Điểm yếu chế biến "kìm chân" chuỗi liên kết nông sản vùng ĐBSCL

Bài - Ảnh: THY HẰNG 15/09/2023 14:47

Các ý kiến cho rằng công nghiệp chế biến là khâu yếu nhất của chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của vùng ĐBSCL, thậm chí vẫn “giậm chân tại chỗ” nhiều năm qua.

>>>Trung tâm nông sản ĐBSCL: Mô hình nào phù hợp?

Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế thường niên năm 2023 của TP Cần Thơ với chủ đề "Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng Bằng sông Cửu Long", ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là "Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng.

Diễn đàn

Diễn đàn Kinh tế thường niên năm 2023 của TP Cần Thơ với chủ đề "Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng Bằng sông Cửu Long". 

Với tổng diện tích 40.577,6 km2 và có tổng dân số là 17.744.947 người (2022) ĐBSCL được xác định là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước. Là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 95% lượng gạo, gần 65% lượng thuỷ sản nuôi trồng và gần 70% các loại trái cây xuất khẩu. Tuy nhiên phát triển của vùng còn nhiều khó khăn. 

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, theo Quyết định 816/QĐ-TT ngày 07/07/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2050, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặc biệt là Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ đã quy định về việc phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại khu vực. 

ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ, là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ nhấn mạnh vùng ĐBSCL là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm đóng góp quan trọng vào kinh tế cả nước.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc hình thành Trung tâm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. “Việc hình thành trung tâm có mục tiêu “Một điểm đến đa dịch vụ” góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Đồng thời, khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm. Đặc biệt, tập hợp các nguồn lực giải quyết các bài toán lớn của vùng”, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh. 

TP. Cần Thơ đóng góp khoảng 1,47% GDP cả nước, khoảng 3,24% GRDP của 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương và khoảng 9,45% GRDP của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 74,50 triệu đồng, gấp 7,1 lần so năm 2005; cao hơn so với GDP bình quân đầu người cả nước 64,49 triệu đồng, đứng vị trí thứ 5 so với các thành phố lớn trực thuộc Trung ương và trong top đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, Trung tâm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế ĐBSCL, dự kiến thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng của Trung tâm ước khoảng 6.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới. Đồng thời, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho các mặt hàng ĐBSCL, đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản thông qua việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản góp phần vào tăng trưởng GRDP, phát triển kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL.

ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ nhận định, Trung tâm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế ĐBSCL.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ chia sẻ về Trung tâm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.

Bên cạnh đó là nâng cao trình độ sản xuất, thương mại, dịch vụ cho lực lượng sản xuất trong vùng, tiếp cận trình độ quốc tế. Góp phần tạo công ăn việc làm, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và giá trị gia tăng cao hơn cho người lao động, doanh nghiệp, góp phần ổn định sinh kế, đời sống, xã hội vùng ĐBSCL.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI ĐBSCL) đánh giá ĐBSCL là trung tâm về nông nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn nông nghiệp luôn là lĩnh vực bệ đỡ của nền kinh tế. Đồng thời đóng góp cho tổng sản lượng xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Lam đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề công nghiệp chế biến nông sản của vùng vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào “nội lực”, chưa có sự đóng góp của những doanh nghiệp FDI đầu tư 100% vào chế biến nông sản.

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam nhận định cần sự chuyển đổi cho kinh tế vùng ĐBSCL.

Giám đốc VCCI Cần Thơ Nguyễn Phương Lam nhận định cần sự chuyển đổi cho kinh tế vùng ĐBSCL.

Từ những thực tế này, Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định kinh tế ĐBSCL tăng trưởng có phần ổn định nhưng đang chậm dần so với các vùng kinh tế khác. Cơ cấu kinh tế không đổi trong nhiều năm qua, do đó, cần một chương trình chuyển đổi mạnh mẽ.

“Do đó, cần sự chuyển đổi cho kinh tế vùng ĐBSCL. Theo đó, phát triển nông nghiệp phải dựa trên thị trường đầu ra là thực phẩm. Cùng với đó cần xác định, nông nghiệp nhiều rủi ro, ít nhà đầu tư, nhưng công nghiệp chế biến là lợi thế của vùng, rất dễ kêu gọi đầu tư”, ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng công nghiệp chế biến là khâu yếu nhất của chuỗi sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản, thậm chí “giậm chân tại chỗ”. Do đó, phải mở rộng đầu tư vào công nghiệp chế biến để phát huy vai trò trong chuỗi, nâng cao giá trị nông sản xuất khẩu.

>>>Trung tâm nông sản ĐBSCL: Băn khoăn nguồn nguyên liệu

Chủ tịch Vinafruit cũng lưu ý về việc kiểm tra giám sát trong quá trình chế biến, giao hàng…ví dụ như việc vi phạm mã số vùng trồng vẫn diễn ra. Do đó, cần tăng cường công tác giám sát này.

Cũng theo ông Bình, mối liên kết trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn thiếu bền vững, tình trạng huỷ bỏ cam kết vẫn xảy ra khi giá cả thị trường biến động về cả hai phía người sản xuất và người tiêu thụ, gần đây nhất là khi giá sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng, thương lái đẩy giá mua sầu riêng trong nước tăng từ 30.000đ/kg lên 70.000 80.000đ/kg nhiều nhà vườn, doang nghiệp trung gian đã huỷ bỏ hợp đồng không thực hiện việc giao hàng làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng...

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn nhận định chế biến là khâu yếu nhất của chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL.

Nhiều ý kiến tại Diễn đàn nhận định chế biến là khâu yếu nhất của chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL.

Đồng thời, tình trạng giao hàng không đúng quy định trong hợp đồng vẫn xảy ra mặc dù đã được khuyến cáo và nhắc nhở nhiều lần. Trong 8 tháng đầu năm 2023 phía TCHQ Trung quốc đã thông báo đến Bộ NN&PTNT Việt nam tình trạng vi phạm của các doanh nghiệp Việt nam trong việc thực hiện các quy định về mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, chất lượng của trái cây không đạt yêu cầu như Sầu riêng non, sượng... hư hỏng, TQ sẽ trả lại Việt nam khoảng 200 container. Gần đây là Sầu riêng Việt nam xuất sang Nhật bản và Hàn quốc với vi phạm tương tự về chất lượng.

Do đó, Chủ tịch Vinafruit nhấn mạnh cần thay đổi trọng tâm vào khâu chế biến và logistics. “Đầu tư cho công nghiệp chế biến với công nghệ và máy móc thiết bị hiện đại là cần thiết và cấp bách đối với nông nghiệp của ĐBSCL”, ông Bình nhấn mạnh.

Đồng thời cho rằng vai trò của ngành Logistics tuy rất quan trọng, logistics tham gia vào hầu hết các công đoạn của trong chuỗi liên kết nhưng chưa có vị trí rõ ràng trong chuỗi liên kết, để Logistics phát huy tốt tiềm năng của mình cần có định nghĩa đầy đủ xác định rõ chức năng nhiệm vụ từ phía các cơ quan nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng đồng ý vay vốn ODA cho 16 dự án vùng ĐBSCL

    01:03, 09/07/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

    21:19, 07/07/2023

  • Sầu riêng phát triển “nóng” ở ĐBSCL, Bộ NN&PTNT chỉ đạo khẩn

    04:30, 24/02/2023

  • Cấp thiết xây dựng vùng nguyên liệu cho ĐBSCL

    00:39, 25/11/2022

  • Vận tải thuỷ “ì ạch” giảm sức cạnh tranh của hàng hoá vùng ĐBSCL

    09:59, 01/10/2022

  • Trung tâm nông sản ĐBSCL: Mô hình nào phù hợp?

    04:01, 12/07/2022

  • Trung tâm nông sản ĐBSCL: Băn khoăn nguồn nguyên liệu

    10:01, 11/07/2022

  • "Nhạc trưởng" cho liên kết phát triển ĐBSCL

    01:49, 22/06/2022

Bài - Ảnh: THY HẰNG