Xu hướng lương giữ nguyên: Thách thức hay cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động?
Ông ROHIT KALSY, Giám đốc kinh doanh (SEA) & Giám đốc vùng Malaysia LinkedIn vừa cập nhật nhiều thông tin đáng chú ý về thị trường nhân tài và xu hướng tuyển dụng tại Việt Nam trong thời gian tới.
>>Xây dựng quan hệ lao động hài hòa cho sự phát triển của doanh nghiệp
Cụ thể: Đại dịch COVID-19 và biến động kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến thị trường việc làm toàn cầu, và Việt Nam không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. Trong khi một số lĩnh vực phải đối mặt với áp lực cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa cơ sở kinh doanh, thì các ngành khác lại đang đối diện với nhu cầu tuyển dụng cao nhưng khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân tài phù hợp. Điều này đang tạo ra một thách thức đáng kể cho cả nhà tuyển dụng và người tìm việc làm trong tương lai.
Một xu hướng mới có thể dự đoán nữa là xu hướng lương giữ nguyên trong năm tới. Theo kết quả khảo sát của Anphabe được thực hiện vào tháng 4-5/2023 với gần 6.000 người đi làm, kết hợp phỏng vấn chuyên sâu 30 CEO và 120 quản lý Nhân sự cho biết, có khoảng 50% các doanh nghiệp dự kiến sẽ giữ nguyên mức lương của nhân viên trong năm tới, khác với kỳ vọng tăng lương hàng năm. Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp dự định giảm / giữ nguyên nhân sự, có tới 20% sẽ đồng thời cắt giảm lương của nhân viên. Đối với các doanh nghiệp dự định tuyển dụng thêm nhân sự (chỉ chiếm 20% thị trường), vẫn có 30% sẽ không điều chỉnh lương cho nhân viên hiện hữu.
Không thể phủ nhận xu hướng lương giữ nguyên đang đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi và nâng cao cách quản lý và chăm sóc nhân viên thông qua các chính sách phúc lợi không tiền mặt khác như đào tạo và phát triển kỹ năng, chăm sóc sức khỏe, tổ chức các hoạt động gắn kết và thúc đẩy sáng tạo... Những nỗ lực này không chỉ giúp gia tăng động lực gắn kết và niềm tin của nhân viên đối với doanh nghiệp mà còn cải thiện hiệu suất làm việc, giúp doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh và phát triển bền vững hơn trong môi trường kinh doanh ngày càng biến đổi.
Thị trường tuyển dụng ảm đạm… nhưng đầy tiềm năng
Nhìn rộng ra bức tranh thế giới trong vòng 1 năm trở lại đây, thị trường lao động đã trải qua những thay đổi nhanh đến chóng mặt với 2 diễn biến hoàn toàn đối lập. Nếu cuối năm 2021, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của trào lưu "nghỉ việc ồ ạt" sau đại dịch COVID-19, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người thay thế, thì đến cuối năm 2022, tình hình đã hoàn toàn thay đổi với "cơn bão sa thải" lan rộng trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực Công nghệ. Hashtag #LAYOFF (sa thải) trở thành một xu hướng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội, thể hiện sự quan ngại và tác động đáng kể của tình trạng này đối với người lao động.
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi "sóng thần sa thải" nhanh chóng ập đến và tác động mạnh mẽ đến tình hình tuyển dụng trong nước. Dữ liệu từ LinkedIn cho thấy, tỷ lệ tuyển dụng ở Việt Nam đã giảm đến 36.3% (tính đến Tháng 4/2023).
Tuy nhiên, trong mọi thách thức luôn tiềm ẩn cơ hội. Trong 6 tháng đầu năm 2023, dù nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, nhưng thị trường nhân lực Việt Nam vẫn rất sôi động và còn nhiều cơ hội. Dữ liệu từ LinkedIn cho thấy sự gia tăng đáng kể số lượng người dùng ở Việt Nam, biến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của LinkedIn tại châu Á. Hiện nay có khoảng 5 triệu thành viên LinkedIn tại Việt Nam, gần 3/4 trong số đó có từ 0 - 5 năm kinh nghiệm (đại diện cho nhóm người thuộc thế hệ Gen Z) và phần lớn đến từ các chức năng bộ phận như Kỹ thuật (14%), Bán hàng (9.7%), Phát triển kinh doanh (9.3%), Vận hành (9.1%),…
Bên cạnh đó, dữ liệu quan sát được trên nền tảng này cho thấy, số lượng người đi làm đã có việc nhưng vẫn cởi mở với cơ hội mới (open-to-work) tăng cao hơn 269% so với cùng kỳ năm ngoái, ngoài ra lượng người dùng truy cập LinkedIn và xem các tin tuyển dụng cũng ngày càng nhiều hơn so với 2 năm trước. Theo Ông ROHIT KALSY, tỷ lệ người xem tin tuyển dụng trên nền tảng này đã tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy mức độ chọn lọc ngày càng cao hơn của người lao động trong việc tìm kiếm việc làm.
Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà lãnh đạo trong việc thu hút nhân tài. Mặc dù có thể không có nhiều hoạt động tuyển dụng diễn ra nhưng sự cạnh tranh để giành được ứng viên vẫn ngày càng gay gắt khi họ trở nên sáng suốt và chọn lọc hơn.
Anphabe – đơn vị tư vấn tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc, đã phối hợp cùng với LinkedIn – mạng cộng đồng người đi làm chuyên nghiệp lớn nhất thế giới, tổ chức thành công sự kiện định hướng tư duy lãnh đạo với chủ đề “The Game Changers: Thay đổi cuộc chơi”.
Thế hệ trẻ Gen-Z gia nhập lực lượng lao động ngày càng đông
Nhìn vào thị trường tuyển dụng tương lai, đại diện LinkedIn chỉ ra tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng BỀN VỮNG đối với doanh nghiệp.
Dự kiến đến năm 2025, 75% lực lượng lao động sẽ là những người thuộc Gen Z và thế hệ này đặt ra nhiều tiêu chuẩn khi lựa chọn nơi làm việc lý tưởng, trong đó tính BỀN VỮNG là yếu tố hàng đầu được quan tâm. Đại diện LinkedIn cũng chỉ ra rằng 60% Gen Z sẽ không lựa chọn làm việc tại các tổ chức không có đóng góp cho cộng đồng hoặc không thực hiện trách nhiệm xã hội. Xây dựng thương hiệu Nhà tuyển dụng BỀN VỮNG trở nên vô cùng quan trọng để thu hút những nhân tài phù hợp.
“Tuyển dụng dựa trên kỹ năng” sẽ trở thành tiêu chuẩn vàng trong tuyển dụng.
Dưới tác động của dịch COVID-19 và kỷ nguyên số mà vai trò và tính chất của nhiều công việc đã thay đổi đáng kể, kéo theo đó là bộ kỹ năng cần thiết để đảm nhận công việc đó cũng thay đổi. Dữ liệu từ LinkedIn cũng cho thấy các kỹ năng yêu cầu cho một lập trình viên ngày nay đã thay đổi 27% so với thời điểm 8 năm về trước. Dự kiến đến năm 2025, các kỹ năng yêu cầu cho công việc sẽ thay đổi đến 50% so với năm 2015.
Hiện có 5.2 triệu nhà tuyển dụng đang sử dụng LinkedIn, và cứ mỗi phút có 8 ứng viên được tuyển dụng thành công trên nền tảng này. Trong đó, 4 người được tuyển dụng nhờ áp dụng các bộ lọc kỹ năng trên LinkedIn. Điều này góp phần phản ánh xu hướng tuyển dụng đang ngày càng tập trung hơn vào kỹ năng của ứng viên, thay vì chỉ dựa vào chức danh công việc, kinh nghiệm hoặc trình độ học vấn. Tuyển dụng dựa trên kỹ năng đang trở thành xu hướng tương lai và các doanh nghiệp cần phải thích nghi và ứng dụng.
Có thể bạn quan tâm