Cơ hội phát triển doanh nghiệp ĐBSCL
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cần tập trung cải thiện tỷ lệ “sống” của doanh nghiệp qua các chính sách hỗ trợ, đồng thời có định hướng cơ bản nâng cao hiệu quả, năng suất & năng lực cạnh tranh.
>>>Chính sách ưu đãi "hút" doanh nghiệp đầu tư Trung tâm liên kết nông sản vùng ĐBSCL
Chia sẻ tại "Diễn đàn doanh nghiệp – kết nối giao thương doanh nghiệp 13 tỉnh ĐBSCL" tại An Giang ngày 16/9, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định có nhiều nhân tố tác động tới kinh tế toàn cầu biến động, phức tạp và mơ hồ.
Theo đó, về địa kinh tế toàn cầu hoá phân mảnh, sự đứt gãy và hình thành các chuỗi cung ứng mới, các liên kết kinh tế mới theo chuẩn mực mới mà Việt Nam đang được coi là nước có thể phát triển thành cường quốc bậc trung, Việt Nam được kỳ vọng gia tăng sản phẩm chế biến và vị thế của mình.
Cùng với đó, công nghệ phát triển nhanh và sâu rộng tới mọi ngành mọi nền kinh tế khiến cạnh tranh gay gắt trên nền tảng mới với công nghệ cao và công nghiệp 4.0. Ngoài ra, tăng trưởng bền vững, xanh, tuần hoàn, bao trùm trở thành xu hướng lớn và xuyên suốt của mọi nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặc biệt nhấn mạnh tới kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới mới, theo đó, Việt Nam có cơ hội điều chỉnh quan hệ với các đối tác lớn, giảm lệ thuộc nặng vào một số thị trường, tạo cân bằng có lợi & bền vững hơn. Đồng thời nâng năng lực các mặt để nâng vị thế VN trong các chuỗi cung ứng (GSC / GVC) hiện có, tham gia các chuỗi mới. Học hỏi, hợp tác, ứng dụng công nghệ; tạo sức bật, đột phá mới từ công nghệ cũng như chuyển mạnh theo các xu hướng / đòi hỏi mới: chuyển đổi số, kinh tế xanh, kết nối xanh... Thực hiện tốt các FTA thế hệ mới, nâng vị thế VN trong các liên kết KT toàn cầu.
Tuy nhiên, bà Phạm Chi Lan cũng lưu ý, Việt Nam đang ở thế rất nhạy cảm trong cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đan xen giữa các yếu tố chính trị, an ninh quốc phòng, quân sự, kinh tế..., không dễ cân bằng các mối quan hệ, cân đo giữa các lợi ích.
“Nội lực nền kinh tế còn yếu nhưng độ mở cao, các ngành lớn lệ thuộc vào vài thị trường lớn nên dễ bị rủi ro, chịu tác động nhanh, mạnh từ các biến động, xu hướng mới bên ngoài, nhất là từ các đối tác lớn”, Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Đồng thời, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu từ lao động giá rẻ, chính sách ưu đãi FDI, vị trí địa lý trong khu vực, sự tham gia các FTA... Các lợi thế nền tảng chưa hình thành như chất lượng thể chế, nhân lực, trình độ quản trị, năng lực của doanh nghiệp trong nước, công nghệ, hạ tầng, các ngành công nông nghiệp, dịch vụ có năng suất cao, tạo giá trị gia tăng cao...
>>>Điểm yếu chế biến "kìm chân" chuỗi liên kết nông sản vùng ĐBSCL
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn gặp nhiều vấn đề tồn tại trong phát triển. Riêng với doanh nghiệp vùng ĐBSCL hiện có khoảng 64.000 doanh nghiệp đang hoạt động (tính đến cuối năm 2022), tăng gần 4% so với cùng kỳ, song chỉ chiếm 7% tổng số doanh nghiệp cả nước. Số lượng doanh nghiệp tăng thêm hàng năm của ĐBSCL chỉ khoảng 2.362 doanh nghiệp, ở mức thấp so với các vùng khác.
Vốn đăng ký mới ở ĐBSCL tăng trưởng dương 3 năm liên tiếp; 2022 tăng 11%, dẫn đầu cả nước. Giai đoạn 2018-2022 tổng vốn đăng ký mới của ĐBSCL tăng 27%. FDI góp phần đáng kể, năm 2022 có một số dự án lớn: khu công nghiệp VSIP tại Cần Thơ (160 triệu USD), nhà máy Coca-Cola tại Long An (136 triệu USD), dự án SLP Park Nam Thuận tại Long An (98 triệu USD), nhà máy Acecook tại Vĩnh Long (83 triệu USD)…
Tăng trưởng việc làm ở ĐBSCL năm 2022 đạt 29%, song xét cả giai đoạn 2018-2022 vẫn giảm 13% về tăng trưởng số việc làm mới.
Tuy nhiên, năm 2022, tỷ lệ “chết” của doanh nghiệp ĐBSCL là 84%, cao nhất cả nước, do đó, chuyên gia khuyến nghị cần tập trung cải thiện tỷ lệ “sống” của doanh nghiệp qua các chính sách hỗ trợ.
Cùng với đó, cần có định hướng cơ bản nâng cao hiệu quả, năng suất & năng lực cạnh tranh. Cụ thể, chuyển mạnh theo kinh tế xanh, thực hiện chuyển đổi số, chuẩn hóa qui trình sản xuất & chất lượng sản phẩm, nâng trình độ, năng lực quản trị, kỹ năng của lao động, liên kết, cùng nhau hình thành các chuỗi cung ứng ngành, vùng, tham gia hội nhập quốc tế, đặc biệt các FTA.
Về giải pháp cơ bản, bà Chi Lan khuyến nghị, từng doanh nghiệp cần tự đổi mới tư duy, định vị-định hướng lại, xây dựng chiến lược, chương trình hành động và tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, các Hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ, liên kết doanh nghiệp & các tác nhân khác, tham gia cải thiện môi trường kinh doanh.
“Góc độ Nhà nước cần tiếp tục đổi mới luật pháp, chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và start-up. Chính quyền các cấp thực hiện các chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp”, Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Đặc biệt nhấn mạnh nội hàm VUCA tích cực, Vị chuyên gia kinh tế khuyến nghị doanh nghiệp cần có tầm nhìn (Vision) trong đó nhìn rõ tương lai, mục tiêu, định hướng và tạo động lực.
Cùng với đó, có hiểu biết (Understanding), theo đó xác định cơ hội, giành lợi thế so sánh mới, hiểu bối cảnh & các mối tương quan và xây dựng kế hoạch.
Sáng tỏ (Clarity), tập trung vào những điều cốt lõi, dồn năng lực vào nơi hiệu quả nhất và thích ứng (Agility) phản hồi, thích ứng hiệu quả với thách thức, linh hoạt, năng động, tạo thuận lợi cho sáng tạo và xây dựng năng lực chống chịu.
Có thể bạn quan tâm
Chính sách ưu đãi "hút" doanh nghiệp đầu tư Trung tâm liên kết nông sản vùng ĐBSCL
07:14, 16/09/2023
Điểm yếu chế biến "kìm chân" chuỗi liên kết nông sản vùng ĐBSCL
14:47, 15/09/2023
Thủ tướng đồng ý vay vốn ODA cho 16 dự án vùng ĐBSCL
01:03, 09/07/2023
Giải bài toán hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL
12:19, 11/06/2023