7 bất cập trong đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

ANH VŨ 30/09/2023 02:30

Ngoài những trở ngại xuất phát từ phía doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam còn vướng ở một số bất cập về chính sách, quy định pháp luật.

Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII) xếp hạng Việt Nam vị trí 46/132 quốc gia, nền kinh tế. Ngoài việc tăng 2 bậc so với năm 2022, Việt Nam được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua, là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp.

>>> Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023

Báo cáo GII 2023 cho thấy, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo: Tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu ra Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40.

Tuy vậy, những chỉ số liên quan đến môi trường, thể chế chính sách cũng như hiệu quả thực thi pháp luật lại có dấu hiệu thụt lùi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam vẫn còn khó khăn, bất cập trong việc hướng tới đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA)

Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA)

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh (YBA) khẳng định: “Chúng ta muốn đột phá thì điều đầu tiên chúng ta phải đi theo được những xu thế chung của thế giới. Đặc biệt là phải nắm chắc những cái cơ bản của sự dịch chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Một trong những yếu tố quan trọng nhất của nền kinh tế xanh đó là đổi mới sáng tạo”.

Theo một báo cáo từ Bộ Khoa học và Công nghệ, 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa chưa đổi mới mạnh về tư duy để bắt kịp xu hướng về công nghệ. Còn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ít sử dụng và cải tiến công nghệ, đổi mới.

Việc ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực chế tạo, dịch vụ ở Việt Nam còn khá thấp, TS Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp về khu vực tư của Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho rằng biết: Các doanh nghiệp starup Việt Nam đa số ứng dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số vì nó đòi hỏi ít về nghiên cứu sâu, nghiên cứu cơ bản. Còn với chế tạo, đòi hỏi nghiên cứu sâu, chi phí nghiên cứu lớn, làm thử tốn kém nên chưa có nhiều.

Nhận định về thực tiễn đổi mới sáng tạo xanh tại các địa phương, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: hiện nay doanh nghiệp thực tế ít thay đổi và cập nhật công nghệ, quy trình, hàm lượng công nghệ thấp.

>>> Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp là động lực mới cho sự tăng trưởng
ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Ông Cương cũng cho biết các sản phẩm của doanh nghiệp chưa tinh xảo, giá trị gia tăng, tính cạnh tranh còn thấp, sản phẩm mới với doanh nghiệp nhưng không mới với thị trường. Rất ít doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) thực sự đổi mới sáng tạo, thực sự xanh và thực sự quan tâm mở rộng thị trường. Thêm vào đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp chủ yếu là tập huấn, xúc tiến đầu tư.

Cũng theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ngoài những trở ngại xuất phát từ phía doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số bất cập về chính sách, quy định pháp luật, cụ thể có 7 bất cập sau:

Thứ nhất, chưa có tiêu chí xác định doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới xanh.

Thứ hai, quy trình đăng ký và tiếp cận các hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp còn phức tạp.

Thứ ba, vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương hoạt động không hiệu quả.

Thứ tư, thiếu nguồn lực kinh phí và hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo khi hỗ trợ của Nhà nước chưa đủ mạnh thúc đẩy áp dụng và phổ biến các công nghệ nhằm giải quyết các thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong khi năng lực tiếp nhận, làm chủ công nghệ của phần lớn doanh nghiệp còn hạn chế.

Thứ năm, công tác truyền thông chính sách chưa đến được với các doanh nghiệp như các chính sách và hỗ trợ của Nhà nước dành cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như các nguồn đầu tư, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thứ sáu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn về tài chính, nguồn lực cũng như công nghệ nên kinh phí dành cho môi trường trong các sản phẩm rất thấp.

Cuối cùng, các quy định về kinh tế tuần hoàn mới dừng lại ở mức độ khung, chưa cụ thể hóa, thiếu dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trước đó để tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ cho việc phát triển mô hình kinh tế này.

Có thể bạn quan tâm

  • Hướng Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

    10:24, 29/09/2023

  • Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023

    10:59, 28/09/2023

  • Hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

    04:46, 25/09/2023

ANH VŨ