Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ đón tin vui
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, một số tín hiệu phục hồi cho ngành gỗ được ghi nhận ở thị trường quốc tế.
>>>Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản lấy lại đà cân bằng
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tiếp nối tháng 7 đạt trên 1 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2023 tiếp tục đạt trên 1,1 tỷ USD sau thời gian dài sụt giảm. Dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ có thể đạt thêm 6 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 lên khoảng 14 -14,5 tỷ USD.
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho rằng, một số tín hiệu phục hồi cho ngành gỗ được ghi nhận ở thị trường quốc tế. Cụ thể, lạm phát ở Mỹ đang giảm dần, chỉ số tiêu dùng bắt đầu tăng trở lại, hàng tồn kho nội thất giảm, ngành xây dựng đang trải qua sự gia tăng về cầu...
“Giai đoạn này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu lượng lớn gỗ nguyên liệu. Lượng gỗ nhập về bình quân tăng từ 5 - 10%/tháng. Đây là dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp gỗ đang tích cực chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm", đại diện HAWA cũng cho biết.
Trên thực tế, từ đầu quý III/2023 tình hình xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã có những tín hiệu phục hồi khả quan, khi kim ngạch xuất khẩu lâm sản tháng 9/2023 đã đạt trên 1,28 tỷ USD, tăng 7,3% sau thời gian dài sụt giảm… Qua đó, đã kéo mức giảm trong xuất khẩu lâm sản xuống còn 20,6%, với giá trị 10,44 tỷ USD trong 9 tháng 2023.
Xuất khẩu viên nén và dăm gỗ là một điểm sáng trong xuất khẩu lâm sản. Ông Thang Văn Thông, Chủ tịch Chi hội Dăm gỗ Việt Nam (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang nhận được tương tác tích cực hơn từ đối tác mua hàng. Một số doanh nghiệp có đơn hàng mới đã bắt đầu tổ chức cho công nhân tăng ca trở lại hoặc tuyển thêm lao động.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu dăm gỗ trong 7 tháng năm 2023 đạt 1,1 tỷ USD, trong khi xuất khẩu viên nén đạt 380 triệu USD. Sau giai đoạn tăng nóng trong nửa cuối năm 2022, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu viên nén trung bình của Việt Nam đã giảm gần 3%, về xấp xỉ 157 USD/tấn.
Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu phần lớn viên nén của Việt Nam. Lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào hai quốc gia trên luôn chiếm gần 100% tổng lượng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam từ tất cả các thị trường trong suốt giai đoạn từ năm 2019 đến nay.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản nhập khẩu hơn 1,16 triệu tấn viên nén, trị giá hơn 195 triệu USD, tăng 5,65% về lượng và 28,88% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trong cùng giai đoạn, Hàn Quốc nhập khẩu hơn 840.000 tấn viên nén, trị giá gần 116 triệu USD, giảm hơn 33% về lượng và gần 43% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với mặt hàng dăm gỗ, Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu sản phẩm này nhiều nhất của Việt Nam. Lượng và kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ vào 2 thị trường này chiếm gần 95% tổng lượng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam vào tất cả các thị trường trong năm 2022 và hơn 90% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Kim ngạch xuất vào Trung Quốc luôn chiếm trên dưới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, cầu tại thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong năm 2023 còn thị trường Nhật Bản cũng sụt giảm nhẹ, kéo theo giá dăm xuất khẩu giảm. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu lâm sản sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc là chủ yếu do tăng giá xuất khẩu dăm gỗ và viên nén.
>>>Ngành nông nghiệp kiên định mục tiêu xuất khẩu 54 tỷ USD
Một tin vui khác cũng tới với doanh nghiệp ngành gỗ, theo ông Thang Văn Thông, Phó chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành gỗ mà chủ yếu thuộc lĩnh vực chế biến dăm gỗ, viên nén đã được hoàn 2.000 tỉ đồng tiền thuế giá trị gia tăng trong tổng số hơn 6.000 tỉ đồng tiền thuế đang chờ hoàn.
Nhiều địa phương đã hoàn thuế cho doanh nghiệp như Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa… "Số tiền hoàn thuế này sẽ là dòng vốn quan trọng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới", ông Thông nhấn mạnh.
Trước đó, việc chậm trễ hoàn thuế giá trị gia tăng trong thời gian dài khiến không ít doanh nghiệp ngành gỗ lao đao, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản.
Phó chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam thông tin, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành gỗ đã có nhiều văn bản gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành chức năng kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Việc cơ quan chức năng vào cuộc tiến hành hoàn thuế cho doanh nghiệp được ông Thông ví von giống như "mặt trời đã hé lộ ra rồi". "Hy vọng từ nay tới cuối năm, câu chuyện hoàn thuế tiếp tục được thúc đẩy, giải quyết rốt ráo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Thông nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thép, sợi, gỗ…đối mặt điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần làm gì?
12:58, 02/10/2023
Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Hải Dương lao đao
02:35, 23/09/2023
Xuất khẩu gỗ Việt Nam có thực sự đang phục hồi?
10:43, 21/09/2023
Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đang phục hồi ra sao?
03:20, 15/09/2023
Chặn đà lao dốc của xuất khẩu gỗ
02:30, 24/05/2023
Xuất khẩu gỗ “khốn đốn” vì “nguồn gốc”
17:37, 11/11/2022
Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán cứng chưa bị Mỹ áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại
02:03, 24/08/2022