng ta có nhiều khó khăn, điều đầu tiên là quy mô sản xuất, 99% số trại nuôi trên biển là quy mô hộ gia đình nên sản xuất phải lo từ cá giống, lồng bè, dịch bệnh, bán cá…
Việc đó khiến rủi ro đổ lên đầu người nuôi cá, nếu không may bị bão gây thiệt hại thì các hộ bị thiệt hại nặng và phải lại làm lại.
Thứ hai là phương thức, do quy mô hộ gia đình nên sức đầu tư vào trại nhỏ, mức độ cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật yếu, phần lớn các bè nuôi thủ công, tận dụng các vật liệu, trong đó có vật liệu có thể gây hại môi trường.
Thứ ba là vấn đề hệ thống, các chuỗi nuôi biển đang manh nha nhưng nhỏ, chưa có sự kết nối hay việc cung cấp cá giống cho bà con không ai kiểm định, thức ăn công nghiệp cũng thế không ai kiểm định. Không ai kiểm định bè nuôi khiến rủi ro cho người nuôi phải chịu.
Thứ tư, mặc dù các bè nuôi của bà con trị giá hàng tỷ để hàng chục tỷ nhưng đối với Nhà nước, ngân hàng không công nhận đó là tài sản. Vì không có cơ quan nào xác định, đánh giá để các cơ quan đánh giá là tài sản cho bà con có thể vay vốn hay tiếp cận bảo hiểm, các chính sách, hỗ trợ của nhà nước.
Mức độ tiếp cận chính sách, thực hiện chính sách khó. Luật thủy sản năm 2017, việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân làm hoạt động nuôi trồng chưa được thực hiện hiệu quả. Luật có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng chưa có cơ quan nào được giao biển và giao biển đủ dài để nuôi trồng lâu dài.
Hay là Nghị định 11 việc giao biển cho cá nhân đến nay việc thực thi vẫn chưa hiệu quả. Trong Nghị định 67 vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
“Theo đó, từ sản xuất đến quản lý còn nhiều vướng mắc cần được các cơ quan chức năng, địa phương tháo gỡ”, ông Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.
>>>Xuất khẩu cá ngừ “từ từ leo đỉnh”
Trong khi đó, việc thực hiện ứng dụng công nghệ vào nuôi biển cũng gặp nhiều khó khăn. Nói như ông Đặng Xuân Trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khó khăn thứ nhất là các công nghệ, từ doanh nghiệp, viện nghiên cứu về đến dân sao tốt cho nhất còn gặp nhiều trở ngại. Không phải công nghệ nào cũng phù hợp với điều kiện đầu tư của bà con, với từng vùng miền. Do vậy chúng tôi vẫn đang đặt hàng các viện nghiên cứu để hỗ trợ bà con.
Chính sách khuyến nông hiện hỗ trợ 50-70% cho bà con, còn lại là nguồn lực của nông dân, nhưng nhiều lúc các chính sách hỗ trợ khó đến với bà con vì năng lực đối ứng của nông dân còn khó.
Khó khăn nữa là dân nuôi theo truyền thống, thay đổi nhận thức còn khó khăn, vận động bà con chuyển từ nuôi lồng gỗ sang nhựa công nghệ mới chuyển việc sử dụng thức ăn từ cá tạp sang thức ăn công nghiệp còn khó, trung tâm dần đào tạo để làm sao tuyên truyền tới bà con tiếp cận được các công nghệ mới nhằn phát huy hiệu quả nuôi của chúng ta.
Cuối cùng là khó khăn trong liên kết sản xuất, tổ chức sản xuất, làm sao kết nối nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông để giảm chi phí đầu vào cho bà con, giảm trung gian, tăng hiệu qủa cho bà con trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Văn Kiểm, Giám đốc kinh doanh thức ăn cá biển, Công ty TNHH De Heus Việt Nam cho biết doanh nghiệp gặp khó khăn về vấn đề nghiên cứu. Việt Nam có đề tài nghiên cứu về thức ăn nuôi biển nhưng chủ yếu là cá biển chứ chưa có các loại thức ăn dành cho những vật nuôi khác. Cá biển hiện cũng chỉ có đề án thức ăn dành cho 3 loại các chính là: cá chẽm, cá chim vây vàng, cá song (còn gọi là cá mú).
Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ đang thiếu và yếu, hiện chỉ có một số doanh nghiệp áp dụng được công nghệ vào kiểm soát thức ăn trong nuôi biển nhưng cũng chưa thực sự phát triển rộng rãi.
Vấn đề khác là kiểm soát nguyên liệu để sản xuất thức ăn cá biển. “Ví dụ tại De Heus chúng tôi thì nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn cá biển là nguồn nhập khẩu 100% nhưng các loại cá khác thì phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trong nước, tuy nhiên De Heus cũng đã nhiều lần phải trả lại hàng do có chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Do đó, tôi đánh giá việc kiểm soát nguồn nguyên liệu thức ăn có chất lượng cũng đang là hạn chế khá lớn trong ngành sản xuất thức ăn nuôi biển”, ông Kiểm chia sẻ.
Đồng thời cho biết, thời gian gần đây giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục trong khi giá thàng sản phẩm không tăng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá thức ăn trong nuôi biển nói riêng.
Và cuối cùng là sự hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế trong việc tạo cơ chế phù hợp để phát triển ngành thức ăn chăn nuôi dành riêng cho nuôi biển.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển kinh tế biển miền Trung: Chuyên gia hiến kế
02:00, 23/06/2023
Phát triển kinh tế biển miền Trung: Còn nhiều “nút thắt”
20:13, 08/06/2023
Phát triển kinh tế biển miền Trung: Chưa xứng với tiềm năng
17:49, 01/06/2023
Kinh tế biển Quảng Ninh Kỳ II: Còn nhiều lực cản cảng biển
15:00, 30/05/2023