LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Bài 2): Bài toán thu hút hàng hoá khu vực

THY HẰNG 08/09/2023 12:50

Để gia tăng nguồn hàng cho Cái Mép – Thị Vải cần chú trọng việc tiếp cận các nguồn hàng, đẩy nhanh quy hoạch hệ sinh thái hoàn chỉnh để biến cụm cảng thành nơi trung chuyển hàng hóa của khu vực.

>>>LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Bài 1): Nhiều điểm nghẽn “kìm chân”

Diễn đàn "Liên kết phát triển logistics - động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tổ chức ngày 8/9 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cái Mép - Thị Vải còn một số hạn chế về quy mô, nguồn hàng, thủ tục hành chính và đặc biệt là thiếu trầm trọng một hệ sinh thái logistics.

Cái Mép - Thị Vải còn một số hạn chế về quy mô, nguồn hàng, thủ tục hành chính và đặc biệt là thiếu trầm trọng một hệ sinh thái logistics.

Hạn chế hạ tầng

Là địa phương có điều kiện để phát triển trở thành trung tâm logistics và cảng biển trung chuyển quốc tế trên cơ sở các tiền đề cơ bản, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế từ Châu Âu, Trung Đông qua khu vực Bắc Á và Châu Mỹ; Sông Thị Vải - Cái Mép có đặc điểm sâu, khá rộng và ít bị bồi lắng, cho phép các tàu có tải trọng lớn ra vào thuận lợi. Đồng thời là cửa ngõ hướng biển phía Đông Nam trên tuyến đường Xuyên Á thuộc hành lang kinh tế Đông Nam tiểu vùng Sông Mê-Kông. 

Đặc biệt, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong 3 cực tăng trưởng quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, là “cửa ngõ” ra biển của các tỉnh phía Nam với nhiều điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gầy sân bay quốc tế lớn nhất đang được xây dựng, mạng lưới giao thông đường bộ quốc lộ tương đối hoàn thiện, cao tốc và đường sắt kết nối kinh tế vùng và vươn ra khu vực quốc tế…

Cũng bởi vậy, logistics và cảng biển cũng được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng tỉnh trở thành đầu mối về dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025 đạt bình quân 100 triệu tấn/năm. 

Trên thực tế, giai đoạn 2015-2022, lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng trưởng khá tốt, với mức tăng bình quân đạt trên 13%; trong đó cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã trở thành 1 trong 19 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận thế hệ tàu container siêu lớn trên 24.000 TEU. Nếu như trước đó, cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu chưa có tên trong bảng xếp hạng tốp 100 cảng biển của thế giới thì đến năm 2021, hệ thống cảng biển của tỉnh đã vươn lên xếp thứ 22 và hạng 11 về cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu.

DIỄN ĐÀN LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN LOGISTICS – ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÙNG ĐÔNG NAM BỘ

-     Thời gian : 13h30 - 17h30, Thứ Sáu, Ngày 08/09/2023

-     Địa điểm : Trung tâm Hội nghị Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, Cái Mép - Thị Vải còn một số hạn chế về quy mô, nguồn hàng, thủ tục hành chính và đặc biệt là thiếu trầm trọng một hệ sinh thái logistics khiến cụm cảng nước sâu chưa thể phát huy hết tiềm năng.

>>>08/09: Diễn đàn "Liên kết phát triển logistics – động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ"

Địa điểm trung chuyển hàng hoá khu vực

Đáng lưu ý, chia sẻ với DĐDN, ông Vũ Hồng Hùng, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Cảng Tân Cảng – Cái Mép Thị Vải (TCTT) nhấn mạnh, nguồn hàng của các Cảng biển tại khu vực Cái Mép - Thị Vải là đến từ khu vực Nội Á, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Nhật bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…, Châu Âu và Mỹ.

 cần có chính sách linh hoạt nhằm thu hút nhà đầu tư và đặc biệt thúc đẩy giao thông kết nối đa phương thức cho Cái Mép - Thị Vải.

Cần có chính sách linh hoạt nhằm thu hút nhà đầu tư và đặc biệt thúc đẩy giao thông kết nối đa phương thức cho Cái Mép - Thị Vải.

“Trong năm 2021-2022 thách thức lớn nhất đến từ đại dịch Covid-19 khi mà gần như cả thế giới đóng băng mọi hoạt động để tập trung phòng chống dịch bệnh, dẫn đến nguồn hàng giảm nghiêm trọng. Tiếp đến là xung đột chính trị dẫn đến chiến tranh vũ trang giữa Nga – Ucraina kéo theo hậu quả của việc khủng hoảng năng lượng, giá nhiên liệu tăng cao, khu vực Châu Âu và Mỹ bắt đầu bước vào sự suy thoái kinh tế do lạm phát leo thang. Điều này khiến cho nửa cuối năm 2022 và nửa đầu năm 2023 các cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải nói chung đã không có sự phục hồi như dự báo”, ông Vũ Hồng Hùng chia sẻ.

Đồng thời nhận định, thách thức đối với nguồn hàng chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan bên ngoài và vì vậy cũng khiến cho việc dự báo thị trường trong giai đoạn hiện nay và sắp tới sẽ không dễ dàng.

Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Bảo Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vina Logistics – VNL nhận định, Cái Mép - Thị Vải đang thiếu khu vực hạ tầng logistics sau cảng và hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ. Phần lớn lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn thực hiện các công đoạn đóng container, kiểm định, khai quan tại ICD ở các tỉnh khác rồi vận chuyển bằng sà lan đưa lên tàu mẹ tại khu vực Cái Mép - Thị Vải. Đáng chú ý, hàng xuất đi trong khu vực châu Á rất nhiều, nhưng Cái Mép - Thị Vải có chưa đầy 10 tuyến nội Á dẫn tới khá nhiều doanh nghiệp phải vận chuyển hàng hóa lên cảng Cát Lái (TPHCM) để xuất đi.

Từ thực tế này, các doanh nghiệp nhận định, để gia tăng nguồn hàng cho Cái Mép – Thị Vải cần chú trọng việc tiếp cận các nguồn hàng, đẩy nhanh quy hoạch hệ sinh thái hoàn chỉnh để biến cụm cảng thực sự trở thành nơi trung chuyển hàng hóa của khu vực.

“Các doanh nghiệp cảng biển phải chủ động hơn trong việc tiếp cận các thị trường hàng hóa, các doanh nghiệp sản xuất để định hướng được nguồn hàng, bên cạnh việc liên kết chặt chẽ với các hãng tàu để tạo ra được các giải pháp vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất tới cảng biển xuất nhập khẩu và các tuyến vận chuyển. Có làm được như vậy thì công tác dự báo thị trường mới sát và có giá trị trong việc hoạch định được các chính sách quản trị doanh nghiệp cảng biển”, Giám đốc TCTT nhấn mạnh.

Cùng với đó, giới chuyên gia nhận định, cần có chính sách linh hoạt nhằm thu hút nhà đầu tư và đặc biệt thúc đẩy giao thông kết nối đa phương thức cho Cái Mép - Thị Vải. Theo PGS-TS Hồ Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI) nhận định, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải cần học tập giải pháp của các cảng trên thế giới như chủ động tiếp cận các cảng, hãng tàu trên thế giới để tìm nguồn hàng kết nối, tạo nhu cầu liên kết trung chuyển hàng hóa và tăng cường chuyển đổi số, dịch vụ logistics cũng như phát triển cảng xanh. 

LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Bài 3): Hoàn thiện hạ tầng phát triển vận tải đa phương thức

Có thể bạn quan tâm

  • LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Bài 1): Nhiều điểm nghẽn “kìm chân”

    12:03, 07/09/2023

  • 08/09: Diễn đàn "Liên kết phát triển logistics – động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ"

    02:02, 09/08/2023

  • Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ: Tập trung xử lý 3 vấn đề lớn của vùng

    15:25, 18/07/2023

THY HẰNG