Festival - Hà Nội: Cơ hội kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành phố
Các sản phẩm trưng bày và giới thiệu tại Festival là những sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương; thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao …
Nâng cao giá trị thương hiệu
Theo ông Quang, sự kiện được tổ chức nhằm đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gắn kết hoạt động quảng bá du lịch, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn giá trị làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố; gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp và dịch vụ du lịch nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
“Đây là sự kiện xúc tiến thương mại nông nghiệp quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động tổ chức Chương trình “Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023” đã được tổ chức thành công tại huyện Đông Anh (nhân dịp lễ 30/4 – 01/5), huyện Ba Vì (từ ngày 06 - 09/7/20023), huyện Ứng Hòa (từ ngày 21 – 25/7/2023) và sẽ tiếp tục diễn ra tại huyện Đan Phượng trong thời gian tới” ông Quang chia sẻ.
Đặc biệt, theo đại diện HPA, chương trình được kỳ vọng là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô, qua đó góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương; thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên.
“Đây cũng là cơ hội để chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn quảng bá các tiềm năng về nông nghiệp, sản phẩm OCOP; sản phẩm du lịch, văn hóa truyền thống của địa phương” ông Quang nhận định.
Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn dẫn chứng: Huyện Sóc Sơn là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử – văn hóa nằm ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, với nhiều tuyến giao thông quan trọng, có cảng hàng không quốc tế Nội Bài; cùng nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa, đặc biệt là cụm di tích lịch sử đền Sóc gắn với lễ hội Gióng được UNESSCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại … là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
“Tôi tin tưởng Festival nông sản Hà Nội sẽ là cơ hội tuyệt vời để chính quyền và nhân dân toàn Huyện quảng bá các tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp, du lịch, văn hoá truyền thống của địa phương đến với du khách, tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu của quê hương trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng huyện Sóc Sơn ngày càng phát triển” ông Tuấn khẳng định.
Kết nối 3 nhà (Chính quyền – Doanh nghiệp – Người tiêu dùng)
Tại không gian quảng bá “Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023”, có khoảng 160 gian hàng của 108 doanh nghiệp với trên 1.500 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, OCOP tiêu biểu của huyện Sóc Sơn, của thành phố Hà Nội và 23 tỉnh, thành trong cả nước.
Bà Nguyễn Thị Trang, Giám đốc kinh doanh, Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và phát triển công nghệ Nhât Bản đánh giá: Qua việc tham gia Festival do HPA tổ chức, các sản phẩm của công ty như: Tỏi đen Kochi, Hà Thủ ô, Nghệ Curcumin... được người tiêu dùng thủ đô và các tỉnh bạn biết đến lợi ích và hiệu quả từ Tỏi đen nhiều hơn. Đặc biệt, công ty tiếp tục kết nối hợp tác với các đối tác để mở rộng thêm kênh phân phối và chuyển giao công nghệ.
“Cảm ơn Thành phố Hà Nội, cảm ơn HPA và huyện Sóc Sơn đã cho chúng tôi cơ hội giao lưu, gặp gỡ kết nối với các đối tác bạn hàng doanh nghiệp, hợp tác xã ở các tỉnh thành và được trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng” bà Trang nói.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, DS.Phan Thị ngọc, đại diện Công ty CP Quốc tế Alpharco chia sẻ: Với sứ mệnh bảo tồn, phát triển những giá trị của cây thuốc dân gian và được biết đến là công ty uy tín Sơn Mật hàng đầu tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Vì vậy, công ty tham gia Festival nhằm quảng bá các sản phẩm như: Trà Sơn Kim Cúc, Trà Túi Lọc Sơn Mật Hồng Sâm, Trà Túi Lọc Giảo Cổ Lam... đến người tiêu dùng, đồng thời kết nối các kênh phân phối để phát triển sản phẩm ra các tỉnh thành cả nước.
Còn theo đại diện công ty TNHH MTV hải sản Phan Thiết, một doanh nghiệp đến từ Bình Thuận cho rằng: Festival là nơi hội tụ lý tưởng để các tỉnh thành quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản cũng như giao lưu mở rộng kênh bán hàng, bán buôn và xuất khẩu.
“Tham gia gian hàng lần này công ty mang đến các sản phẩm hải sản gồm: Tôm, mực, cá bò biển... cũng không nằm ngoài mong muốn đó” đại diện công ty nói.
Đáng nói, tại “Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023” có sự tham gia lần đầu tiên của Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ bánh đa nem. Trao đổi với DĐDN, ông Lê Ngọc Thanh, đại diện Hợp tác xã bộc bạch: Sản phẩm của Hợp tác xã đã có từ lâu và được phân phối đi nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, trước đây sản phẩm của Hợp tác xã bán ra thị trường nhưng gắn tên đơn vị bao tiêu sản phẩm. Vừa qua được sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền huyện, HPA,Thành phố Hà Nội, Hợp tác xã đã đăng ký tên, nhãn mác, tiêu chuẩn sản phẩm để xây dựng thương hiệu.
“Được tham gia Festival là cơ hội để Hợp tác xã quảng bá hình ảnh, thương hiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Mặt khác, Hợp tác xã có thể kết nối với các doanh nghiệp các tỉnh, thành nhằm mở rộng kênh phân phối ra các tỉnh, thành.
Đặc biệt, đến với Festival lần này, công ty TNHH Huhipro tham gia trưng bày giới thiệu các sản phẩm truyền thống được làm bằng tre, gỗ. Theo đại diện công ty, qua Festival công ty muốn quảng bá các sản phẩm truyền thống đến đông đảo người tiêu dùng cả nước. Ngoài ra, công ty muốn tìm kiêm đối tác bạn hàng để mở rộng xuất khẩu sản phẩm khẳng định thương hiệu Việt.
Đánh giá về các gian hàng được lựa chọn tham gia Festival, ông Quang khẳng định: “Các sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại Festival là những sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương; thực phẩm chế biến, sản phẩm OCOP được chứng nhận; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, … có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống”.
Được biết, trong các ngày diễn ra Festival, UBND huyện Sóc Sơn sẽ tổ chức một chương trình đặc sắc trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Lễ hội Gióng Đền Sóc – Sóc Sơn – Vùng sáng tâm linh”. Bên cạnh đó, còn trình chiếu, giới thiệu về toàn bộ các quy hoạch phát triển của huyện. Ngoài ra, nhiều hoạt động bên lề cũng được tổ chức nhằm thu hút khách tham quan như: Hội thi nấu cơm dân gian và trải nghiệm nấu cơm niêu và muối dưa cà; kéo giò hoa tre; têm trầu cánh phượng; chương trình văn nghệ "Dấu ấn tuổi trẻ"; chương trình múa lân, ca hát, dân vũ Đêm Trung Thu; trình diễn nặn tò he dân gian; thêu tranh, làm tranh gạo...
Có thể bạn quan tâm
HPA Tạo sân “chơi” doanh nghiệp kết nối, hợp tác kinh doanh
15:17, 27/09/2023
Hà Nội: HPA “hút” du lịch qua Festival Thu Hà Nội năm 2023
14:11, 20/09/2023
Hà Nội: HPA tổ chức Tuần hàng nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2023
13:46, 07/09/2023