Cần hơn 42.000 tỷ đồng đầu tư phát triển cảng cạn tới năm 2030
Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng từ 27.400 tỷ đồng đến 42.380 tỷ đồng.
>>>Kỳ vọng tăng trưởng thương mại khi 03 cảng cạn ở Nghệ An thành hiện thực
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 979/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn trên phạm vi cả nước nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển; tổ chức vận tải container một cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển, đảm bảo an toàn hàng hóa.
Bên cạnh đó, góp phần giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường, đặc biệt ở các đô thị lớn và khu vực có cảng biển lớn. Phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua khoảng từ 25% đến 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải. Hình thành các cảng cạn, cụm cảng cạn với tổng công suất khoảng từ 11,9 triệu TEU/năm đến 17,1 triệu TEU/năm.
Trong đó, khu vực phía Bắc gồm các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 4,29 triệu TEU/năm đến 6,2 triệu Teu/năm; khu vực miền Trung - Tây Nguyên có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 0,9 triệu TEU/năm đến 1,4 triệu TEU/năm; khu vực phía Nam có các cảng cạn, cụm cảng cạn với công suất khoảng từ 6,8 triệu TEU/năm đến 9,5 triệu Teu/năm.
Định hướng đến năm 2050 phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hóa, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics, có khả năng thông qua khoảng 30% - 35% nhu cầu hàng hóa vận tải container xuất nhập khẩu theo các hành lang vận tải, đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch vụ logistics tại các địa phương.
Đáng lưu ý, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng cạn đến năm 2030 khoảng từ 27.400 tỷ đồng đến 42.380 tỷ đồng. Ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu).
Quy hoạch cũng đưa ra một số giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về huy động vốn đầu tư; giải pháp về hợp tác quốc tế, khoa học - công nghệ và môi trường; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về tổ chức thực hiện quy hoạch.
>>>Cần "cú hích" hút vốn đầu tư cho cảng cạn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
>>>34.000 tỷ đồng phát triển cảng cạn, giải pháp nào?
Trước đó, Bộ Giao thông đã ban hành Quyết định 506/QĐ-BGTVT ngày 27/4/2023 công bố cảng cạn Việt Nam. Theo đó, danh mục 11 cảng cạn được công bố, bao gồm: 1. ICD Hải Linh (Phú Thọ); 2. ICD Km 3+4 Móng Cái (Quảng Ninh); 3. ICD Tân Cảng Hải Phòng; 4. ICD Đình Vũ – Quảng Bình; 5. ICD Hoàng Thành; 6. ICD Long Biên; 7. ICD Tân Cảng Hà Nam; 8. ICD Phúc Lộc - Ninh Bình; 9. ICD Tân Cảng Nhơn Trạch; 10. ICD Tân Cảng Quế Võ; và 11. ICD Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1.
Bộ Giao thông vận tải cũng đồng thời giao Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn và các quy định của pháp luật có liên quan. Như vậy, danh mục mới này đã bổ sung ICD Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1. Và nay thêm một ICD mới vừa được công bố là ICD Phú Mỹ.
Vào ngày 11/6/2018, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1201/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đánh giá về việc thực hiện quy hoạch thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc triển khai đầu tư mới và công bố đưa vào khai thác các cảng cạn còn chậm. Sau 5 năm thực hiện, các cảng cạn được công bố đưa vào khai thác mới chỉ chiếm khoảng 15% tổng số cảng cạn được quy hoạch.
Một khó khăn khác, đó là các cảng cạn được quy hoạch gắn với vận tải đường sắt khó triển khai do đầu tư các tuyến đường sắt theo quy hoạch chậm trễ. Việc kết hợp phát triển cảng cạn và trung tâm logistics ở một số địa phương cũng chưa hiệu quả.
Hơn nữa, cảng cạn được coi là một bộ phận của kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng quy hoạch phát triển cảng cạn thời gian gần đây mới được xây dựng nên thiếu tính đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là các quy hoạch chuyên ngành giao thông vận tải, quy hoạch sử dụng đất… Nhiều quy định còn chưa tạo thuận lợi cho phát triển cảng cạn.
Về hiệu quả hoạt động khai thác cảng cạn, Bộ Giao thông vận tải cho biết tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và cảng ICD đang hoạt động hiện khoảng 4,2 triệu TEU/năm. Trong đó, 90% hàng hóa thông qua các cảng ICD, bao gồm 5 cảng ICD quy hoạch thành cảng cạn và cả cụm cảng ICD Trường Thọ, TP.HCM.
“Khối lượng hàng thông qua 11 cảng cạn công bố chỉ chiếm khoảng 10% do hầu hết trong số này đều mới được hình thành và đều nằm ở khu vực phía Bắc”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Theo ghi nhận, tại khu vực phía Nam, cảng cạn hỗ trợ tốt cho các cảng biển trong việc trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, giảm sự ùn tắc tại cảng biển và giao thông đô thị.
Có thể bạn quan tâm
Kỳ vọng tăng trưởng thương mại khi 03 cảng cạn ở Nghệ An thành hiện thực
10:16, 08/05/2023
Bộ GTVT ủng hộ thực hiện "siêu" cảng Cần Giờ
04:00, 12/02/2023
Cần "cú hích" hút vốn đầu tư cho cảng cạn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
04:00, 06/12/2022